Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 05 năm 2024,
Thủ tướng bổ nhiệm ông Đặng Sỹ Mạnh làm Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
Anh Minh - 06/05/2023 07:11
 
Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, ông Đặng Sỹ Mạnh là Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ năm 2020.
Tổng Giám đốc Đặng Sỹ Mạnh (bên phải) kiểm tra công tác sản xuất tại một đơn vị công nghiệp thuộc VNR.
Ông Đặng Sỹ Mạnh (bên phải) kiểm tra công tác sản xuất tại một đơn vị công nghiệp thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Hôm nay (5/5), Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 481/QĐ – TTg về việc bổ nhiệm ông Đặng Sỹ Mạnh, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Ông Đặng Sỹ Mạnh được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chấm dứt tình trạng “bỏ trống” ghế Chủ tịch Hội đồng thành viên kéo dài gần 2 năm sau khi ông Vũ Anh Minh hết nhiệm kỳ công tác từ năm cuối năm 2021 đến nay.

Trước đó, vào tháng 1/2020, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có quyết định bổ nhiệm ông Đặng Sỹ Mạnh giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Trước khi được bổ nhiệm, ông Đặng Sỹ Mạnh từng kinh qua các chức vụ Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 2, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Ông Đặng Sỹ Mạnh ghi dấu ấn trên cương vị Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khi đã cùng với tập thể lãnh đạo và người lao động đưa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt lợi nhuận dương trong lĩnh vực vận tải trong năm 2022 sau nhiều năm khó khăn do dịch bệnh và sự cạnh tranh gay gắt của các phương thức vận tải khác

Cụ thể, trong năm 2022, doanh thu hợp nhất Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt  7.718,2 tỷ đồng bằng 113,8% so với cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt - 130,5 tỷ đồng, vượt 75,7% so với cùng kỳ (tương ứng giảm lỗ 407 tỷ đồng) và vượt 74,1% kế hoạch (tương ứng giảm 373 tỷ đồng).

Trong đó, Công ty Mẹ đạt doanh thu 5.368 tỷ đồng, bằng 123% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế là – 200 tỷ đồng, bằng 163,6% kế hoạch. Công ty Mẹ không xuất hiện các khoản nợ quá hạn.

Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, khoản lỗ -200 tỷ đồng của Công ty Mẹ bao gồm chênh lệch thu chi từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính là -174 tỷ đồng; chênh lệch thu chi từ hoạt động tài chính và hoạt động khác là - 26 tỷ đồng (trong đó các khoản chi không tạo ra doanh thu gồm trích lập dự phòng tổn thất các khoản thu tài chính gồm lỗ từ các Công ty cổ phần vận tải đường sắt - 12 tỷ đồng, lãi vay dự án -13,8 tỷ đồng, tiền phạt chậm nộp thuế đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ - 35,6 tỷ đồng).

Trên cơ sở kết quả kinh doanh năm 2022 và diễn biến tích cực của thị trường, năm 2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phấn đấu đạt sản lượng và doanh thu bằng 104% trở lên so với cùng kỳ và phấn đấu cân bằng thu chi của hoạt động SXKD chính. Năm 2023, Công ty Mẹ dự kiến không lỗ từ hoạt động SXKD chính tuy nhiên do phải bù đắp các khoản lỗ dự kiến từ các khoản chi không phát sinh doanh thu nên lỗ -55 tỷ đồng.

Nguy cơ “đáo tụng đình” đối với ông lớn đường sắt
Khởi kiện có lẽ là con đường duy nhất Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) phải thực hiện để có thể thu hồi tài sản tại số 80-Lý Thường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư