Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Thu hẹp nhóm hộ kinh doanh chịu thuế GTGT, điều chỉnh thuế suất với phân bón, đường...
Thanh Thuỷ - 10/01/2024 10:00
 
Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vừa được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2024. Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Dự án Luật này.

Đề xuất thay đổi thuế suất với loạt mặt hàng

Bộ Tài chính đang thực hiện lấy ý kiến Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) với hàng loạt thay đổi đáng chú ý. Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) là một trong 4 dự án Luật được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2024 sau phiên họp thứ 28 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hồi trung tuần tháng 12/2023.

Nội dung đáng chú ý được công bố trong Dự thảo lần này là việc thay đổi thuế suất của một số loại hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, Dự thảo mới dự kiến chuyển các hàng hóa không chịu thuế GTGT sang chịu thuế suất thuế GTGT 5% bao gồm phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển và máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Kiến nghị thay đổi thuế suất đối với mặt hàng phân bón đã được nhiều doanh nghiệp trong nước đề xuất nhiều năm nay. Mặt hàng phân bón không thuộc diện chịu thuế GTGT thì đương nhiên, doanh nghiệp không được khấu trừ GTGT đầu vào khi bán ra trong nước trong khi phần lớn đầu vào có thuế suất 10%. Trong khi đó, phần lớn phân bón nhập khẩu vào Việt Nam được các nước xuất khẩu xếp vào diện chịu thuế GTGT. Các doanh nghiệp trên được hoàn thuế đầu vào và có điều kiện hạ giá bán. Do đó, thực tế lại gây bất lợi cho phân bón trong nước khi cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Việc miễn thuế GTGT đối với sản phẩm phân bón thực tế lại đã tạo ra bất lợi cho cả doanh nghiệp và nông dân.

Một số hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT được loại bỏ bao gồm lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và Internet phổ cập theo chương trình của Chính phủ và dịch vụ duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng.

Bộ Tài chính đề xuất đưa thực phẩm tươi sống về đối tượng không chịu thuế GTGT đối với sản phẩm chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác, chỉ qua sơ chế thông thường. Hiện mặt, mặt hàng này đang phải chịu thuế 5%.

Điều 9 dự thảo Luật Thuế GTGT cũng thay đổi mức thuế suất áp dụng từ 5% lên 10% đối với một số mặt hang. Nhóm này gồm có lâm sản chưa qua chế biến; đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn; các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học.

Hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim cũng được đưa vào nhóm áp dụng thuế suất 10%.

Thu hẹp nhóm hộ kinh doanh chịu thuế GTGT

Theo bản Dự thảo đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất nâng mức doanh thu hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT của hộ, cá nhân kinh doanh lên 150 triệu đồng, thay vì 100 triệu đồng như hiện nay.

Nếu được thông qua, hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 150 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Liên quan đến quy định khấu trừ thuế, cũng có một số thay đổi trong Dự thảo. Điểm b khoản 2 Điều 12 Luật Thuế GTGT hiện hành quy định để được khấu trừ thuế GTGT cần đáp ứng điều kiện sau có hoá đơn GTGT mua hàng hoá, dịch vụ/chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu. Đồng thời, phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hoá, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng.

Mức trên đã được thay đổi từ 20 triệu đồng xuống 5 triệu đồng. Như vậy, Dự thảo Luật Thuế GTGT yêu cầu hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

FLC bị cưỡng chế thuế gần 90 tỷ đồng
Công ty cổ phần Tập đoàn FLC vừa cho biết đã nhận quyết định của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc cưỡng chế thuế do có số tiền quá hạn nộp.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư