Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Du lịch Miền Trung- Tây Nguyên cần lấy cụm ngành làm trọng tâm phát triển
- 16/02/2019 15:24
 
Tại Hội nghị Phát triển Du lịch Miền Trung và Tây Nguyên diễn ra vào sáng nay (16/2) tại TP Huế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh các địa phương trong khu vực Miền trung –Tây Nguyên cần lấy tổng thể cụm ngành du lịch làm trọng tâm phát triển du lịch chứ không nên chỉ chú trọng vào yếu tố tài nguyên.

Lấy cụm ngành du lịch làm trọng tâm

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thêm lần nữa khẳng định những tiềm năng lợi thế hiếm có về du lịch của khu vực Miền Trung Tây Nguyên. Theo Thủ tướng, đây là khu vực hội tụ cho đầy đủ các tài nguyên du lịch Việt Nam như biển đảo, sinh thái, văn hóa, núi rừng….Đặc biệt là việc sở hữu đến 11 di sản UNESCO, cũng như sở hữu số lượng nhiều nhất các bải tắm nghỉ dưỡng đẹp.

Thủ tướng cho rằng, du lịch Miền Trung và Tây Nguyên hiện nay đủ điều kiện để hình thành và phát triển các cụm ngành du lịch tổng hợp như cụm du lịch biển đảo, cụm du lịch văn hóa, cụm du lịch khám phá…Trong mỗi cụm ngành du lịch này, sẽ có các ngành dịch vụ theo kèm để cùng tương hỗ thục đẩy du lịch phát triển. Do vậy, các địa phương phải hết sức chú trọng đến cả cụm ngành du lịch để phát triển đồng bộ chứ không nên chỉ chú ý đến các tài nguyên du lịch đơn lẻ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

“Tính chất giàu tài nguyên, nhiều di sản là nền tảng để đưa du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên du lịch cả Miền Trung- Tây Nguyên vẫn như viên ngọc thô chưa được mài dũa. Và việc sở hữu nhiều tài nguyên vừa là thuận lợi nhưng cũng khiến du lịch Miền Trung gặp nhiều khó khăn như không nhận diện được thương hiệu, sự đầu tư dàn trả hay sự thiếu quan tâm chắt chiu, lãng phí trong khai thác tài nguyên dẫn đến các tài nguyên du lịch dần bị cạn kiệt. Thậm chí, nhiều tài nguyên cũng khiến chúng ta tập trung khai thác mà quên đi việc gìn giữ bảo vệ môi trường. Do đó, tôi nhắc lại, các địa phương phải lấy cụm ngành du lịch làm trung tâm, chứ không phải là tài nguyên du lịch”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ, nhìn một cách tổng thể, du lịch Miền Trung - Tây Nguyên vẫn đang còn rất mất cân đối, thiếu bản sắc, đặc biệt là bản sắc chung của du lịch Việt Nam mang tính toàn cầu. Ngoài ra, nguồn tài nguyên du lịch cũng đang bị phân mảnh trong quản lý, sự xung đột về lợi ích của các lĩnh vực kinh tế như công nghiệp- du lịch,…cũng dẫn đến việc các tài nguyên du lịch dần bị mất đi.

“Khách du lịch còn đơn điệu, mức chi tiêu của du khách còn thấp, và nói về ngành kinh tế du lịch thì chúng ta chức thực sự hiệu quả. Chất lượng dịch vụ, năng lực phục vụ các cơ sở dịch vụ du lịch, nhà hàng, vui chơi giải trí chưa đạt yêu cầu….Các dịch vụ đi kèm còn đơn điệu, lặp lại. Trong khi quá chú trọng khai thác du lịch thì lại thiếu đi sự đầu tư vào các dịch vụ hỗ trợ nên hiệu quả mang lại chưa cao.Điều này là do bởi lâu nay chúng ta xem du lịch chỉ là một ngành duy nhất chứ không phải là cụm ngành”, Thủ tướng cho biết.

Bên cạnh đó Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương phải nghiêm khắc, quyết liệt trong việc xử lý các vấn nạn tiêu cực trong kinh doanh du lịch.

Thủ tướng nhấn mạnh:“ Du lịch còn chậm đổi mới cả về chấy lượng lẫn hình thức, không chỉ yếu và thiếu về trình độ chuyên môn mà còn thiếu cái tâm, đó là tình trạng chặt chém du khách, taxi dù, bán hàng rong, lừa đảo ép khách du lịch…đã làm xấu hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Tôi kiểm tra thấy có 3,7 triệu kết quả về tin bài về chặt chém khách. Ai cho phép điều đó?…Những hiện tượng này xuất hiện khắp nơi, cái này là rất là tai hại. Chúng ta phải lên tiếng. Phải xử lý nghiêm minh để giữ gìn hình ảnh, văn hóa Việt Nam. Tất nhiên đây là việc cá biệt nhưng rất nguy hiểm cần phải làm quyết liệt và xử lý nghiêm minh….Đừng bao giờ để những từ chặt chém, níu kéo trở thành thương hiệu ở một số địa phương. Chúng ta phải xử lý xây dựng môi trường tốt nhất, đừng phụ lòng của các nhà đầu tư và du khách…”

Xây dựng hình ảnh, văn hóa du lịch

Tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thẳng thắn chỉ rõ phương hướng phát triển của du lịch Việt Nam nói chung, du lịch Miền Trung- Tây Nguyên nói riêng đó là phải giải được bài toán làm thế nào để du khách đến đông hơn? Ở lại lâu hơn? Tiêu tiền nhiều hơn? Làm gì để du khách khi trở về sẽ kể câu chuyện hấp dẫn về đất nước con người Việt Nam? Và đặc biệt là làm sao để du khách quay trở lại?

Công ty Cổ phần Toàn cầu TMS nhận Quyết định chủ trương đầu tư cho Dự án TMS Quảng Bình Resort tại Xã Trung Trạch, Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.882 tỷ đồng tại Hội nghị với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Công ty Cổ phần Toàn cầu TMS nhận Quyết định chủ trương đầu tư cho Dự án TMS Quảng Bình Resort tại Xã Trung Trạch, Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.882 tỷ đồng tại Hội nghị với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo Thủ tướng, để trả lời câu hỏi này, lãnh đạo địa phương phải sâu sát về cơ sở để có thể biết được du khách ăn uống gì, mua gì, làm gì. Và quan trọng không kém đó là phải xây dựng được văn hóa ứng xử thân thiện, hiền hòa, chân thành của mỗi người dân, mỗi nhân viên phục vụ để từ đó tạo nên hình ảnh tốt đẹp của du khách khi đến với Việt Nam, đến với Miền Trung- Tây Nguyên.

“Những năm qua, chúng ta đã cải thiện được nhiều điều như du khách đông hơn, chi tiêu nhiều hơn, lưu trú lâu hơn so với 10-15 năm trước đây. Nhưng thực sự chưa xuất sắc, do đó du lịch Miền Trung – Tây Nguyên vẫn còn nhiều việc phải làm. Chúng ta phải giữ gìn được sự trong sạch, vui vẻ, nụ cười…thì du khách mới cảm mến. Đây mới là điều quan trọng nhất”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương không nên đầu tư vào du lịch một cách phong trào mà thay vào đó phải xây dựng được các sản phẩm du lịch địa phương độc đáo, thu hút khách và có tính chi trả cả. Các địa phương đồng thời cũng cần phải xác định lại các tài nguyên tiềm năng du lịch chính của mình, để từ đó xây dựng được chiến lược phát triển phù hợp và không dàn trải….Kiên quyết thu hồi lại các dự án đầu tư sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên du lịch, làm hư hại xuống cấp tài nguyên du lịch.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá vai trò quan trọng của các nhà đầu tư trong sự phát triển của du lịch Miền Trung – Tây Nguyên. Thủ tướng kêu gọi sự tham gia chung tay của các nhà đầu tư cùng Chính phủ, địa phương đầu tư mạnh mẽ hơn để du lịch Miền Trung – Tây Nguyên phát triển, cũng như tạo điều kiện để phát huy tiềm năng to lớn của Miền Trung Tây Nguyên.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu để tạo điều kiện phát triển du lịch, cũng như gợi mở đến các chính sách mới như cấp thị thực điện tử, nới lỏng và tạo điều kiện cấp thị thực cho du khách; quảng bá du lịch qua internet; đặc biệt là đầu tư vào hạ tầng như mở cửa bầu trời, nâng cấp sân bay, xây dựng cảng biển chuyên dụng cho du lịch, xây dựng tuyến đường ven biển bằng hình thức xã hội hóa…để phục vụ phát triển du lịch.

“Tôi khẳng định là đầu tư và du lịch 19 tỉnh thành Miền Trung- Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành quả, đây là sự cỗ gắng lớn. Tuy vậy vẫn còn nhiều việc đáng làm…Tôi tin tưởng rằng sau Hội nghị này, chúng ta sẽ có chuyển biến lớn để có những bước tăng trưởng mới về du lịch”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, Ban tổ chức đã tiến hành trao chủ trương đầu tư cho 15 dự án thuộc lĩnh vực du lịch –nghỉ dưỡng của các nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 32.000 tỷ đồng.

Thừa Thiên Huế: Hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư dự án Khách sạn, dịch vụ du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp
Ngày 14/2, Sở KH&ĐT Thừa Thiên Huế cho biết UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đã ban hành Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khách sạn, dịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư