Thứ Tư, Ngày 28 tháng 05 năm 2025,
Thời điểm vàng để doanh nghiệp Việt chinh phục thị trường 1.000 tỷ USD
Tú Ân - 27/05/2025 11:24
 
Ngày 27-28/5/2025, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2025 (Vietnam - Asia DX Summit 2025) với chủ đề “Làm chủ công nghệ - Đột phá, Vươn mình”.

Cơ hội vàng trong thị trường 1.000 tỷ USD

Theo VINASA, châu Á - Thái Bình Dương hiện là khu vực đầu tàu tăng trưởng kinh tế số. Báo cáo của IDC cho thấy, khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến chi tiêu hơn 1.000 tỷ USD vào chuyển đổi số vào năm 2025. Các quốc gia trong khu vực châu Á đang ưu tiên một số công nghệ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi số.

"Việt Nam sở hữu hơn 1.000 doanh nghiệp công nghệ số đang xuất khẩu dịch vụ phục vụ các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Australia, tạo ra doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm. Việt Nam đang trở thành trung tâm dịch vụ số quốc tế, với lực lượng lao động IT lớn, năng động, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu. Tuy nhiên, với khoảng 1,2 triệu lao động CNTT hiện nay, con số này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo ước tính, cần ít nhất 2,5 triệu người để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng", ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA , Tổng giám đốc Tập đoàn FPT chia sẻ tại Diễn đàn.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA , Tổng giám đốc Tập đoàn FPT chia sẻ tại Vietnam - Asia DX Summit 2025.

Theo ông Khoa, hành trình để Việt Nam trở thành một quốc gia số phát triển, một trung tâm công nghệ trong khu vực vẫn còn nhiều thách thức, từ việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện thể chế cho đến nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, với sự hội tụ của các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa: một chiến lược quốc gia rõ ràng, các chính sách đột phá, năng lực ngày càng trưởng thành của doanh nghiệp và một thị trường nội địa rộng lớn, cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam "đột phá vươn mình" là vô cùng sáng rõ.

Tính đến đầu năm 2025, Việt Nam đã có trên 54.500 doanh nghiệp công nghệ số. Không chỉ tăng về số lượng, năng lực của các doanh nghiệp cũng đã được khẳng định. Một số tập đoàn lớn như Viettel, FPT, VNPT, MISA, One Mount đã nhận nhiệm vụ đầu tư, phát triển các sản phẩm công nghệ lõi nhằm giải quyết một số bài toán lớn của quốc gia.

Với nền tảng là nguồn nhân lực trẻ, linh hoạt cùng khát vọng hội nhập toàn cầu, doanh nghiệp Việt đang trở thành lực lượng tiên phong trong kiến tạo tương lai số, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế số chiếm 50% GDP vào năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết 57/NQ-TW. Đây là thời điểm vàng để doanh nghiệp công nghệ Việt bứt phá, làm chủ các công nghệ chiến lược, tận dụng chính sách hỗ trợ của chính phủ và khai thác thị trường chuyển đổi số đầy tiềm năng và vươn mình ra thế giới.

Vươn ra biển lớn

Để biến cơ hội thành hiện thực, VINASA đề xuất, cần có sự chung tay hành động. Cụ thể, về phía Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý.Tăng cường đầu tư cho hạ tầng số và đào tạo nhân lực.

Về phía doanh nghiệp, cần mạnh dạn đầu tư hơn nữa cho R&D, tập trung vào các công nghệ lõi và chất lượng sản phẩm. Tăng cường hợp tác, liên kết để tạo ra sức mạnh tổng hợp và cùng nhau chinh phục các thị trường lớn hơn.

Về phía xã hội, xây dựng văn hóa số, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo và chấp nhận các mô hình kinh doanh mới. Việt Nam đang nắm trong tay vận mệnh công nghệ của chính mình.

Bằng việc làm chủ công nghệ và tận dụng cơ hội từ cuộc chuyển đổi số toàn diện, các doanh nghiệp công nghệ số không chỉ đóng góp vào sự thịnh vượng của quốc gia mà còn có thể ghi danh Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới.

Toàn cảnh Vietnam - Asia DX Summit 2025

"Chúng tôi đề xuất Chính phủ cần ưu tiên đầu tư vào hạ tầng chiến lược như AI, bán dẫn, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực giáo dục tư nhân. Nếu làm tốt, lực lượng giáo dục tư nhân sẽ tạo ra kết quả vượt trội, giúp gắn kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp và đào tạo, giữa nhu cầu thị trường và năng lực nhân lực.

Cuối cùng, tôi mong muốn Chính phủ ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa những đề xuất đột phá từ doanh nghiệp. Việt Nam đã có nhiều thương hiệu lớn như Viettel, VNPT, CMC, FPT, và những kỳ lân như VNG. Trong tương lai, tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều thương hiệu Việt Nam vươn tầm thế giới, đóng góp vào sự thịnh vượng và tự cường của đất nước", ông Khoa kiến nghị.

Theo ông Junya Kawamoto,Chủ tịch Ủy ban Hợp tác quốc tế của Hiệp hội CNTT Nhật Bản (JISA), Nhật Bản có nhu cầu lớn từ Việt nam trong phát triển ứng dụng AI trong y tế, giáo dục và sản xuất. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam

Ông Stan Singh, Chủ tịch ASOCIO cho rằng, các nền kinh tế APAC xem công nghệ xanh là xu hướng hợp tác quan trọng. Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý xu hướng này.

Để thúc đẩy tăng trưởng chung, các nền kinh tế và doanh nghiệp công nghệ châu Á có thể tập trung vào các nội dung hợp tác sau: Nghiên cứu các công nghệ mới như điện toán lượng tử, 6G, và ứng dụng AI tiên tiến trong y tế, sản xuất, tài chính; Thiết lập chương trình trao đổi nhân tài xuyên biên giới; Hợp tác tổ chức sự kiện B2B, triển lãm công nghệ và hội nghị kỹ thuật số thường xuyên để thúc đẩy quan hệ đối tác; Chia sẻ hạ tầng và tài nguyên: Phát triển trung tâm dữ liệu, dịch vụ đám mây và nền tảng AI chung để hỗ trợ các dự án hợp tác; Hợp tác để hài hòa hóa quy định và tiêu chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xuyên biên giới...

Lập liên minh chiến lược để đào tạo nhân lực, hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW
5 đơn vị gồm học viện, các trường đại học Việt Nam đã quyết định thành lập liên minh chiến lược với mục đích góp phần xây dựng và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư