Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Hỗ trợ doanh nghiệp nhanh hơn, mạnh hơn
Hà Nguyễn - 28/04/2020 15:39
 
Sau khi Chính phủ quyết định nới lỏng thực hiện giãn cách xã hội, cho phép các hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục vận hành trong trạng thái “bình thường mới”, điều mà các doanh nghiệp mong chờ, đó là các chính sách hỗ trợ sẽ được triển khai nhanh và mạnh hơn trong thực tế.
doanh nghiệp mong Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất ô tô tại Vinfast
Doanh nghiệp mong Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất ô tô tại Vinfast

Sẽ có những chính sách “mạnh tay” hơn

Cuối tuần trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn gửi các bộ, ngành, đề nghị góp ý cho Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì trong ngày hôm nay (27/4), các bộ, ngành phải gửi lại ý kiến đóng góp để Bộ sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết, trình Chính phủ, Thủ tướng thông qua.

Dự thảo Nghị quyết trên thực tế lần đầu tiên được đề xuất tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương vào ngày 10/4 và ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp. Lý do là vì, bên cạnh các gói giải pháp về an sinh xã hội, gói tài khóa, tiền tệ hàng trăm ngàn tỷ đồng đã và đang được áp dụng, thì sẽ có những chính sách được cho là “mạnh tay” hơn nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức bởi Covid-19.

Cụ thể, có một số chính sách đã được đề xuất không chỉ là giãn, hoãn thời gian nộp thuế như đang thực hiện, mà có thể còn miễn, giảm, hoãn nộp một số loại thuế, phí, như thuế tài nguyên, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp siêu nhỏ. Thậm chí, một số ngành như sản xuất ô tô, hàng không… cũng đang được đề nghị áp dụng một số chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đây là hai ngành được cho là chịu khá nhiều tổn thất vì Covid-19…

Vì thế, các cơ chế đang được đề xuất là giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, áp dụng chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành ô tô. Hay như áp dụng giảm 50% giá cất hạ cánh, điều hành bay với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành hàng không mà Nhà nước quyết định giá; rồi giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến tháng 9/2020…

Các đề xuất này trước đó đã được Bộ Công thương, Cục Hàng không kiến nghị lên Chính phủ. Thậm chí, không chỉ muốn giảm 50%, Cục Hàng không còn đề nghị miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiêu liệu bay cho đến hết năm 2020… Đây là những biện pháp được coi là “khẩn cấp” để hỗ trợ ngành hàng không, do chịu thiệt hại nặng nề bởi Covid-19.

Đừng để doanh nghiệp phải đợi lâu

Liên tục các câu hỏi từ cộng đồng doanh nghiệp, đó là bao giờ các chính sách cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua tác động của Covid-19 được ban hành và triển khai trong thực tế? Với các gói chính sách còn lại, nhiều doanh nghiệp vẫn than khó khi tiếp cận với gói hỗ trợ tín dụng, thậm chí cả gói an sinh xã hội…

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phải sớm được ban hành và triển khai nhanh, hiệu quả trên thực tế, nếu không, doanh nghiệp không còn sức để chờ đợi.

Để tìm lối ra, liên tiếp các địa phương đều tổ chức các cuộc họp để bàn giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch. Ngân hàng Nhà nước hôm 22/4 cũng đã họp trực tuyến và yêu cầu rà soát từng doanh nghiệp cụ thể và lý giải nguyên nhân vì sao các doanh nghiệp than khó tiếp cận vốn ngân hàng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã yêu cầu “phải tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng”, nếu là lỗi thuộc về ngân hàng thì phải xử lý ngay.

Động thái là tích cực, song điều doanh nghiệp mong đợi hiện nay là Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Thông tin cho biết, hiện nay, các đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp, ví dụ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã trong năm 2020; hay giảm 50% thuế bảo vệ môi trường cho nhiên liệu bay; giảm 50% lệ phí trước bạ đăng ký ô tô sản xuất trong nước… chưa nhận được sự đồng thuận của Bộ Tài chính, cơ quan quản lý “túi tiền” quốc gia.

Để đi đến sự thống nhất giữa các bộ, ngành, kịp trình lên Chính phủ thông qua, cũng không đơn giản. Mặc dù vậy, trong bối cảnh Chính phủ xác định đất nước đã chuyển sang giai đoạn phòng, chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn, cùng với việc tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, xã hội, thì các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phải sớm được ban hành và triển khai nhanh, hiệu quả trên thực tế.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã hơn một lần bày tỏ lo ngại rằng, nếu tình trạng cứ kéo dài, thì nhiều doanh nghiệp không còn sức để chờ đợi hỗ trợ.

Vì thế, đừng để doanh nghiệp phải đợi lâu.

Thời điểm quyết định để hỗ trợ doanh nghiệp
Sẽ không có ai đứng ngoài nỗ lực tái khởi động nền kinh tế, nhưng điều doanh nghiệp đang chờ đợi trong kế hoạch hành động của các bộ,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư