Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 05 năm 2024,
Thói quen nguy hiểm có thể gây xẹp đốt sống
D.Ngân - 18/01/2024 14:15
 
Mang vác các vật nặng quá sức có thể khiến người bệnh bị xẹp đốt sống, ảnh hưởng đến khả năng vận động, chất lượng cuộc sống.

Một cụ ông ở Vũng Tàu vừa nhập viện trong tình trạng bị cụp lưng sau khi vác một túi đồ nặng. Ông cho biết bản thân nghe một tiếng kịch, sau đó lưng đau nhói lên. Bệnh nhân lập tức đi nằm và kể từ giờ phút đó, không thể nghiêng trở người được.

Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân xẹp đốt sống.

BS.CKI Vũ Ngọc Bảo Quỳnh, khoa Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, người bệnh bị gãy xẹp đốt sống L1 (vị trí đốt sống lưng thứ nhất).

Phim chụp cộng hưởng từ cho thấy mặc dù đốt sống của người bệnh không bị xẹp quá nhiều nhưng bên trong đốt sống bị dập nhũn, mất đi sự rắn chắc. Đây là nguyên nhân chính làm khởi phát cơn đau khi người bệnh cử động.

Vì tuổi đã cao nên bệnh nhân cũng mắc nhiều bệnh nền khác, đặc biệt là suy tim và bệnh mạch vành. Đây là những bệnh lý có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong nếu phẫu thuật. Do đó, trong hai ngày đầu tiên sau khi nhập viện, người bệnh được điều trị ổn định các bệnh lý về tim mạch với bác sĩ chuyên khoa tim mạch.

Đối với tình trạng xẹp đốt sống, người bệnh được chỉ định tạo hình thân sống bằng bơm xi măng sinh học. Xi măng sinh học ở dạng lỏng được bơm vào các đốt sống gãy xẹp thông qua một kim tiêm chọc xuyên qua da. Xi măng giúp làm vững và hàn gắn các đốt sống đã bị tổn thương.

Từ đó loại bỏ tình trạng xô lệch các đốt sống, gây đau đớn cho người bệnh. Đây là kỹ thuật can thiệp tối thiểu, thậm chí không phải gây mê mà chỉ cần gây tê tại chỗ, đặc biệt phù hợp cho người cao tuổi, loãng xương, mắc nhiều bệnh nền…

Bơm xi măng sinh học là một kỹ thuật đơn giản nhưng mang lại lợi ích ngoạn mục cho người bệnh. “Từ tình trạng đau dữ dội, nằm ngửa bất động, thậm chí không thể trở mình để bác sĩ kiểm tra vị trí tổn thương, chỉ vài giờ sau phẫu thuật, người bệnh đã có thể đi lại”, bác sĩ Quỳnh nói. Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng 30 phút. Sau 6 giờ, người bệnh hoàn toàn tỉnh táo và có thể xuống giường tự đi lại.

Người bệnh cho biết ca phẫu thuật diễn ra nhanh chóng và “êm” đến mức ông thậm chí không biết mình đã được điều trị cho đến khi bác sĩ đến thay băng, cơn đau cũng giảm đáng kể. Ngày thứ 3 sau phẫu thuật, người bệnh được xuất viện.

Bác sĩ Quỳnh cho biết, xẹp hoặc lún đốt sống là tình trạng thân đốt sống không giữ được chiều cao vốn có, gây tổn thương vùng cột sống và dẫn đến những cơn đau dữ dội.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến độ cân bằng của cột sống, thúc đẩy nguy cơ thoái hóa; biến dạng, gù lưng, vẹo cột sống; về lâu dài, đốt sống bị xẹp làm chèn ép các cơ quan nội tạng; tổn thương dây thần kinh, gây tê, đau nhức và tàn phế.

Nói về các nguy cơ của xẹp đốt sống theo các chuyên gia y tế, có thể do loãng xương, chấn thương hoặc một số bệnh lý khác. Theo đó, tuổi tác là nguyên nhân chính của tình trạng loãng xương và đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng xẹp đốt sống. Khi xương trở nên xốp, mềm theo thời gian, các đốt sống không còn đủ cứng để hỗ trợ cột sống trong các hoạt động hàng ngày.

Do đó, khi người bệnh cúi xuống để nhấc một vật, ho hoặc hắt hơi cũng có thể gây ra xẹp lún đốt sống, nếu bị loãng xương nghiêm trọng.

Hầu hết các đốt sống bị xẹp lún ở mặt trước, vì mặt sau của đốt sống có cấu tạo bằng xương cứng hơn. Điều đó tạo ra đốt sống có hình nêm, có thể dẫn đến tư thế khom lưng được gọi là gù cột sống (Chứng kyphosis).

Một số trường hợp khác không do loãng xương, mà do nguyên nhân đốt sống chịu một lực lớn gây chấn thương. Cụ thể như là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, té ngã trong sinh hoạt hàng ngày… Tư thế khi bị té của người bệnh là ngã từ trên cao, ngã ngồi đập mông xuống đất gây xẹp, gãy đốt sống.

Xẹp đốt sống cũng có thể do một số bệnh lý ác tính như ung thư xương hay do ung thư di căn, bệnh viêm xương biến dạng Paget, viêm tủy xương…

Các tế bào ung thư xâm nhập vào xương gây phá hủy cấu trúc và khiến cho xương bị yếu và giòn hơn. Tình trạng này thường gặp ở người dưới 55 tuổi, không có chấn thương hoặc chấn thương nhẹ nhưng lại bị gãy lún đốt sống.

Một số yếu tố nguy cơ gây lún đốt sống như tuổi tác. Phụ nữ trên 50 tuổi và nguy cơ tăng dần theo tuổi tác; hay đó là vấn đề cân nặng: Phụ nữ còi xương, suy dinh dưỡng.

Mãn kinh sớm: Phụ nữ mãn kinh trước 50 tuổi có nguy cơ bị loãng xương cao hơn. Người hút thuốc là: Thuốc lá làm mất độ dày của xương, khiến xương yếu đi

Trong y học, phòng ngừa có vai trò rất quan trọng và mang đến hiệu quả cao hơn. Vì thế, lời khuyên từ các chuyên gia cơ xương khớp dành cho mỗi người là:

Đối với người cao tuổi, nhất là phụ nữ mãn kinh cần phải có xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập luyện điều độ. Đồng thời bổ sung các khoáng chất giàu vitamin D, calci và vitamin khác. Ăn uống cân đối và đầy đủ các chất dinh dưỡng.

Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ hoặc theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện loãng xương hoặc các bệnh lý cột sống khác và điều trị kịp thời.

Thay đổi lối sống và sinh hoạt thiếu mạnh bằng cách hạn chế rượu, bia, thuốc lá và tránh các chất kích thích.

Thường xuyên luyện tập thể dục nâng cao sức khỏe bằng các môn phù hợp với thể chất. Các bằng chứng khoa học chỉ ra rằng, tập thể dục thật sự hữu ích trong việc thúc đẩy sức khỏe của xương.

Chú ý trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, điều khiển phương tiện giao thông hay làm việc để tránh bị chấn thương, té ngã.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư