Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 08 tháng 08 năm 2024,
Thiếu Vitamin A nguy hiểm thế nào?
D.Ngân - 01/06/2024 15:11
 
Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vitamin A là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam.

Trong những năm qua, công tác phòng chống thiếu vitamin A ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, tuy nhiên theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng do Viện Dinh dưỡng công bố năm 2020 cho thấy tỷ lệ thiếu Vitamin A có xu hướng giảm so với điều tra quốc gia năm 2015 nhưng vẫn còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng đối với trẻ em, như thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 14,2% xuống còn 9,5%, vitamin A trong sữa mẹ thấp đã giảm từ 35,5% xuống còn 18,3%.

Trẻ em ở Thái Nguyên đang được uống Vitamin A trong ngày 1/6.

Năm 1985, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị khô mắt có tổn thương giác mạc hoạt tính là 0,07%, tức là cao hơn gấp 7 lần ngưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng.

Năm 1988, hoạt động bổ sung vitamin A liều cao đã được triển khai thí điểm và từ năm 1993, mở rộng ra tất cả các trẻ 6-36 tháng trong toàn quốc. Năm 1994, tỉ lệ khô mắt đã hạ thấp dưới ngưỡng quy định của WHO;

Vào năm 1995, Việt Nam đã được WHO công nhận là đã thanh toán thiếu vitam A thể lâm sàng nhưng thiếu vitamin A tiền lâm sàng vẫn còn ở mức ý nghĩa sức khoẻ cộng đồng.

Tỉ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13,0%, có sự chênh lệch giữa các vùng, một số địa phương miền núi, tỉ lệ này lên tới 16.1%.

Suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vitamin A là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới chiều cao thấp ở thanh niên Việt Nam. Ngoài ra, thiếu Vitamin A còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ, tới sự sự cần thiết cho quá trình nhìn, quá trình tăng trưởng, tham gia vào đáp ứng miễn dịch, chống nhiễm khuẩn.

Thiếu vitamin A gây nên bệnh khô mắt thậm chí gây mù dinh dưỡng, giảm sức đề kháng, tăng tỉ lệ nhiễm trùng và tử vong, chậm phát triển ở trẻ em, làm tăng tỷ lệ trẻ thấp còi và nhẹ cân.

Một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng thiếu Vitamin A là do bữa ăn hàng ngày của trẻ em, bà mẹ đang nuôi con bú chưa đáp ứng đủ nhu cầu vitamin A.

Ths.Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng cho hay, vitamin A là một vi chất dinh dưỡng rất cần thiết với sự sống còn của cơ thể, nhưng nhu cầu thì cần một lượng rất nhỏ có thể tính chỉ bằng mcg đến mg, nhưng khi thiếu lại gây nên những hậu quả rất nghiêm trọng. Vì vậy việc phòng chống thiếu Vitamin A là việc rất cần thiết cho mọi người, nhất là phụ nữ và trẻ em.

Chiến lược phòng chống thiếu Vitamin A cần nhiều giải pháp đồng bộ như: Bổ sung Vitamin A cho các đối tượng có nguy cơ cao là một giải pháp cần thiết để khắc phục nhanh chóng, kịp thời tình trạng thiếu Vitamin A.

Tăng cường Vitamin A vào thực phẩm là giải pháp trung hạn. Đa dạng hoá bữa ăn là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu Vitamin A một cách lâu dài và bền vững.

Tăng cường Vitamin A vào các thực phẩm thiết yếu là biện pháp đơn giản, có hiệu quả và dễ đạt độ bao phủ cao và có tính bền vững để giảm thiểu sự thiếu hụt Vitamin A trong bữa ăn hàng ngày, giúp cho quá trình tăng trưởng, phát triển về thể lực, tầm vóc và trí tuệ, nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng của cơ thể. 

Tuyên truyền và giáo dục cho người dân biết sử dụng và biết lựa chọn những thực phẩm có tăng cường Vitamin A là điều kiện để thực hiện phòng chống thiếu Vitamin A.

Công tác truyền thông nhằm nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng cho người dân cũng là một trong các giải pháp quan trọng, các nội dung tuyên truyền như khuyến khích người dân ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, sử dụng thường xuyên các thực phẩm giàu Vitamin A, biết cách lựa chọn các thực phẩm tăng cường Vitamin A;

Đồng thời cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, thực hiện nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn; Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có mỡ hoặc dầu để tăng cường hấp thu và sử dụng vitamin A, vitamin D.

Hàng năm, có gần 1 triệu trẻ dưới 5 tuổi được cải thiện tình trạng thiếu Vitamin A nhờ hoạt động bổ sung Vitamin A cho trẻ từ 6 - 59 tháng tuổi tại 31 tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em vẫn còn ở mức cao và 32 tỉnh còn lại bổ sung Vitamin A cho trẻ từ 6 - 35 tháng tuổi mỗi năm hai đợt (Đợt 1: Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6); Đợt 2 vào ngày 1-2/12).

Ngày 1-2/6, các bà mẹ đừng quên đưa trẻ đi uống Vitamin A. Đồng thời, việc bổ sung Vitamin A cho trẻ em đã trở thành hoạt động thường niên của hơn 11.000 xã phường trong toàn quốc.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư