Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thủ tục đất đai, xây dựng: điển hình của sự chồng chéo
Phan Long - 20/08/2013 21:27
 
   Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, vị trí của Việt Nam đang tụt dần trong lựa chọn của nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi lựa chọn địa điểm đầu tư. >>> 'Muốn nộp 7 triệu tiền thuế phải đi 3 lần' >>> 3.000 tỷ để đơn giản hóa giấy tờ công dân  
28,3% doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, thủ tục cấp giấy chứng nhận
đầu tư là phiền hà nhất (ảnh minh họa)

Đây là những thông tin được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra ngày 20/8 tại Hội thảo lấy ý kiến về các giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư tổ chức tại Hà Nội, qua kết quả khảo sát gần 8.100 doanh nghiệp trong nước và hơn 1.500 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thực hiện năm 2012.

Kết quả này trùng với quan điểm của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc, khi cho rằng, thủ tục đầu tư và các thủ tục liên quan đến đầu tư xây dựng luôn là những cản trở cho các doanh nghiệp.

Những quy định về thủ tục đầu tư cũng như các văn bản khác đang chồng chéo, rườm rà, các văn bản hướng dẫn về pháp luật đầu tư không đồng bộ, các địa phương có trình tự thủ tục khác nhau trong đầu tư là những yếu tố tác động làm giảm sức cạnh tranh trong môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Ông Lộc cho rằng, vị trí của Việt Nam đang tụt dần trong lựa chọn của nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi lựa chọn địa điểm đầu tư.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban pháp chế VCCI, kết quả khảo sát cho thấy, 28,3% doanh nghiệp nước ngoài cho rằng lĩnh vực thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư là phiền hà nhất.

Thủ tục hành chính về thực hiện dự án đầu tư là một trong những điển hình về sự chồng chéo, xung đột và thiếu trình tự mang tính chu trình gắn với quá trình đầu tư trên thực tế.

Các ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật đầu tư và các văn bản khác liên quan đến đầu tư là hết sức bức thiết để có chính sách về đầu tư đủ sức hấp dẫn, thủ tục minh bạch, thông thoáng, thuận lợi cho nhà đầu tư.

Việc tổng kết những kinh nghiệm trong cả nước để tìm ra quy trình tốt nhất, đảm bảo pháp luật đầu tư, tạo một khung khổ pháp luật để áp dụng chung trong toàn quốc là vấn đề cấp bách nhằm tiếp tục thu hút đầu tư, duy trì tăng trưởng và tái cấu trúc thời gian tới.

Các nhà doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế đã đưa ra nhiều sáng kiến kiến nghị Chính phủ sửa đổi Luật đầu tư và các văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó, kiến nghị trong bối cảnh chưa thể sửa được nhiều luật có liên quan, từ nay đến năm 2015 cần thiết kế được bộ thủ tục hành chính cho chu trình thực hiện quá trình đầu tư của doanh nghiệp, sơ đồ hóa toàn bộ quy trình hiện nay và sử dụng phương pháp “máy xén” để bỏ bớt các bước, thao tác, xây dựng mô hình chuẩn, từ đó sửa các văn bản pháp luật liên quan.

Mô hình này nên được sử dụng thử nghiệm, chuẩn bị cho việc áp dụng một luật sửa nhiều luật, sẽ được triển khai trong giai đoạn sau năm 2015.

Về lâu dài, cần ban hành luật về thủ tục hành chính, bao gồm cả các nguyên tắc pháp điển hóa quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính; các quy định về đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng các luật để “cắt gọt” thủ tục hành chính.

Các đại biểu cũng cho rằng, có thể ban hành các luật hoặc nghị định về “Bộ thủ tục hành chính” đối với một số lĩnh vực quan trong liên quan nhiều đến doanh nghiệp và dân sinh. Muốn vậy cần phải đổi mới tư duy về cải cách thủ tục hành chính và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để cải cách.

Ông Nguyễn Hùng Huế, Phó trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối Kinh tế ngành (Cục Kiểm soát thủ tục hành chính) cho rằng, cần chuẩn hóa việc lựa chọn nhà đầu tư theo ba hình thức: đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất và chỉ định nhà đầu tư có sử dụng đất; bãi bỏ các thủ tục đăng ký đầu tư và thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư để giảm sự trùng lặp, chồng chéo nội dung xét duyệt của các thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư.

Ông Huế cũng đề xuất không yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép quy hoạch, thủ tục thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch; bãi bỏ thủ tục chấp thuận phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với trường hợp dự án đầu tư không phải trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt hoặc không phải cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư