Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Thông tư 02: Ngân hàng cần trích dự phòng 50% để giảm rủi ro tiềm ẩn
Tùng Linh - 25/04/2023 17:26
 
Tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024, đồng thời, chịu trách nhiệm trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai.

Ngày 24/4/2022, Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn đã chính thức có hiệu lực thi hành.

Thông tư ban hành chỉ cách một ngày sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023 và Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 của Chính phủ, ngày 23/4/2023.  

Báo cáo tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023TT-NHNN, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định việc cho phép tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn không có khả năng trả nợ tổ chức tín dụng đúng thời hạn sẽ tạo điều kiện cho khách hàng có thể được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không phải chuyển nhóm nợ xấu. Qua đó, khách hàng có điều kiện được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, có nguồn tài chính để tìm kiếm việc làm, nguồn thu nhập mới để trả nợ vốn vay tại các tổ chức tín dụng.

Cụ thể, theo bà Giang, đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đồng thời, Thông tư cũng giao quyền tự chủ cho các tổ chức tín dụng trong việc xem xét đánh giá, mức độ khó khăn của khách hàng thông qua một số nội dung như doanh thu, thu nhập sụt giảm.

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, theo bà Giang, các tổ chức tín dụng vẫn phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.

Theo quy định tại Thông tư 02, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, trong quy định của Thông tư cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc xây dựng và ban hành quy định nội bộ để hướng dẫn thống nhất triển khai trong toàn hệ thống, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát  trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.

Đánh giá tác động của quy định mới, bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, Thông tư 02 sẽ phần nào tháo gỡ những vấn đề về thanh khoản của các doanh nghiệp, cứu lấy các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt (đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản hiện nay), từ đó, Thông tư cũng tác động tích cực lên một số ngân hàng. Trước đó, triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản vẫn là một vấn đề đáng quan tâm đối với ngành ngân hàng. Với Thông tư 02/2023, áp lực trích lập dự phòng đối với các ngân hàng sẽ được giảm thiểu khi nợ tái cơ cấu sẽ được phân bổ trong 2 năm 2023 và 2024.

“Thông tư sẽ có tác động tích cực lên tâm lý của nhà đầu tư đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản/vay tiêu dùng cao trong danh mục tín dụng như TCB, MBB, VPB, HDB”, bà Trần Thị Thu Thảo, chuyên gia phân tích từ VNDirect nhận định. Nguyên nhân bởi các ngân hàng này đang đối diện với rủi ro trích lập dự phòng cao hơn so với các ngân hàng có mô hình kinh doanh "an toàn" (ít cho vay bất động sản, không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) trong thời điểm này,

Dự thảo Thông tư cơ cấu nợ: Gỡ nghẽn dòng tiền, chỉ cơ cấu nợ cho doanh nghiệp có khả năng trả nợ
Dự thảo cũng quy định ngân hàng phải trích lập dự phòng 100% cho nợ cơ cấu lại, cán bộ cấp tín dụng không được xét duyệt cơ cấu nợ, tránh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư