Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 11 tháng 11 năm 2024,
Thu hút đầu tư vào giáo dục: Cửa rộng mở cho nhà đầu tư ngoại
Hải Hà - 20/11/2018 07:49
 
Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục được xem là mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh giáo dục. Tuy nhiên, cơ hội này chỉ đến với nhà đầu tư am hiểu đặc thù thị trường Việt Nam.

Mở lối cho nhà đầu tư ngoại 

Những ngày gần đây, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Pháp chế của Công ty Apollo Việt Nam và Đại học Anh quốc Việt Nam khá bận rộn với các buổi tư vấn xen lẫn lịch trình dày đặc các chuyến công tác để tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài ngay sau khi Nghị định 86/2018/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2018. Điều đáng nói là, không chỉ các nhà đầu tư đang hoạt động tại thị trường Việt Nam, mà cả những nhà đầu tư đang có ý định đầu tư vào lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam cũng tìm đến vị luật sư này để tìm hiểu. 

Theo quy định mới, cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam được tiếp nhận tới 50% học sinh trong nước. Ảnh: Đức Thanh
Theo quy định mới, cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam được tiếp nhận tới 50% học sinh trong nước. Ảnh: Đức Thanh

Bà Dung dẫn chứng, Apollo, nơi bà là luật sư tư vấn chính, đã có kế hoạch mở rộng trung tâm Anh ngữ tại khá nhiều địa điểm tại Hà Nội, Hạ Long, Quảng Ninh, Vinh và TP.HCM. Kế hoạch gần nhất của Apollo là mở thêm 10 trung tâm tại Hà Nội và 10 trung tâm tại TP. HCM trong năm 2019, bên cạnh 35 trung tâm Anh ngữ đang hoạt động. 

Động thái trên, theo bà Dung, đến từ việc Nghị định 86/2018/NĐ-CP đã cho phép các cơ sở kinh doanh ngắn hạn được thành lập với chỉ 2 giấy phép, thay vì 3 giấy phép như Nghị định 73/2012/NĐ-CP. 

Một điểm mở nữa là Nghị định 86/2018/NĐ-CP cho phép cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam được tiếp nhận tới 50% học sinh trong nước. Ông Haike Manning, cựu Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, cố vấn cho Đại học Victoria tỏ ra khá vui mừng khi khi nhận thấy, với việc cho phép tiếp nhận tới 50% học sinh Việt Nam, thì trong tương lai, học sinh Việt Nam có thể không cần du học bậc phổ thông mà vẫn có thể có môi trường học tập chất lượng tại các trường quốc tế với chi phí ít tốt kém hơn. 

Một trường hợp cụ thể, Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngay lập tức đã tháo gỡ khó khăn cho Trường Quốc tế Green Shoots (Hội An, Quảng Nam). “Quy định giới hạn tiếp nhận học sinh Việt Nam thực sự gây khó khăn khi trường chúng tôi đặt tại Hội An, nơi có ít người nước ngoài sinh sống. Tuy nhiên, việc cho phép tiếp nhận tới 50% học sinh địa phương sẽ giúp chúng tôi phát triển nhanh hơn với nhiều dịch vụ đẳng cấp. Điều này cũng giúp tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn giữa nhà đầu tư nội và ngoại”, bà Catherine Mckinley, nhà sáng lập và Giám đốc Trường Quốc tế Green Shoots nói.

Tuy nhiên, liên quan giới hạn thành lập các trường phổ thông phải có tổng vốn đầu tư không thấp hơn 50 tỷ đồng, theo bà Catherine Mckinley, điều này sẽ hạn chế các nhà đầu tư nhỏ, mà thực tế, các nhà đầu tư nhỏ vẫn cung cấp được dịch vụ chất lượng cao cho nhóm cộng đồng nhỏ. 

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, quy định giảng viên ngoại ngữ tại các trường đại học không yêu cầu phải có bằng thạc sĩ và có kinh nghiệm là quá mở. 

“Một trong những yếu tố giúp phụ huynh chọn trường quốc tế tốt là giáo viên quốc tế phải có tối thiểu bằng cử nhân về giáo dục hoặc lĩnh vực giáo dục, cộng với chứng chỉ giảng dạy. Điều này đúng với cả trường quốc tế đang giảng dạy cấp bậc tiểu học như Saigon Pearl”, ông Steve Alexander, Hiệu trưởng Trường Quốc tế Saigon Pearl nói. 

Đồng tình ý kiến này, ông Marcel Van Miert, Chủ tịch điều hành Hệ thống Trường Quốc tế Việt Úc (VAS) cũng khẳng định, các trường quốc tế uy tín không nhận giáo viên có ít kinh nghiệm giảng dạy. 

Nếu muốn gia nhập thị trường, nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý tới nguyên tắc sản phẩm tốt đi cùng giá hợp lý và tâm lý tiêu dùng của người Việt.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của bà Dung, xét về mặt bằng chung, trình độ ngoại ngữ của học sinh Việt Nam còn thấp, không đủ để theo học các chương trình liên kết trình độ đại học hoặc học các chương trình đào tạo đại học bằng tiếng Anh, nên quy định mở này sẽ tạo điều kiện cho thị trường giáo dục phát triển.

Cơ hội chỉ đến với nhà đầu tư am hiểu thị trường 

Đánh giá Nghị định 86/2018/NĐ-CP, bà Cao Hà Phương, Tổng giám đốc Tổ chức giáo dục EF Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang có chính sách rất mở và tiến bộ cho đầu tư giáo dục tư nhân. Vấn đề là thực hiện chính sách đó thế nào. 

Trên thực tế, không hẳn tất cả nhà đầu tư ngoại đều thành công. Cuối năm 2013, một thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực giáo dục quốc tế đã hoàn tất khá lặng lẽ. Công ty TNHH Học viện Giáo dục Mỹ (IAE) đã có chủ mới là nhóm cổ đông Ismart Education và EQuest Academy, nắm 80% cổ phần. Hai đơn vị này đều của các nhà đầu tư trong nước, trong khi chủ cũ là Quỹ đầu tư Blackhorse Asset Management (Mỹ). 

Điều đáng nói, nhà đầu tư Mỹ đã nuôi tham vọng tạo chất lượng giáo dục Mỹ tại Việt Nam khi lấy Broward College - một trong 10 trường đào tạo hệ cao đẳng cộng đồng tốt nhất nước Mỹ - để trực tiếp quản lý chất lượng đào tạo và cấp bằng. 

Mục tiêu này không sai, nhưng theo đuổi mục tiêu đào tạo cao đẳng trong khi có quá nhiều chương trình liên kết giá rẻ cùng chính sách cho phép đại học công tuyển sinh ồ ạt đã khiến nhà đầu tư này không thể trụ lại sau 6 năm. 

Theo phân tích của giới chuyên gia, có 2 lý do khiến nhà đầu tư trên thất bại. 

Thứ nhất, IAE theo đuổi đào tạo bậc cao đẳng, trong khi chính sách bỏ điểm sàn tuyển sinh vào đại học cùng tâm lý chuộng bằng cấp đã thu hẹp cánh cửa tuyển sinh của trường này. 

Thứ hai, Broward College phải vật lộn với hàng chục, thậm chí hàng trăm chương trình “liên kết” mọc lên như nấm ở Việt Nam. Các chương trình liên kết này đều "dán nhãn mác" Mỹ, Anh, Australia, Singapore…, nhưng đa phần có đối tác là các đại học không tên tuổi, không được kiểm định, thậm chí chỉ là các trung tâm bán bằng các chương trình liên kết với chi phí rẻ, đầu vào thấp. 

Trong khi đó, phụ huynh và học sinh hầu như không có khả năng để phân định đâu là cơ sở đào tạo có chất lượng cao và được kiểm định, đâu là cơ sở đào tạo chất lượng thấp. 

Sai lầm lớn nhất của những nhà đầu tư nước ngoài thất bại là không hiểu tâm lý tiêu dùng tại Việt Nam. 

Tại sao các tập đoàn tiêu dùng phát triển mạnh tại Việt Nam, còn giáo dục thì không? Đơn giản, hàng tiêu dùng có thể nhìn thấy được, còn giá trị của giáo dục quốc tế lại nằm ở việc tạo ra con người có tự tin hơn không, có đóng góp được nhiều cho xã hội không, chứ không phải bằng điểm số. Trong khi đó, đa số phụ huynh Việt Nam lại nhìn vào điểm số”, bà Hà Phương nói.

Do đó, theo bà Phương, nếu muốn gia nhập thị trường, nhà đầu tư nước ngoài cũng cần lưu ý tới nguyên tắc sản phẩm tốt đi cùng giá hợp lý và tâm lý tiêu dùng của người Việt.

Làm bình quân không khuyến khích đầu tư giáo dục
"Hiện rất nhiều người dân có khả năng đầu tư vào giáo dục cao hơn. Nếu chúng ta làm bình quân thì khả năng thu hút nguồn đầu tư vào giáo dục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư