Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Thủ đô Hà Nội: Dáng vóc và vị thế mới
TS. Phạm Quang Nghị - 02/09/2013 06:40
 
68 năm sau Ngày Độc lập, đặc biệt là sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội đã hình thành diện mạo mới, ngày càng văn minh, hiện đại. Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn xin giới thiệu bài viết của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội Phạm Quang Nghị nhìn lại quá trình và kết quả sau 5 năm sáp nhập cùng những định hướng phát triển cụ thể cho một vóc dáng tương lai của Thủ đô đến năm 2020.

Bộ mặt đô thị, nông thôn của Thủ đô Hà Nội đang được định hình, phát triển khởi sắc từng ngày, đến năm 2020 sẽ mang vóc dáng của một thành phố xanh, văn minh, hiện đại, xứng tầm vị trí đầu tàu, động lực phát triển của cả nước.

Đến năm 2020, vóc dáng Hà Nội sẽ xứng tầm vị thế của một đô thị lớn, văn minh, hiện đại với đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh (Ảnh: Hà Thanh)

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội (khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, những bước phát triển sống động của Hà Nội được ghi nhận qua diện mạo đổi thay từng ngày, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, đời sống xã hội, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của đầu tàu cả nước.

Hà Nội mở rộng có thêm những thuận lợi, với nhiều tiềm năng, nguồn lực mới để hội nhập và phát triển; có quy mô diện tích gấp hơn 3,6 lần trước khi mở rộng, dân số vào thời điểm mở rộng là 6,4 triệu người…

Tuy nhiên, tình hình khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới xảy ra vào đúng thời điểm những năm sau mở rộng, đến nay vẫn tiếp tục tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng.

Thiên tai, dịch bệnh có lúc xảy ra nghiêm trọng, đặc biệt là trận mưa lớn, gây ngập lụt lịch sử cuối năm 2008, gây ảnh hưởng nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Hạ tầng kỹ thuật, giao thông đô thị chưa đồng bộ, tình trạng ùn tắc giao thông, quản lý xây dựng, đất đai và trật tự dô thị diễn biến hết sức phức tạp. Tình hình trên đặt ra cho lãnh đạo Thành phố nhiều trăn trở, suy nghĩ trước yêu cầu, nhiệm vụ to lớn, cả trước mắt và lâu dài của Hà Nội mở rộng.

Để tạo được những chuyển biến tích cực trong mọi mặt đời sống xã hội của Thủ đô không phải là điều dễ dàng. Trước đây, với quy mô dân số, diện tích nhỏ hơn, nhiều công việc Thành phố quyết tâm, kiên trì chỉ đạo trong một thời gian dài, nhưng chuyển biến vẫn chậm, ví dụ như cải tạo, nâng cấp hạ tầng, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô, quản lý trật tự xây dựng, quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng nông thôn, dồn điền đổi thửa…

Nhưng từ sau khi mở rộng địa giới hành chính, chỉ trong một thời gian ngắn, với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, đồng thuận quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, Hà Nội đã đạt được những kết quả khá toàn diện, có lĩnh vực đạt kết quả nổi bật, tạo chuyển biến rõ nét trên mọi mặt đời sống xã hội Thủ đô.

Những nét đổi thay của Hà Nội dễ nhận thấy trong những năm qua, đó là bộ mặt đô thị, nông thôn đang khởi sắc từng ngày, vóc dáng của một thành phố xanh, văn hiến, văn minh hiện đại đang được định hình và ngày càng phát triển. Hạ tầng kỹ thuật và xã hội được đầu tư đồng bộ, hiện đại, không chỉ ở khu vực nội đô, mà còn lan tỏa nhanh đến nhiều vùng ngoại thành.

Nhiều công trình giao thông trọng điểm được tập trung chỉ đạo quyết liệt, hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào sử dụng, thiết thực phục vụ đời sống dân sinh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, như: đường Láng - Hòa Lạc, cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đường vành đai III trên cao.

Nhiều công trình giao thông trọng điểm khác đang được đẩy nhanh tiến độ: đường vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Quốc lộ 32 đoạn Cầu Diễn - Bưởi, quốc lộ 1A đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi. Nhiều khu đô thị, nhà ở xã hội, trung tâm thương mại được xây mới. Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được quan tâm chỉ đạo và đầu tư phát triển mạnh mẽ. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 21,36 triệu đồng, gấp 2,6 lần năm 2008.

Kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, ngày càng giữ vị trí quan trọng đối với cả nước và là động lực thúc đẩy kinh tế khu vực phía Bắc và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Giá trị tổng sản phẩm thành phố chiếm khoảng 10% GDP của cả nước; thu ngân sách trên địa bàn chiếm gần 20% tổng thu ngân sách quốc gia và tăng 2 lần so với năm 2008.

Năm 2012, giá trị sản phẩm bình quân đầu người tăng 1,33 lần, tổng vốn đầu tư xã hội tăng 1,87 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10,5 lần so với năm 2008. Lĩnh vực an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm, nhất là chính sách đối với người nghèo; giai đoạn 2008 - 2012, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 1,5-2 lần, năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo ước còn 2,35%...

Mặc dù còn một số việc chưa đáp ứng được sự mong đợi, kỳ vọng của nhân dân Thủ đô và cả nước, nhưng những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đạt được trong 5 năm qua là to lớn và có sức thuyết phục. Thành công lớn nhất là phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong nhân dân. Đó là kết quả quan trọng nhất, đồng thời cũng là điều kiện tiên quyết để Thủ đô đạt được những thành tựu trên mọi lĩnh vực. Với việc chọn công tác cán bộ là khâu đột phá, việc bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ hợp lý đã thực sự phát huy được tinh thần đoàn kết, thống nhất, dám nghĩ dám làm, từng bước đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.

Thời gian tới, sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô có những thuận lợi rất cơ bản. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011 - 2020; Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đến năm 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2020, vóc dáng Hà Nội sẽ xứng tầm vị thế của một đô thị lớn, văn minh, hiện đại với đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng nông thôn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai, kết hợp các trụ hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông quốc gia.

Đô thị trung tâm với các cơ quan đầu não sẽ được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh. Trong đô thị trung tâm có khu nội đô lịch sử (giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai II); khu nội đô mở rộng (giới hạn từ đường vành đai II đến sông Nhuệ); khu vực mở rộng phía Nam sông Hồng (từ sông Nhuệ đến đường vành đai IV); khu vực mở rộng phía Bắc sông Hồng (đến nam sông Cà Lồ).

Năm đô thị vệ tinh bao gồm: Hòa Lạc (khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa, du lịch), Sơn Tây (văn hóa, du lịch, đào tạo, y tế), Xuân Mai (công nghiệp phụ trợ, làng nghề, trung tâm thương mại, đào tạo), Phú Xuân (công nghiệp, trung chuyển hàng hóa), Sóc Sơn (dịch vụ, cảng hàng không, du lịch sinh thái, trung tâm y tế, khu đại học tập trung).

Theo quy hoạch, đến năm 2015, GDP bình quân đầu người của Hà Nội đạt 4.100 - 4.300 USD, đến năm 2020 đạt khoảng 7.100 - 7.500 USD và phấn đấu tăng lên 16.000 - 17.000 USD vào năm 2030 (tính theo tỷ giá thực tế).

Luật Thủ đô cũng đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Đây chính là những điều kiện quan trọng để Hà Nội phát huy tốt hơn những nguồn lực hiện có, giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển, đẩy nhanh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô.

Với kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cả những thành công và hạn chế mà Thành phố đúc rút được trong 5 năm qua, cộng với sự đoàn kết, đồng thuận, trách nhiệm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, có thể tin tưởng rằng, Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy tinh thần “Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm”, vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và cả những nhiệm vụ chiến lược, lâu dài.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục và giao dịch quốc tế.

Phấn đấu đi đầu, về đích sớm 1-2 năm sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; đưa Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tự hào và kỳ vọng của nhân dân Thủ đô.

(*): Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư