Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ mắc kẹt
Lê Quân (CNBC) - 30/10/2019 19:26
 
Bế tắc trong điều đình việc Washington yêu cầu Bắc Kinh nhập lượng lớn nông sản có thế khiến thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung mắc kẹt.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh tư liệu: AFP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh tư liệu: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây công khai yêu cầu Trung Quốc chi 50 tỷ USD nhập khẩu nông sản Mỹ, gấp đôi kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc năm ngoái. Yêu cầu này trở thành điểm nghẽn lớn trong thương thảo đi đến kết thúc thương chiến Mỹ - Trung, nguồn thạo tin cho hay.

Các quan chức Mỹ đang tìm cách đưa đề nghị của ông Trump vào thỏa thuận với Trung Quốc, trong khi đó Bắc Kinh tỏ ra do dự để cam kết một lượng lớn hàng nhập khẩu và nhất là trong thời gian cụ thể. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc muốn tự do mua bán theo tình hình thị trường.

“Trung Quốc không muốn nhập khẩu với khối lượng lớn bởi họ không cần hoặc không mua thứ gì ở thời điểm chưa cần thiết”, lãnh đạo một doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc cho hay. Vị này nói thêm, nếu nông sản Mỹ vào Trung Quốc dồn dập như vậy, sẽ rất khó để thị trường “tiêu hóa” hết.

Dư cung sẽ khiến giá nông sản tại Trung Quốc “chịu trận” và có thể phá vỡ cân bằng cung cầu. Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng tại Trung Quốc đã khiến số đàn lợn tại nước này bị thu hẹp, ảnh hưởng xấu tới nhu cầu đậu nành - loại nguyên liệu thiết yếu làm thức ăn gia súc và là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất từ Mỹ.

“Khẩu vị” chính của các nhà nhập khẩu nông sản Trung Quốc, gồm cả doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân là nguồn hàng giá rẻ. Việc Mỹ yêu cầu Trung Quốc cam kết mua lượng lớn nông sản, kể cả là giá rẻ hay phù hợp nhu cầu thì đều cần đến sự can thiệp từ phía nhà nước.

Điều này trái ngược với yêu cầu mà Mỹ đặt ra cho Trung Quốc trong thương chiến. Đó là Trung Quốc phải trở thành nền kinh tế hoạt động dựa vào nguyên tắc thị trường nhiều hơn, ngừng trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với các đối thủ ngoại.

Điều trái ngược này đang khiến sự việc trở nên nóng bỏng, các chuyên gia thương mại nhận định. “Chính phủ Mỹ thường không quyết giá hay ấn định thời gian xuất khẩu nông sản - thứ mà vốn thuộc quyền quyết định của khu vực tư nhân, nhưng trong trường hợp này, Tổng thống Mỹ đã can thiệp”, bà Miriam Sapiro, cựu Quyền Đại diện Thương mại Mỹ thời Tổng thống Barack Obama đánh giá.

Thật trớ trêu nếu Trung Quốc quay lưng với đề xuất nhập khẩu nông sản Mỹ và đánh tiếng rằng "chúng tôi muốn để thị trường giải quyết vấn đề này", bà Nicole Lamb-Hale, giám đốc điều hành của công ty quản lý rủi ro Kroll (Mỹ) nhận định.

Việc Trung Quốc nhập nông sản Mỹ với khối lượng “khủng” như đề nghị của ông Trump có thể khiến thị trường bị bóp méo, bà Nicole Lamb-Hale nói thêm. Trung Quốc đang tỏ ý với ông Trump rằng đề nghị đó là “bất khả thi”.

Khi được hỏi về lo ngại ra sao đối với việc yêu cầu Trung Quốc mua nông sản khối lượng lớn đi ngược thông điệp tự do thương mại mà Mỹ đưa ra trước đó, người phát ngôn Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Trump đã nhận thức được điều này và ông ấy muốn (Trung Quốc) có thay đổi về cấu trúc một cách thực sự, từ đó đem lại công bằng hơn trong hoạt động thương mại và giúp thị trường hoạt động hiệu quả hơn và tăng cường sự thịnh vượng của hai nước.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong hồi giữa tháng cho hay, nước này sẽ “tăng mua nông sản Mỹ dựa theo nhu cầu trong nước và nguyên tắc thị trường khi Mỹ tạo điều kiện thuận lợi”.

Thương chiến Mỹ - Trung nổ ra hơn 1 năm qua khiến nông dân Mỹ chịu cảnh xuất khẩu nông sản lao dốc mạnh. Một quan chức Mỹ hôm qua cho biết hai bên có thể không thống nhất được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 trước thềm Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra vào giữa tháng 11 tại Chile.

Mới đây, Trung Quốc đã nhập lượng lớn đậu nành từ Brazil sau khi đậu nành Mỹ lên giá do nhà đầu tư đánh cược gom hàng và cho rằng Trung Quốc sẽ nhập lượng lớn sản phẩm này.

Thương chiến “bầm dập”, kinh tế Trung Quốc hụt hơi
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 3/2019 xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua, bởi chiến tranh thương mại với Mỹ khiến hoạt động...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư