Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch
Hồng Sơn - Thành Vân - 11/06/2020 17:40
 
Trong các khu công nghiệp tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… đã có hàng trăm doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng bởi Covid-19.

Ban quản lý khu công nghiệp các địa phương đã chủ động nắm bắt tình hình để có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh. 

Ban quản lý các khu công nghiệp luôn tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để vượt qua khó khăn do Covid-19. Ảnh: Lê Toàn
Ban quản lý các khu công nghiệp luôn tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp để vượt qua khó khăn do Covid-19. Ảnh: Lê Toàn

Thiệt hại

Theo tổng hợp của Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza), tính đến đầu tháng 6, có 80 doanh nghiệp báo cáo bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với 3.620 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động (trong đó có 44 doanh nghiệp FDI với 3.095 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động), 3.317 lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động/nghỉ việc không hưởng lương và 7.792 lao động bị tạm ngừng việc có hưởng lương theo Điều 98, Bộ luật Lao động.

“Tổng giá trị thiệt hại của các doanh nghiệp này ước tính trên 530 tỷ đồng”, đại diện Hepza nói.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải chịu những khoản thiệt hại chưa tính toán được như: khách hàng chậm thanh toán; không có đơn hàng mới, hàng tồn kho nhiều do không xuất được sang Trung Quốc; giá nguyên liệu tăng cao; chuyên gia người Trung Quốc chưa được trở lại làm việc, ảnh hưởng đến tiến độ công việc; thiếu sản phẩm bán cho khách hàng, mất cơ hội kinh doanh trong khi chi phí nhân công, chi phí quản lý vẫn phát sinh; tăng chi phí mua vật dụng bảo hộ...

Thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (Diza), qua khảo sát tại 449 doanh nghiệp cho thấy, Covid-19 đã gây cho 270 doanh nghiệp thiệt hại dưới 10 tỷ đồng; 118 doanh nghiệp thiệt hại từ 10 đến 50 tỷ đồng; 38 doanh nghiệp thiệt hại từ 50 đến 100 tỷ đồng; 16 doanh nghiệp thiệt hại từ 100 đến 500 tỷ đồng; 7 doanh nghiệp thiệt hại trên 500 tỷ đồng.

Còn tại Bình Dương, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương (Bdiza) cho biết, tính đến đầu tháng 6 này, có khoảng 130 doanh nghiệp báo cáo bị ảnh hưởng bởi Covid-19, với khoảng 50.000 lao động bị ảnh hưởng gồm nghỉ việc và tạm hoãn hợp đồng.

“Cho đến thời điểm hiện tại, qua trao đổi với các doanh nghiệp thì mức độ thiệt hại không quá lớn. Nhưng nếu các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu kéo dài tình trạng cách ly thì các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, thiệt hại nhiều hơn, nhất là doanh nghiệp ngành gỗ, dệt may, da giày…”, ông Nhân nói.

Hỗ trợ thiết thực

Trao đổi về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có nhiều lao động, đại diện Hepza cho biết, từ nay đến cuối năm, Hepza tập trung triển khai 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp như: tập trung hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh trong điều kiện an đảm bảo an toàn. Hỗ trợ giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp (đang sản xuất, tạm ngừng sản xuất) và chi phí sinh hoạt cho người dân. Hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch.

Trước đó, trong tháng 4/2020, Hepza đã thành lập nhiều đoàn công tác đánh giá rủi ro lây nhiễm Covid-19 trực tiếp tại doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu chế xuất và khu công nghiệp.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giúp tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian giao dịch là biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực được nhiều địa phương áp dụng.

Cụ thể, tiến hành đánh giá tại 12 doanh nghiệp có trên 1.000 lao động tại Khu chế xuất Tân Thuận, Khu chế xuất Linh Trung, Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc… Đồng thời, tiến hành thẩm tra kết quả tự đánh giá tính rủi ro lây nhiễm Covid-19 tại 6 doanh nghiệp có trên 500 lao động tại Khu chế xuất Tân Thuận và Khu chế xuất Linh Trung…

Với Đồng Nai, theo ông Phạm Văn Cường, Phó trưởng ban Diza, tại các khu công nghiệp của tỉnh có khá nhiều doanh nghiệp FDI quy mô lao động lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn nếu xảy ra dịch bệnh như: Công ty Tae Kwang Vina (Hàn Quốc) có hơn 39.000 lao động; Công ty Chang Shin Việt Nam (Hàn Quốc) có hơn 35.000 lao động; Công ty Pou Sung Việt Nam (Trung Quốc) có hơn 25.000 lao động…

“Khả năng lây nhiễm cao, nhất là khu công nghiệp vì lực lượng chuyên gia thường xuyên ra vào, lực lượng lao động tại doanh nghiệp rất nhiều”, ông Cường nói.

Do đó, Diza chủ động nắm bắt tình hình của doanh nghiệp và người lao động, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động trong việc cắt giảm lao động, tạm hoãn hợp đồng lao động, đồng thời vận động người lao động chia sẻ khó khăn chung của doanh nghiệp trên tinh thần đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động và hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động.

Cũng theo ông Cường, ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân lao động, ổn định sản xuất, Diza đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.

Cụ thể, Diza đang có 5 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 thuộc các lĩnh vực đầu tư và việc làm. Bên cạnh đó, còn thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại lĩnh vực xuất nhập khẩu trên hệ thống eCosys của Bộ Công thương, là những thủ tục có phát sinh số lượng lớn hồ sơ cần được giải quyết. Trung bình mỗi năm, Ban giải quyết khoảng 1.000 hồ sơ lĩnh vực đầu tư, 5.000 hồ sơ lĩnh vực việc làm và 7.000 hồ sơ lĩnh vực xuất nhập khẩu.

“Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 giúp tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian giao dịch, đơn giản thủ tục giấy tờ; đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch hồ sơ, thủ tục”, đại diện Diza cho biết.

Nguồn hỗ trợ doanh nghiệp chính từ nguồn vốn huy động
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhấn mạnh như vậy trong buổi kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại TP.HCM mới đây.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư