Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thống nhất nội dung đầu tư khai thác tuyến phà nối TP.HCM - Tiền Giang
Vũ Quyền - 17/02/2023 15:16
 
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và TP.HCM thống nhất một số nội dung về việc mời gọi đầu tư khai thác tuyến phà biển nối TP.HCM - Tiền Giang.

Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP.HCM và Chủ tịch UBND TP.HCM về nội dung làm việc tại UBND tỉnh Tiền Giang về phương án đầu tư, khai thác tuyến vận tải hành khách, hàng hóa theo tuyến cố định bằng phà biển từ huyện Cần Giờ (TP.HCM) đi Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) và ngược lại.

Phà biển từ Cần Giờ đến Tiền Giang chỉ mất khoảng 30 phút. (Ảnh minh họa)
Phà biển từ Cần Giờ đến Tiền Giang chỉ mất khoảng 30 phút. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo, sau khi trao đổi, làm việc, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang và TP.HCM thống nhất mời gọi đầu tư khai thác tuyến phà Cần Giờ - Vàm Láng về một số nội dung.

Về tuyến khai thác, từ bến tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ đi ra sông Hà Thanh – Đồng Hòa – cửa sông Đồng Tranh 2 – sông Soài Rạp đến bến Vàm Láng tại thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông và ngược lại. Cự ly khoảng 12km (1 chiều) với thời gian dự kiến khoảng 30 phút.

Bến khai thác phía huyện Cần Giờ là tại khu đất khu vực cầu tàu Đồng Hòa, xã Long Hòa, huyện Cần giờ do huyện Cần Giờ quản lý.

Về bến khai thác phía huyện Gò Công Đông là khu đất của bến đò Vàm Láng (Cảng cá Vàm Láng) cũ, thuộc thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông. Hiện nơi này đang là khu đất trồng cây ven sông do UBND huyện Gò Công Đông quản lý và đã được đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2023 là đất giao thông. Nhà đầu tư phải xây dựng đường kết nối từ bến với Đường tỉnh 871 hiện hữu.

Tại các vị trí bến nêu trên, nhà đầu tư cần lắp đặt cầu dẫn lựa triều, phao nổi bằng thép, kết nối vào bờ và các công trình phụ trợ với quy mô dự kiến: ponton thép có kích thước tối thiểu dài 30m, rộng 18m; cầu dẫn di động, kích thước chiều dài 30m, rộng 5,66m với bề rộng mặt cầu 4m; xây dựng nhà chờ, phòng vé, nhà vệ sinh và các công trình phụ trợ cần thiết khác.

Phương tiện vận chuyển tối thiểu là hai phương tiện, cần đảm bảo các tiêu chí trọng tải toàn phần không thấp hơn 100 tấn, sức chở hành khách không ít hơn

100 khách, xe máy không ít hơn 50 xe, xe ô tô/xe tải không ít hơn 10 xe ô tô từ 4 đến 29 chỗ.

Sau khi được sự thống nhất, chấp thuận chủ trương của UBND TP.HCM và UBND tỉnh Tiền Giang, sẽ giao Sở GTVT tỉnh Tiền Giang là đầu mối để phối hợp với Sở GTVT TP.HCM và các đơn vị liên quan trong việc lập hồ sơ mời, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư khai thác tuyến phà Cần Giờ - Vàm Láng.

Trước đó, nhận thấy kết nối đường thủy từ TP.HCM đi tỉnh Tiền Giang chưa được đầu tư phát triển như các tuyến phà từ Cần Giờ - Cần Giuộc (tỉnh Long An) hay phà Cần Giờ - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Các phương tiện đang khai thác còn thô sơ (vật liệu vỏ bằng gỗ), trọng tải thấp, chỉ phục vụ vận chuyển người, hàng hoá xách tay và một số ít xe máy (không được phép chở ôtô).

Trong khi đó, việc đầu tư, khai thác tuyến phà Cần Giờ - Vàm Láng nhằm tăng năng lực vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường thủy, góp phần phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương.

Do đó, cuối tháng 9/2022, Sở GTVT TP.HCM đã báo cáo UBND TP.HCM đề xuất đầu tư, khai thác tuyến phà biển Cần Giờ - Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang).

Đề nghị xây dựng đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đi trên cao đoạn qua TP.HCM
UBND TP.HCM đề nghị xây đường sắt TP.HCM- Cần Thơ đi trên cao đoạn qua Thành phố để hạn chế tối đa ảnh hưởng việc chia cắt từ các tuyến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư