Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 31 tháng 10 năm 2024,
Thiếu hướng dẫn khiến doanh nghiệp hóa chất và chính quyền địa phương... bất đồng
Ngô Nguyên - 26/07/2024 11:13
 
Theo chính quyền TP.HCM, vì chưa có hướng dẫn của Cục Hóa chất-Bộ công thương nên không chỉ khó khăn quản lý mà gây ra bất đồng quan điểm giữa cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp.

Các tỉnh "lề mề", doanh nghiệp TP.HCM gặp khó

Theo UBND TP.HCM, tính đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn Thành phố có tổng cộng 709 đơn vị sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm (13 cơ sở sản xuất, kinh doanh và 696 cơ sở kinh doanh) đã được thẩm định, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện còn hiệu lực thi hành. Thành phố đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nộp hồ sơ và rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính của doanh nghiệp.

Đa số các doanh nghiệp hóa chất trên địa bàn TP.HCM có quy mô vừa và nhỏ, trong đó các doanh nghiệp quy mô nhỏ tập trung nhiều tại các quận 5, 6, 8, 10, 12, Tân Phú và huyện Hóc Môn. Các doanh nghiệp có quy mô kinh doanh lớn tập trung tại quận 1, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh, là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 100% (Công ty TNHH Merck Việt Nam, Công ty TNHH Atotech Việt Nam, Công ty TNHH Brenntag Việt Nam...).

Chợ hóa chất Kim Biên ở TP.HCM.

Thời gian qua, đa số các hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất theo hình thức doanh nghiệp đặt văn phòng giao dịch trên địa bàn TP.HCM, nhưng kho chứa hóa chất tại các tỉnh, thành phố giáp ranh Thành phố. Do đó, theo quy định, Sở Công thương TP.HCM gửi văn bản lấy ý kiến Sở Công thương các địa phương nơi đơn vị đặt kho chứa hóa chất để phối hợp thẩm định.

Tuy nhiên, Sở Công thương TP.HCM thường nhận được văn bản phúc đáp muộn hơn thời hạn hẹn trả kết quả hồ sơ của doanh nghiệp, nên kéo dài thời gian chờ giải quyết cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện của các đơn vị.

Gây bất đồng quan điểm giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp

Mặt khác, hiện nay, việc chia sẻ thông tin cấp phép nhập khẩu hóa chất là tiền chất công nghiệp, hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh của Cục Hóa chất (Bộ Công thương) và Sở Công thương còn hạn chế do chưa có kênh chia sẻ thông tin cấp phép trực tiếp.

Trong khi đó, có rất nhiều sản phẩm chứa các thành phần là tiền chất công nghiệp, hóa chất thuộc danh mục đủ điều kiện và hạn chế được phân loại nguy hiểm như: các loại hóa chất kỹ thuật được sử dụng làm chất tẩy cặn, tẩy dầu trong công nghiệp bảo dưỡng ô tô, cơ khí, hàn xì, xây dựng nhưng các đơn vị kinh doanh kê khai có thể sử dụng làm chất tẩy rửa sử dụng trong lĩnh vực gia dụng; Hóa chất, tiền chất công nghiệp là nguyên, phụ liệu dùng để sản xuất dược phẩm hoặc bổ sung trực tiếp một lượng rất nhỏ vào dược phẩm nhưng các đơn vị kinh doanh kê khai là dược phẩm và không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP....

Nhưng vì chưa có hướng dẫn cụ thể của Cục Hóa chất, Bộ Công thương nên cơ quan quản lý địa phương còn lúng túng, khó khăn trong công tác quản lý; đồng thời, cũng gây ra sự bất đồng quan điểm giữa cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn.

Kiểm tra việc kinh doanh hóa chất.

Bên cạnh đó, cho đến nay, Bộ Công thương chưa ban hành văn bản hướng dẫn quy định cụ thể hoặc quy chuẩn kỹ thuật về việc thiết lập khoảng cách an toàn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, cất giữ, sử dụng hóa chất nguy hiểm theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Do đó, các cơ sở hoạt động hóa chất cũng như cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện quy định nêu trên.

Công tác quản lý hoạt động vận chuyển hóa chất nguy hiểm được giao cho các bộ, ngành khác nhau nên gây khó khăn cho việc tuân thủ quy định của các doanh nghiệp cũng như sự thống nhất trong quản lý nhà nước.

Luật Hóa chất đã... lạc hậu

Theo UBND TP.HCM, năm 2007, Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 được Quốc hội khóa XII thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2008.

Tới ngày 15/6/2018, Luật Hóa chất được sửa đổi, bổ sung một lần theo Luật số 28/2018/QH14 của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch. Tuy nhiên, việc sửa đổi này chỉ bao gồm bãi bỏ các nội dung liên quan đến quy hoạch ngành hóa chất để phù hợp với Luật Quy hoạch, không thay đổi đối tượng, phạm vi hay các chính sách quản lý hóa chất của Luật Hóa chất số 06. 

Một điểm kinh doanh hóa chất ở TP.HCM.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, nhiều quy định pháp luật mới như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phòng chống ma túy, Luật Quản lý, sử dụng Vũ khí, Vật liệu nổ và Công cụ hỗ trợ, Luật Bảo vệ môi trường được ban hành sau này với nhiều điểm đổi mới so với thời điểm ban hành Luật Hóa chất.

Những thay đổi này cùng với xu hướng chuyển hệ thống quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, cải cách, hiện đại hóa hành chính dẫn tới việc các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất phải thay đổi theo, dần làm giảm tính hài hòa, thống nhất trong toàn bộ hệ thống quy định về quản lý hóa chất.

Việc này gây khó khăn cho công tác quản lý hoạt động hóa chất trên địa bàn TP.HCM. Từ đó, Thành phố kiến nghị bộ, ngành liên  quan cần đẩy mạnh tiến độ hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động hóa chất ngành công nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân liên quan kịp thời điều chỉnh, triển khai hoạt động hiệu quả. 

Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất có thời hạn 5 năm
Nội dung được Bộ Công Thương đưa tại dự thảo bổ sung quy định "Thời hạn của Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư