Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Thu hút dòng vốn ngoài ngân sách là động lực phát triển của Quảng Ninh
Hạ Long - 26/09/2020 08:08
 
Là địa phương không phụ thuộc vào nguồn ngân sách Trung ương để phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển, Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát huy, thực hiện có hiệu quả hơn nữa trong nhiệm kỳ tới.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long được đầu tư bằng vốn tư nhân.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long được đầu tư bằng vốn tư nhân.

Đầu tư theo hình thức PPP đạt 47.000 tỷ đồng

Sau 10 năm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh duy trì ở mức cao so với bình quân chung cả nước. Để tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, Quảng Ninh đã tập trung thực hiện các đột phá chiến lược với việc tiên phong đầu tư ngân sách của tỉnh (hoặc ứng vốn cho Trung ương); xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực và đi đầu thực hiện các dự án lớn theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Quảng Ninh đã tập trung đầu tư các dự án, công trình trọng điểm có tính đột phá, lan tỏa, nhất là hạ tầng giao thông như nâng cấp quốc lộ, xây dựng đường cao tốc, sân bay, cảng tàu khách quốc tế...

Nhờ phát triển hạ tầng động bộ, giải quyết những điểm nghẽn tốt, từ năm 2012 đến nay, vốn FDI vào Quảng Ninh đạt trên 2,5 tỷ USD; vốn đầu tư trong nước quy đổi đạt gần 6 tỷ USD. Trong giai đoạn 2013 - 2018, tổng nguồn vốn các dự án đầu tư theo hình thức PPP trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 47.000 tỷ đồng, với 44 dự án. Trong đó, vốn Nhà nước tham gia khoảng 4.700 tỷ đồng (chủ yếu phục vụ công tác giải phóng mặt bằng), chiếm 10%. Như vậy, cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra, Quảng Ninh đã huy động được 8 - 9 đồng ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển.

Cùng với đó, Quảng Ninh đã sử dụng tiết kiệm và tối ưu hóa hiệu quả nguồn lực ngân sách; ưu tiên phát triển và tăng trưởng chất lượng. Điều này có được là nhờ Quảng Ninh đã thu hút được nguồn lực lớn từ bên ngoài, nên thuận lợi hơn trong việc cân đối giữa chi cho đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội.

Trong nhiệm kỳ qua, Quảng Ninh cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về chăm lo, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế. Điều này đã giúp từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền. Tỉnh hoàn thành việc triển khai hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công (giai đoạn II) với gần 4.000 hộ gia đình được thụ hưởng chính sách. Tổng chi cho an sinh xã hội trong 5 năm ước đạt 8.981 tỷ đồng, tăng bình quân 14,9%/năm, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015.

Ưu tiên cải cách thể chế, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, để thu hút dòng vốn ngoài ngân sách, Quảng Ninh tiếp tục ưu tiên cải cách thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy gắn với cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, giữ vững Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đặc biệt, Quảng Ninh sẽ sớm hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và thành phố thông minh để đưa Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin. Mục tiêu này gắn liền với việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân tài, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh phát triển, ứng dụng và chuyển giao, làm chủ khoa học - công nghệ, nhất là những công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0.

Quảng Ninh chú trọng tạo đột phá trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, ưu tiên nguồn lực cho các công trình giao thông nội khu tại Khu kinh tế Vân Đồn, Cửa khẩu Móng Cái; các công trình động lực nhằm mở rộng không gian phát triển và kết nối vịnh Hạ Long - vịnh Cửa Lục, Hạ Long - Hoành Bồ; kết nối chuỗi các đô thị Hạ Long - Quảng Yên - Uông Bí - Đông Triều. Chính sách này nhằm tạo quỹ đất, cũng như gia tăng lợi thế cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, phục vụ định hướng phát triển chuỗi ngành công nghiệp sạch tại các khu kinh tế Quảng Yên, Vân Đồn, Cửa khẩu Móng Cái, Việt Hưng - Hạ Long…

Quyết liệt cải cách hành chính với khâu đột phá là thành lập trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện cũng là một thành công của Quảng Ninh. Đây cũng là địa phương đầu tiên thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) trực thuộc UBND tỉnh từ năm 2011 để đổi mới quy trình đầu tư theo hướng từ “trên xuống”, thay vì từ “dưới lên” như trước đây. Sắp tới, Quảng Ninh cũng sẽ nghiên cứu, xin ý kiến về việc thí điểm thành lập Hội đồng Thẩm định dự án khoa học - công nghệ, dự án công nghệ cao để cắt giảm các bước lấy ý kiến đánh giá của từng địa phương, cơ quan liên quan.

Trong 5 năm qua (2016 - 2020), ngân sách tỉnh Quảng Ninh đã bố trí 2.674 tỷ đồng thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới và đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, toàn tỉnh có 89/98 xã (91%) đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), vượt mục tiêu đặt ra. Hiện có 7/13 địa phương cấp huyện (vượt chỉ tiêu đề ra) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn khoảng 1%.
Quảng Ninh đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử
Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu cả nước về chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, thành phố thông minh, đột...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư