Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Khách hàng "gật đầu" với mua sắm trực tuyến
Thế Hải - 09/09/2017 09:02
 
Hàng hóa phong phú, giá tốt, dịch vụ chuyển hàng và thanh toán không ngừng được cải thiện… là những ưu điểm để ngày càng nhiều người tiêu dùng đến với mua sắm trực tuyến.
Mua sắm trực tuyến tăng nhanh khi điện thoại thông minh và Internet trở nên phổ biến.
Mua sắm trực tuyến tăng nhanh khi điện thoại thông minh và Internet trở nên phổ biến.

Số khách hàng mua sắm trực tuyến tăng mạnh

Những năm qua, tỷ lệ người Việt Nam mua sắm trực tuyến đã liên tục gia tăng. Theo kết quả khảo sát vừa được Shopee (nền tảng thương mại điện tử đến từ Singapore) công bố, 38% người tiêu dùng Việt Nam thường mua sắm qua kênh trực tuyến, trong khi có 46% người được hỏi lựa chọn kênh truyền thống. Về tìm kiếm sản phẩm, có 58% số người được hỏi cho biết, họ tìm kiếm qua kênh online và số tìm kiếm qua kênh truyền thống là 61%.

“Đây là con số khá ấn tượng, cho thấy mức độ quan tâm của người tiêu dùng đến thương mại điện tử đã tăng lên đáng kể so với trước đây, tạo điều kiện để các đơn vị có dư địa tăng trưởng lớn về doanh thu”, ông Pine Kyaw, Giám đốc Shopee Việt Nam cho biết.

Ba lĩnh vực mà người tiêu dùng Việt Nam chi tiền nhiều nhất khi mua sắm trực tuyến là đồ may mặc, các sản phẩm điện tử gia dụng và du lịch.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) dự báo, thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng 25 - 30%/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Đến năm 2020, dự kiến có khoảng 30% dân số Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến, với mức chi tiêu bình quân 350 USD/người.

Trong khi đó, để khai thác sức mua của thị trường hơn 93 triệu dân, ngày càng có thêm nhiều nền tảng thương mại điện tử mới gia nhập thị trường. Chẳng hạn, gia nhập thị trường thương mại điện tử Việt Nam được hơn 1 năm, Shopee đã có nhiều chương trình lớn để thu hút khách hàng Việt mua sắm.

Ngay trong ngày mai (9/9/2017), sự kiện mua bán trực tuyến lần thứ 2 - “9.9 Online Shopping Day” do Shopee tổ chức sẽ diễn ra tại Việt Nam, đồng thời với 6 thị trường khác ở khu vực Đông Nam Á. Theo đó, người tiêu dùng trong nước có cơ hội mua 1.000 sản phẩm thuộc các ngành hàng thời trang, làm đẹp, sức khỏe, phụ kiện, công nghệ, đồ gia dụng…, với giá nhiều mặt hàng chỉ từ 9.000 đồng.

Ông Pine Kyaw khẳng định, việc tổ chức 9.9 Online Shopping Day là dịp đặc biệt để các thương hiệu và đối tác lớn tiếp cận nhóm “khách hàng số”, vốn là nhân tố chính thúc đẩy sự phát triển của kinh tế trong tương lai.

Để kích thích khách hàng tăng mua sắm, Shopee đã bắt tay với hơn 3.500 đối tác là những thương hiệu lớn, doanh nghiệp được yêu thích như Samsung, Unilever… để cung cấp hàng hóa với giá hợp lý.

Cụ thể, trong ngày 9/9/2017, Shopee cam kết giá thấp nhất hoặc hoàn tiền cho hơn 1.000 sản phẩm có gắn nhãn “Shopee đảm bảo”, đồng thời miễn phí vận chuyển trên toàn quốc.

Trước đó, Shopee Việt Nam đã hợp tác với FPT Trading để mở rộng ngành hàng điện tử, nhằm đáp ứng thói quen mua sắm của nhóm tiêu dùng nam giới.

Nhờ sự hợp tác này, người dùng có thể tiếp cận một lượng lớn sản phẩm công nghệ với mức giá hấp dẫn nhất thị trường, như việc đặt trước Samsung Galaxy J7 Pro, người mua sẽ nhận được bộ quà trị giá hơn 1 triệu đồng kèm theo cơ hội giảm giá 5% nếu thanh toán trực tuyến bằng thẻ tín dụng…

Nở rộ Ngày mua sắm trực tuyến

Trong 3 năm qua, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) phối hợp với VECOM tổ chức định kỳ Ngày mua sắm trực tuyến - Online Friday.

Với mục đích nâng cao nhận thức và đẩy mạnh hoạt động mua sắm của cộng đồng thông qua các kênh bán hàng trực tuyến, tạo cơ hội cho người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm có chất lượng với mức giá ưu đãi đặc biệt, doanh thu từ sự kiện này đã vượt dự kiến của nhà tổ chức.

Ba lĩnh vực mà người tiêu dùng Việt Nam chi tiền nhiều nhất khi mua sắm trực tuyến là đồ may mặc, các sản phẩm điện tử gia dụng và du lịch.

Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2016 đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2015 và gấp 6 lần năm đầu tiên triển khai (2014), với sự góp mặt của Lazada, Thế giới di động, Nguyễn Kim, Viễn Thông A, Sendo, FPT Shop, VietjetAir, Jetstar, Mediamart, Sài Gòn Co.op, Adayroi…

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM nhận định, những lợi thế về mua sắm tiện lợi, giao hàng tận nơi và thanh toán linh hoạt và quan trọng là tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh và sử dụng Internet ngày càng gia tăng sẽ kích thích tiêu dùng qua thương mại điện tử. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử sẽ rất hứa hẹn ở các ngành hàng chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm, sữa, sản phẩm dành cho em bé.

Năm 2017, Online Friday tiếp tục nhắm đến mục tiêu đạt được 1 triệu đơn hàng và tiếp cận 50 triệu người dùng Việt Nam chỉ trong 24 giờ ngày 29/9/2017 và tăng trưởng doanh thu 30%.

Ông Hưng cho rằng, những nỗ lực giúp việc mua sắm trực tuyến trở nên dễ dàng hơn và giải quyết những lo ngại của khách hàng trong thời gian qua như cải thiện độ an toàn của giao dịch, chính sách đổi/trả hàng, chất lượng sản phẩm cung cấp… sẽ tiếp tục thúc đẩy sự bùng nổ tiếp tục việc mua sắm trực tuyến tại Việt Nam.

Mua sắm trực tuyến sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020
Mua sắm hàng hóa thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh như sữa, mỳ gói, dầu gội, thực phẩm, đồ uống qua kênh thương mại điện tử ngày càng được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư