Thứ Sáu, Ngày 09 tháng 05 năm 2025,
Lập liên minh chiến lược để đào tạo nhân lực, hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW
Hà Nguyễn - 08/05/2025 22:25
 
5 đơn vị gồm học viện, các trường đại học Việt Nam đã quyết định thành lập liên minh chiến lược với mục đích góp phần xây dựng và phát triển một thế hệ nhân sự có năng lực tốt, sẵn sàng tham gia triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW.

Liên minh Nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW vừa chính thức được thành lập. Đây là nỗ lực do 5 học viện, trường đại học hàng đầu, bao gồm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Kỹ thuật mật mã; Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường đại học FPT, thực hiện.

Liên minh được thành lập với mục đích góp phần xây dựng và phát triển một thế hệ nhân sự có năng lực chuyên môn tốt, am hiểu công nghệ, được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết, sẵn sàng tham gia triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW.

5 đơn vị gồm Học viện, trường đại học cùng ký kết thỏa thuận về việc thành lập Liên minh Nhân lực chiến lược thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW

Nghị quyết 57-NQ/TW được ban hành vào năm 2024, với tầm nhìn chiến lược về việc sử dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như đột phá quan trọng để thúc đẩy phát triển đất nước trong kỷ nguyên số. Một trong những mục tiêu cốt lõi của Nghị quyết là phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng cán bộ, công chức và nhân viên có khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số ở quy mô quốc gia. 

“Nghị quyết 57-NQ/TW là một cuộc cách mạng, mở ra những cơ hội to lớn cho quốc gia - đặc biệt trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và phát triển nhân lực”, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT chia sẻ.

Theo ông Khoa, để hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW, Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn về nguồn lực triển khai. Và đó là lý do Liên minh Nhân lực chiến lược ra đời.

“Tôi cho rằng đây, không chỉ là nỗ lực của riêng FPT, mà cần được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa”, ông Khoa nhấn mạnh và kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo nhân lực để thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, hướng đến mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam sẽ có đội ngũ nhà quản trị và nhà khoa học tầm cỡ thế giới, góp phần xây dựng quốc gia phát triển dựa trên khoa học và công nghệ.

Với riêng FPT, ông Khoa cho biết, FPT đã đưa những bài toán lớn của doanh nghiệp và quốc gia vào trường học, giúp học sinh định hình vai trò tương lai như kỹ sư, nhà khoa học, nhà quản trịkhoa học - công nghệ. Đây là nền tảng căn bản để nuôi dưỡng lực lượng nhân sự chiến lược cho nền kinh tế tri thức.

Tâm đắc với sáng kiến của FPT trong việc thành lập Liên minh Nhân lực chiến lược, ông Lê Thanh Tùng, Thành viên HĐQT VietinBank cho rằng, đây là một ý tưởng có tầm nhìn, thiết thực và đúng thời điểm.

Từ góc độ của VietinBank, chúng tôi đánh giá Nghị quyết 57-NQ/TW là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho toàn xã hội, đặc biệt trong việc huy động và phát triển nguồn lực phục vụ công cuộc chuyển đổi số”, ông Tùng nhấn mạnh.

Tại sự kiện, Trường Đại học FPT đã công bố chương trình đào tạo lực lượng dự bị chiến lược gồm 8 khối kiến thức bổ sung, cần thiết cho sinh viên trong bối cảnh mới, như quản lý nhà nước và hành chính công; quản trị dữ liệu và an toàn thông tin; quản lý dự án và quản trị đổi mới; giáo dục và phát triển nhân lực số… Chương trình đào tạo này sẽ bắt đầu được triển khai từ tháng 5/2025.

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình khẳng định nhân lực là nòng cốt của quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình

Trước đó, khi phát biểu tại Diễn đàn Phát triển xung lực mới cho quốc gia, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của tri thức, công nghệ và đặc biệt là nhân lực AI.

“Nếu thời 1945, Việt Nam cần bình dân học vụ để mọi người dân biết đọc, biết viết, thì ngày nay mỗi người đều cần biết sử dụng công nghệ, đặc biệt là AI để có thể bắt kịp sự phát triển của thế giới. Mỗi học sinh, sinh viên Việt Nam hôm nay cần trang bị kiến thức về công nghệ, kỹ năng về AI, và khả năng làm việc cùng chuyên gia quốc tế”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Theo ông Bình, thế hệ trẻ, với kỹ năng công nghệ và tư duy sáng tạo, sẽ là lực lượng quyết định giúp Việt Nam vượt qua các thách thức và gia nhập cộng đồng quốc tế.

“Nếu không đào tạo được nhân lực AI, chúng ta sẽ đứng ngoài cuộc chơi công nghệ, còn nếu dẫn đầu trong đào tạo AI, Việt Nam sẽ vươn lên trở thành lực lượng lao động toàn cầu trong lĩnh vực này”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.

Đồng thuận với quan điểm này, các diễn giả tham gia Tọa đàm “Phát triển xung lực mới cho quốc gia: Nhân lực thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW đã khẳng định rằng, Việt Nam cần phải chuẩn bị một đội ngũ nhân lực có đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ.

Thậm chí, chân dung của thế hệ nhân lực mới này đã được các diễn giả gọi là “Kỹ sư 57”. “Các kỹ sư này không chỉ có kiến thức công nghệ mà còn phải có kỹ năng thực tiễn để tham gia vào công cuộc chuyển đổi số”, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư