Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thời của tiêu dùng trực tuyến
Thế Hải - 08/11/2017 07:50
 
Thành công trong kinh doanh bán lẻ với hệ thống chuỗi siêu thị tại các đô thị lớn, nhưng cả doanh nghiệp nội và ngoại đều không bỏ qua mảng kinh doanh “màu mỡ” là bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam.

“Ngoại” đẩy mạnh

Hơn 1 năm trước, Lotte, doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc tại Việt Nam ra mắt trang mua sắm online với tuyên bố sẽ giành 20% thị phần thương mại điện tử Việt Nam. Trang mua sắm online của Lotte được quản lý bởi Công ty Lotte E-commerce, chuyên cung cấp 100% sản phẩm trong hệ thống của Tập đoàn.

Tại thời điểm ra mắt, ông Seo Tae Ho, Tổng giám đốc trang mua sắm online của Lotte tuyên bố, giá sản phẩm bán online ngang với giá thị trường, thậm chí rẻ hơn các đối thủ thương mại điện tử khác nhờ mua hàng số lượng lớn từ nhà cung cấp.

.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có sự tăng trưởng nhanh

Sở hữu nhiều kinh nghiệm về đầu tư kinh doanh bán lẻ, nhưng trước làn sóng mua sắm qua nền tảng công nghệ ngày càng gia tăng, các nhà bán lẻ lớn đã xác định, thương mại điện tử sẽ là công cụ quan trọng để gia tăng doanh thu, khi đối tượng mua sắm chính là phụ nữ có nhu cầu lớn mua hàng hóa thiết yếu qua mạng.

Tại Aeon, ngoài 4 trung tâm mua sắm đang hoạt động sau khi nhà bán lẻ này thâm nhập thị trường Việt Nam hồi năm 2014, đầu năm 2017, trang mua sắm trực tuyến www.AeonEshop.com của Aeon đã được ra mắt để khai thác kênh kinh doanh được đánh giá tăng trưởng nhanh trong nhiều năm tới.

Mới đây, AeonEShop cũng “nhấn ga” thêm bước nữa khi công bố triển khai giao hàng đến 63 tỉnh thành nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm và hỗ trợ khách hàng ở vùng xa. Theo đó, AeonEshop miễn phí giao hàng toàn quốc cho những đơn hàng có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Thời gian giao hàng nhanh nhất có thể cho những đơn hàng trong khu vực TP. HCM và Hà Nội là hai ngày, kể từ lúc đơn hàng được xác nhận cùng với chính sách đổi trả lên đến 14 ngày.

Doanh số thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2016 đã đạt 5 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.

AeonEshop cũng đã cho ra mắt phiên bản Mobile App trên hệ điều hành iOS và Android để người dùng đăng ký tài khoản dễ dàng thông qua email, Facebook hoặc Google Plus cá nhân.

Theo ông Pine Kyaw, Giám đốc Shopee Việt Nam - đơn vị quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử Shopee cho biết, thị trường thương mại điện tử Việt Nam còn tăng trưởng nhanh nữa trong những năm tới, với hơn 93 triệu dân, trong đó tỷ lệ dân số trẻ cao và nhanh chóng thích ứng với những điều mới, cụ thể là các phương thức bán hàng online, giúp các doanh nghiệp tham gia sân chơi này chốt được số lượng đơn hàng, đẩy doanh số.

“Nội” không lùi bước

Chỉ cần click để mua hàng là xu thế tiêu dùng của một bộ phận lớn người tiêu dùng, nhất là khi lượng hàng hóa bán trực tuyến đa dạng và phong phú  như trong siêu thị với những món hàng giá trị nhỏ từ vài chục ngàn đồng cho tới vài chục triệu đồng. Bởi vậy, không khó hiểu khi các doanh nghiệp không ngừng đầu tư củng cố các trang bán hàng trực tuyến.

Khảo sát của Aeon đối với khách hàng mua sắm tại trung tâm cũng cho thấy, phần lớn khách hàng đều sẵn sàng mua sắm trực tuyến để tiết kiệm thời gian. Hầu hết các sản phẩm tại siêu thị Aeon đều có mặt tại AeonEshop và đặc biệt là gần 1.000 mặt hàng mang thương hiệu TOPVALU, nhãn hàng riêng của Aeon được nhập khẩu và cập nhật liên tục.

Với Lotte, bên cạnh mặt hàng thực phẩm, gia dụng của Lotte Mart, những sản phẩm thời trang và mỹ phẩm cao cấp từ Lotte Department Store được xác định là nhóm hàng mũi nhọn trên nền tảng trực tuyến.

Tại Siêu thị điện tử Adayroi.com của VinGroup cũng đang kinh doanh theo mô hình một đại siêu thị trực tuyến với đa dạng ngành hàng, từ bất động sản, xe hơi, xe máy, đến các sản phẩm, dịch vụ, nhu yếu phẩm, thời trang, sách, du lịch, điện tử, đồ gia dụng và bao gồm thực phẩm tươi sống.

Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen  cho hay, mỗi người sử dụng Internet tại Việt Nam bỏ ra số tiền trung bình lên tới 160 USD/năm cho thương mại điện tử. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng hàng năm của thương mại điện tử Việt Nam đã đạt tới 22%, tỷ lệ tiếp cận thương mại điện tử lên tới 28%.

Còn theo số liệu của Bộ Công thương, doanh số thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2016 đã đạt 5 tỷ USD, chiếm trên 3% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Năm 2012, doanh số này đạt 1 tỷ USD và năm 2013 là 2,2 tỷ USD.

Dự báo của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cũng cho hay, đến năm 2020, tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ chạm mốc 10 tỷ USD, hứa hẹn sự tăng trưởng ngoạn mục trong những năm tới, khi doanh nghiệp bán hàng ngày càng chuyên nghiệp, tỷ lệ người sử dụng thiết bị điện tử tăng lên.

Khách hàng "gật đầu" với mua sắm trực tuyến
Hàng hóa phong phú, giá tốt, dịch vụ chuyển hàng và thanh toán không ngừng được cải thiện… là những ưu điểm để ngày càng nhiều người tiêu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư