Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Thu hút vốn FDI tích cực, nhà đầu tư muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam
Kỳ Thành - 06/07/2024 19:45
 
Điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn được tiếp tục đầu tư ở Việt Nam.
Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời tại họp báo Chính phủ chiều 6/7. (Ảnh: Nhật Bắc)

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 6/7, Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, 6 tháng đầu năm nay, kết quả thu hút FDI duy trì ở mức khá.

Tổng vốn FDI đăng ký của 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1%. Trong đó, FDI đăng ký mới là hơn 9,5 tỷ USD, tăng 46,9%. “Đây là con số đáng lưu ý, bởi vốn đăng ký mới tức là dự án mới vào sẽ gia tăng năng lực sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương phân tích.

Vốn FDI thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%, cũng là mức tăng trưởng khá. Trong đó cũng có ghi nhận rất nhiều dự án mới, quy mô lớn được đầu tư.

Về kỳ vọng 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hết sức lạc quan, dựa trên không chỉ đánh giá chủ quan của các cơ quan trong nước mà kể cả phía nước ngoài đánh giá.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đánh giá của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước về triển vọng thu hút FDI, xu hướng tích cực vẫn được duy trì nhờ 3 yếu tố hết sức quan trọng:

Một là chiến lược đa dạng hóa thích ứng của các nhà đầu tư. Xu thế này Việt Nam đã thực hiện sau COVID-19, đây cũng là cơ hội để Việt Nam đón nhận vốn đầu tư của thế giới.

Thứ hai là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua có sức phục hồi tốt, nhiều triển vọng và các nhà đầu tư kỳ vọng rất nhiều.

Cuối cùng là kinh tế vĩ mô ổn định, bất chấp các khó khăn, đặc biệt là khó khăn từ bên ngoài liên quan đến vấn đề giá cả một số mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới. Đây là điều quan trọng với các nhà đầu tư.

“Điều tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế của Việt Nam vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn được tiếp tục đầu tư ở Việt Nam. Qua đó, có thể kỳ vọng thu hút đầu tư vốn FDI cả năm 2024 vẫn cố gắng đạt khoảng 39 - 40 tỷ USD, tương đương hoặc cao hơn một chút so với cùng kỳ năm 2023”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

6 yếu tố để nâng mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024

Liên quan đến kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm và kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, kết quả tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm 2024 là rất tích cực, đột phá, tạo nền tảng tốt để có thể đáp ứng mục tiêu tại Nghị quyết 01 của Chính phủ là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng duy trì kinh tế vĩ mô.

Trong báo cáo trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu xây dựng 2 phương án kịch bản tăng trưởng phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành những tháng cuối năm.

Với kịch bản cơ sở, là kịch bản bám sát mục tiêu Quốc hội đề ra (tăng trưởng cả năm 6 - 6,5%), nếu xác định mục tiêu là 6,5% thì hoàn toàn khả thi.

Vì vậy, hoàn toàn có sơ sở để kỳ vọng kết quả cao hơn, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra, tăng cao hơn 6,5%. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tính toán, tham mưu, báo cáo Chính phủ kịch bản 2 với dự kiến cả năm đạt 7%.

Nếu theo phương án này, tăng trưởng quý III và IV lần lượt đạt khoảng 7,4 - 7,6%. Mặc dù trên 7% là mức cao, nhưng hoàn toàn có khả năng phấn đấu được trong bối cảnh Chính phủ đang cố gắng khắc phục các yếu tố hạn chế như nêu trong báo cáo trình Chính phủ sáng nay.

Như vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo với Chính phủ lựa chọn phương án kịch bản mới, cập nhật so với Nghị quyết 01, tức là tăng trưởng cả năm khoảng 6, 5 -7%. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mạnh dạn kiến nghị với Chính phủ đạt mục tiêu phấn đấu cao hơn 7% để có những chỉ đạo quyết liệt hơn, hướng đến mục tiêu này.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, có 6 yếu tố tác động tích cực đến tăng trưởng 6 tháng cuối năm.

Thứ nhất là xu hướng tăng trưởng tích cực của khu vực và thế giới.

Thứ hai là động lực đầu tư bao gồm cả đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là đầu tư FDI, đều tăng trưởng tích cực.

Thứ ba, các động lực về xuất khẩu đã phục hồi và tỉ lệ các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng có  những khó khăn như chi phí vận tải tăng lên, hay phải điều chuyển tuyến vận tải trên đường biển.

Thứ tư, du lịch phục hồi khá mạnh mẽ. Hiện nay, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đông hơn, 6 tháng đầu năm đạt hơn 8 triệu lượt khách, vì vậy hoàn toàn có thể kỳ vọng khách du lịch cả năm 2024 đạt khoảng 14-15 triệu lượt khách.

Thứ năm, Quốc hội đã thông qua hiệu lực của 3 luật rất quan trọng là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở.

6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn. Với các quy định mới thông thoáng hơn, thị trường bất động sản sẽ có tín hiệu khởi sắc trong 6 tháng cuối năm, tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, Thứ trưởng cho hay.

Cuối cùng là công tác chỉ đạo, điều hành. “Hiện nay, chỉ đạo của Chính phủ rất quyết liệt và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, đặt biệt 4 địa phương động lực tăng trưởng của nền kinh tế, phải quyết liệt hơn nữa trong việc thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng”, Thứ trưởng nói.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 15,2 tỷ USD sau 6 tháng năm 2024
Tính đến ngày 20/6/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư