Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Thiếu vốn cho sản xuất: Do ngân hàng hay doanh nghiệp?
Lê Văn Hinh - 28/03/2013 11:38
 
Tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp của năm 2012 và chưa có sự cải thiện đáng kể trong quý I/2013 cho thấy, dường như ngân hàng và doanh nghiệp (DN) vẫn đang trên đường đi tìm nhau.
TIN LIÊN QUAN

Thực tế cho thấy, trong điều kiện hiện nay, trong hành trình đi tìm nhau giữa ngân hàng và DN, nếu chỉ có một phía nỗ lực thì khó thấy điểm giao thoa.

Chọn tăng trưởng nhanh hay quản trị tốt?

Về phía DN, đặc biệt là các DN sau một thời gian tăng trưởng mạnh và đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, rõ ràng cần có sự thay đổi nào đó, như thay đổi phương thức làm ăn, hay cung cách ứng xử với đồng vốn, thay đổi về quản trị… Chẳng hạn, sự cải thiện về quản trị hiện nay là rất cần thiết cho việc đảm bảo và duy trì tài trợ từ các nhà đầu tư (cổ đông) và các chủ nợ (ngân hàng và người cho vay khác).

Các nghiên cứu thực tế cho thấy, nếu DN vận hành theo quan điểm “lấy vốn nhiều để thay cho quản trị” thì những DN tăng trưởng nhanh sẽ càng trở nên rủi ro, không chỉ riêng cho bản thân DN, mà cho cả ngân hàng, các chủ nợ khác và rộng hơn là cả nền kinh tế.

Báo cáo điều tra do Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới thực hiện với 100 công ty niêm yết tại Sàn Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sàn Giao dịch chứng khoán TP.HCM đã thể hiện một sự quan ngại từ sự suy giảm đáng kể về chỉ số quản trị so với năm trước.

Cụ thể, theo báo cáo công bố năm 2012 (dữ liệu năm 2011), không một công ty nào thỏa mãn hoàn toàn các tiêu chí quản trị công ty, mà ở mức dưới 60%, với mức điểm trung bình là 42,5%. Đây là mức điểm khá thấp so với mức điểm trung bình của các công ty ở châu Á, như ở Thái Lan năm 2011 là 77%, Hồng Kông năm 2009 là 73%...

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc chỉ số quản trị nói chung, đặc biệt là chỉ số về quyền của các cổ đông, xấu đi thường dẫn đến tình trạng các nhà đầu tư muốn thoái vốn khỏi DN. Trong điều kiện chỉ số quản trị DN kém đi, khó có thể nói là ngân hàng sẽ tăng cho vay, tăng đầu tư, hay sẵn sàng đổ vốn vào DN và cho vay nền kinh tế.

Quan sát hành vi đầu tư của DN Việt Nam lại cho thấy một quan ngại khác. Đó là mức độ chấp nhận rủi ro của các DN Việt khá cao. Biểu hiện của tình trạng này là nhiều DN đã và đang bị lún rất sâu vào đầu tư bất động sản, trong đó mức độ đòn bẩy tài chính rất cao.

Ngân hàng có hết lòng cho DN tăng trưởng?

Nếu chỉ “bênh vực ngân hàng”, mà không có yêu cầu gì đối với ngân hàng, thì chẳng bao giờ ngân hàng và DN gặp được nhau. Những câu hỏi đặt ra cho ngân hàng là: họ đã làm gì để giảm lãi suất? Tại sao khi DN thua lỗ, thì ngân hàng lại lãi? Tại sao khi khó khăn mà các ngân hàng thương mại lại không ngừng mở rộng chi nhánh? Tại sao các ngân hàng thương mại không tiết giảm chi phí, mà tìm cách phân bổ chi phí vào công chúng (phí ATM, phí tài khoản...)?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện cắt giảm mạnh các chi phí không cần thiết, có giải pháp bền vững giảm lãi suất, tập trung vốn cho vay đối với nền kinh tế. Rõ ràng, đó là cách làm phù hợp để chia sẻ khó khăn với nền kinh tế và cụ thể là với DN trong năm 2013 và những năm tiếp theo. Điều này cũng tương tự việc Nhà nước yêu cầu DN điện, DN xăng dầu… phải tiết kiệm chi phí không cần thiết, hay chi phí bất hợp lý để giảm giá thành và giá bán thành phẩm.

Bên cạnh đó, cần hạn chế việc các ngân hàng thương mại góp vốn vào các công ty tài chính một cách khá dễ dãi như thời gian qua, vì bản chất vốn của ngân hàng là vốn ngắn hạn. Như vậy sẽ đảm bảo để các ngân hàng tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, nhất là cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và sản xuất hàng xuất khẩu...

Dĩ nhiên, khu vực DN cũng phải thay đổi mô hình kinh doanh, nhưng vẫn cần phía ngân hàng khẳng định một phương châm là hết lòng tập trung nguồn vốn tín dụng cho sự tăng trưởng bền vững của các DN và cho nền sản xuất.

(*) Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư