Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang: Có chuyển nhượng đất vàng giá rẻ cho nhà đầu tư?
Tâm Đăng - 10/06/2018 19:38
 
Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang là doanh nghiệp thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, được cổ phần hóa từ năm 2008. Năm 2015, Công ty đã thực hiện thoái vốn nhà nước cho Tập đoàn Bitexco, nhưng rộ lên dư luận đây là việc thâu tóm những khu đất vàng với giá rẻ.

Diễn biến quá trình thoái vốn

Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang (Công ty Hương Giang) được thành lập từ năm 1996, là đơn vị kinh doanh du lịch, khách sạn hàng đầu của tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 2008, Công ty tiến hành cổ phần hóa với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước nắm giữ là 125,722 tỷ đồng, tương đương 62,86% vốn điều lệ. Công ty Sản xuất - Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Bình Minh (nay là Tập đoàn Bitexco) là một trong những cổ đông chính với phần vốn chiếm 7,62% vốn điều lệ. 

.
.

Trong 5 năm đầu sau khi cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh của Công ty Hương Giang ghi nhận có lãi. Tuy nhiên, bước sang năm 2014 và 2015, việc làm ăn bết bát của các đơn vị thành viên trực thuộc khiến kết quả kinh doanh của Công ty rơi vào tình trạng thua lỗ. 

Năm 2015, thực hiện chủ trương về thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, cũng như căn cứ vào tình hình chung khi ấy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến về việc thoái vốn nhà nước tại Công ty Hương Giang theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Đến ngày 30/3/2016, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt nhà đầu tư là Tập đoàn Bitexco để thực hiện thoái vốn trọn lô số cổ phần nhà nước hiện đang nắm giữ tại Công ty Hương Giang với số tiền 158,4 tỷ đồng. Trong đó, giá trị cổ phiếu được xác định là 12.600 đồng/cổ phiếu.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh đã vận dụng Nghị định 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013 của Chính phủ áp dụng đối với việc chuyển nhượng vốn nhà nước. 

“Điểm C, Điều 14, Nghị định 71/2013/NĐ-CP nói rõ trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần, hoặc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản thì việc thực hiện bán cổ phần theo thỏa thuận trực tiếp với nhà đầu tư. Trước khi tiến hành chuyển nhượng phần vốn theo phương án thỏa thuận trực tiếp, UBND tỉnh đã xin ý kiến của Chính phủ và được Chính phủ đồng ý. Sau đó, UBND tỉnh đã hai lần giải trình với Chính phủ. Cả hai lần các bộ, ngành đều có ý kiến bằng văn bản cho rằng, Thừa Thiên Huế đã làm đúng với quy định, giá trị chuyển nhượng không có thất thoát”, ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết.

Đất vàng có bị tính giá rẻ?

Trước khi chuyển nhượng toàn bộ phần vốn nhà nước cho Bitexco, Công ty Hương Giang sở hữu Khách sạn Hương Giang Resort & Spa tọa lạc tại 51 - Lê Lợi, TP. Huế trên khu đất khoảng 1,4 ha dọc bên bờ sông Hương.

Ngoài ra, Công ty Hương Giang tham gia liên doanh phần vốn nhà nước với các công ty, gồm: Công ty TNHH Sài Gòn Morin Huế (Hương Giang tham gia 50% vốn điều lệ); Công ty TNHH Khách sạn Kinh Thành (Hương Giang tham gia 49% vốn điều lệ); Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô (Hương Giang tham gia 40% vốn điều lệ); Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và Nhà hàng Việt Nhật (Hương Giang tham gia 50% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch Huế (Hương Giang tham gia 20% vốn điều lệ); Công ty cổ phần Du lịch Thiên Phúc (Hương Giang liên kết, tham gia 31,33% vốn Điều lệ). Các công ty mà Công ty Hương Giang góp vốn liên kết này cũng nắm giữ nhiều khách sạn ở những vị trí đẹp trong TP. Huế.

Trước khi chuyển nhượng phần vốn nhà nước, Công ty Hương Giang đã thuê 2 đơn vị tư vấn độc lập tiến hành thẩm định nhằm xác định giá trị cổ phiếu của Công ty. 

Trước dư luận là các khu đất vàng tại TP. Huế của Công ty Hương Giang đã thuộc về Bitexco sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bán phần vốn nhà nước cho tập đoàn này, ông Phan Thiên Định cho biết: “Giá trị cổ phần hóa không bao gồm đất đai, mà chỉ cho thuê hàng năm. Nhà đầu tư không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian được thuê, chỉ được đầu tư phát triển khách sạn, dịch vụ du lịch cao cấp, không được đầu tư bất động sản khác như cam kết với tỉnh và phải thực hiện đúng quy hoạch được duyệt”.

Cũng theo ông Định, trước khi chuyển nhượng phần vốn nhà nước, Công ty Hương Giang đã thuê 2 đơn vị tư vấn độc lập tiến hành thẩm định nhằm xác định giá trị cổ phiếu của Công ty. Theo đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt đưa ra giá 11.600 đồng/cổ phiếu và Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam đưa ra giá 12.066 đồng/cổ phiếu. Mức giá 12.600 đồng/cổ phiếu sau đó đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt và thông qua.

Hội đồng thẩm định cũng đã tham khảo Hợp đồng mua bán cổ phiếu giữa bà Nguyễn Thị Kim Phụng và quỹ đầu tư được thành lập tại Cayman Islands (thuộc Vương quốc Anh) - là cổ đông của Công ty cổ phần Du lịch Hương Giang, với số lượng chuyển nhượng là 300.000 cổ phiếu và giá chuyển nhượng 5.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, vào thời điểm ngày 24/10/2016, tức là 6 tháng sau khi đã hoàn thành việc thoái vốn nhà nước, Công ty cổ phần Quản lý Quỹ đầu tư tài chính dầu khí (một trong các cổ đông của Công ty Hương Giang) cũng đã chuyển nhượng cho Công ty TNHH KEISEI với số lượng 700.000 cổ phiếu với giá chuyển nhượng chỉ ở mức 8.500 đồng/cổ phiếu.

“Điều này cho thấy, việc chuyển nhượng lại phần vốn nhà nước cho Bitexco có giá trị cổ phiếu cao hơn hẳn so với thực tế việc mua bán chuyển nhượng cổ phiếu do các cổ đông của Công ty Hương Giang thực hiện sau thời điểm này”, ông Định dẫn chứng.

Được biết, Tập đoàn Bitexco là nhà đầu tư tham gia nhiều dự án trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế như Dự án Thủy điện Bình Điền (vốn đầu tư 904 tỷ đồng), Thủy điện Tả Trạch (vốn đầu tư 320 tỷ đồng). 

Sau khi trở thành cổ đông chiến lược của Công ty Du lịch Hương Giang, Bitexco đã nghiên cứu triển khai các dự án phát triển hạ tầng du lịch Huế như: Dự án khu khách sạn cao cấp Aman Resort, Dự án nâng cấp khách sạn Hương Giang đạt tiêu chuẩn quốc tế... Bitexco cũng triển khai Dự án khu đô thị Manor Crown (tổng mức đầu tư khoảng 620 tỷ đồng), dự kiến cuối năm 2018 hoàn thành toàn bộ dự án.

Bitexco: Người kiến tạo những giá trị của tương lai
Bitexco từ lâu đã được mệnh danh là “người xây biểu tượng” bởi những công trình độc đáo hiếm có tại Việt Nam như: Toà tháp Bitexco...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư