Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thu hút FDI thêm cam kết “khủng”
Nguyên Đức - 01/05/2018 08:48
 
Các nhà đầu tư nước ngoài đã và vẫn đang kiên trì đầu tư vào Việt Nam, dựa trên niềm tin vào tiềm năng của thị trường, cũng như những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Chính phủ.

Từ cuộc chờ đợi nhiều năm của Banyan Tree…

Cuối cùng, sau nhiều chờ đợi, Dự án Laguna Lăng Cô đã có được sự gật đầu của Chính phủ Việt Nam để nâng vốn đầu tư từ 875 triệu USD lên 2 tỷ USD. Chủ tịch Tập đoàn Banyan Tree, ông Ho Kwon Ping, đã nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh từ tay Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Cao, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các quan chức cấp cao hai nước. Lễ trao chứng nhận đầu tư diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Singapore, được tổ chức nhân chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Phú Quốc  - một điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư. Ảnh: Đức Thanh
Phú Quốc - một điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư. Ảnh: Đức Thanh

Được nâng vốn đầu tư lên 2 tỷ USD cũng có nghĩa Laguna Lăng Cô sẽ tiếp tục đầu tư thêm nhiều hạng mục công trình khác và quan trọng nhất là được bổ sung hoạt động kinh doanh casino - hạng mục mà Banyan Tree đã đề xuất lên Chính phủ từ nhiều năm nay. Được đầu tư casino sẽ một bước tiến mới của Laguna Lăng Cô, nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch tới khu nghỉ dưỡng nổi tiếng này.

Trong khi đó, Sembcorp, tập đoàn đầu tư lớn của Singapore cũng vừa chính thức phát đi thông cáo báo chí về việc đã ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc đầu tư, phát triển Dự án Điện Dung Quất. Giống Laguna Lăng Cô, Dự án Điện Dung Quất cũng là một “cuộc chờ đợi nhiều năm”.

Ban đầu, Sembcorp dự tính xây dựng ở Dung Quất một dự án nhiệt điện than, quy mô vốn khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, sau các thông tin về việc Exxon Mobil sẽ đầu tư một dự án quy mô lớn để đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ, Sembcorp đã quyết định chuyển hướng sang đầu tư một dự án điện khí, công suất 750 MW, dự kiến vận hành thương mại vào năm 2024. Quy mô vốn đầu tư của Dự án cũng sẽ trên 2 tỷ USD.

Ngoài hai dự án quy mô lớn trên, còn khá nhiều thỏa thuận khác cũng đã được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Từ việc Vietcombank ký thỏa thuận hợp tác với Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Singapore sang đầu tư tại Việt Nam, tới Tập đoàn C.T ký các thỏa thuận quan trọng với Soibuild - tập đoàn bất động sản hàng đầu Singapore. 

Theo thỏa thuận của C.T, tập toàn này sẽ cùng Soibuild hợp tác phát triển Dự án Khu đô thị I-Town, vốn đầu tư 350 triệu USD; Dự án Nhà máy Sản xuất công nghệ cấu kiện đúc sẵn xây dựng cho căn hộ chung cư trị giá khoảng 64 triệu USD…

Một khi các dự án này được chính thức đầu tư, vốn đầu tư từ Singapore vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh. Hiện nay, Singapore là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Việt Nam (sau Hàn Quốc và Nhật Bản), với tổng vốn đăng ký hơn 43 tỷ USD.

… đến sự “tạm lắng” mang tính nhất thời

Những động thái tích cực sau chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, có thể nói, đang “hâm nóng” những kỳ vọng tích cực về thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa chính thức công bố, trong 4 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 8,06 tỷ USD tỷ USD, bằng 76,1% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 4 tháng đầu năm 2018, có 883 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 3,55 tỷ USD, bằng 76,1% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 303 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,24 tỷ USD, bằng 51,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoài ra, cũng trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 1.863 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp là 2,26 tỷ USD, tăng 67% so với cùng kỳ 2017. Trong số này, có 1.087 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp, với giá trị vốn góp 1,56 tỷ USD và 776 lượt góp vốn mua cổ phần mà nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ, với tổng giá trị vốn góp 703,5 triệu USD.

Sự sụt giảm này khiến không ít ý kiến bày tỏ sự quan ngại. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải như vậy. Lý do sụt giảm dễ thấy nhất là vì đầu năm ngoái, có nhiều dự án quy mô lớn đăng ký đầu tư vào Việt Nam, trong đó có Dự án Samsung Display tăng vốn thêm 2 tỷ USD, còn năm nay, ít thấy dự án lớn xuất hiện. Có chăng, chỉ là dự án tăng vốn thêm 500 triệu USD của LG Innotek, hay Dự án Regina Miracle International Việt Nam ở Hải Phòng, tăng vốn thêm 260 triệu USD; Kefico Việt Nam ở Hải Dương, tăng vốn đầu tư thêm 120 triệu USD; Vina Cell Technology ở Bắc Giang, tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD…

Bởi vậy, trên thực tế, việc vốn nước ngoài vào Việt Nam từ đầu năm tới nay sụt giảm so với cùng kỳ chỉ là một khoảng “tạm lắng” mang tính nhất thời. Một khi các dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ bật tăng. Chỉ đơn cử Dự án Laguna Lăng Cô, sau khi tăng vốn lên 2 tỷ USD, sẽ đóng góp không nhỏ vào kết quả thu hút đầu tư nước ngoài trong tháng sau.

Hơn thế, điều quan trọng, theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong khi vốn đăng ký mới vẫn đang trong xu hướng giảm, thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân lại tiếp tục xu hướng tích cực. Tính đến ngày 20/4/2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 5,1 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2017. Việc số vốn thực này tiếp tục gia tăng đã một lần nữa khẳng định tiềm năng của điểm đến Việt Nam.

Có một chi tiết rất đáng chú ý. Đó là tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Singapore, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn: “Với một tinh thần cởi mở, chúng tôi mong muốn lắng nghe những ý kiến của các bạn. Chúng tôi mong muốn các bạn trao đổi, các bạn hài lòng điều gì và chưa hài lòng điều gì?”.

Một tinh thần cởi mở, cầu thị như vậy từ người đứng đầu Chính phủ, cộng thêm những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ tạo được niềm tin vững chắc đối với các nhà đầu tư.

[Infographic] Những lĩnh vực thu hút FDI nhiều nhất 4 tháng năm 2018
4 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 8,06 tỷ USD tỷ USD, bằng 76,1% so...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư