Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 05 năm 2024,
Thủ tướng: "Chúng tôi có niềm tin ổn định kinh tế"
Nguyên Đức - 06/12/2013 11:34
 
Lần đầu tiên, Diễn đàn Đối tác phát triển (VDPF) được tổ chức và cũng lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng không chỉ tham dự, phát biểu ý kiến, mà đã đối thoại thẳng thắn, cởi mở với các đối tác phát triển về những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, hướng đến phát triển nhanh và bền vững trong tương lai. VDPF hướng tới tăng trưởng bền vững

Kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô

Đúng như kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đồng Chủ tọa VDPF 2013, “một trang sử mới” trong quan hệ giữa Việt Nam và các đối tác phát triển đã được thiết lập tại VDPF, tổ chức ngày hôm qua (5/12) tại Hà Nội.

Các nội dung liên quan đến nền kinh tế Việt Nam trong 3 năm qua, tầm nhìn tới năm 2015 đã được hai bên thảo luận thẳng thắn

“Chúng tôi đã tập trung đối thoại thực chất hơn và sâu sắc hơn về các ưu tiên phát triển, cũng như các thách thức ở tầm trung hạn trong việc hoạch định và thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tiến trình phát triển đất nước”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Và cũng đúng như dự báo, các nội dung liên quan đến bức tranh tổng thể nền kinh tế Việt Nam trong 3 năm qua, tầm nhìn tới năm 2015 đã được hai bên thảo luận một cách thẳng thắn.

“Chúng tôi chúc mừng Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng tăng trưởng vẫn còn chậm chạp. Tác động của khu vực đầu tư nước ngoài lên khu vực kinh tế tư nhân đã bị giảm sút, do mức độ tin tưởng của người tiêu dùng và doanh nghiệp còn thấp và do khu vực kinh tế quốc doanh còn trì trệ”, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đồng Chủ tọa VDPF 2013 nói và cho rằng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục ngành tài chính - ngân hàng và kinh tế quốc doanh, tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân là những yếu tố quan trọng để khôi phục lại niềm tin vào nền kinh tế.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong 3 năm qua trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng dự trữ ngoại hối, cũng như ổn định tỷ giá, song ông Timoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, những tiến bộ trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô cần được đẩy mạnh hơn nữa. “Như thời gian qua, là tương đối chậm”, ông Kimura nhận xét.

Trong khi đó, trong bài phát biểu gửi đến VDPF, ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, cũng đồng quan điểm rằng, ổn định kinh tế vĩ mô phải được duy trì. “Duy trì lạm phát thấp là nền móng của nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô. Điều quan trọng là, Ngân hàng Nhà nước theo dõi chặt chẽ các áp lực lạm phát, vì lạm phát cơ bản cao cho thấy kỳ vọng lạm phát vẫn còn”, ông Kalra nói và cũng bày tỏ mối lo ngại đối với việc tăng trưởng chậm lại và tình hình kinh tế giảm sút của Việt Nam.

“Rất đúng khi các đối tác phát triển cho rằng, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, nhưng cần làm vững chắc hơn, mạnh hơn, để ổn định một cách bền vững hơn. Đấy cũng là mục tiêu của Việt Nam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn nói vậy và một lần nữa khẳng định thông điệp, trong hai năm 2014 - 2015, Việt Nam sẽ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát mục tiêu ở mức 7%.

Trước đó, khi phát biểu tại VDPF, Thủ tướng đã dẫn một loạt con số về tăng trưởng GDP năm 2013 ước 5,4%, lạm phát 6%, dự trữ ngoại hối 12 tuần nhập khẩu… để chứng minh cho nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2013, cũng như 2 năm trước đó.

“Chúng tôi có niềm tin, có cơ sở để hai năm 2014 – 2015, kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được chủ động kiểm soát theo mục tiêu 7%. Tỷ giá sẽ được ổn định, giá trị đồng Việt Nam được bảo đảm, nợ quốc gia trong giới hạn thanh toán, xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh”, Thủ tướng nói.

Cam kết cải cách

Những hối thúc cải cách, đặc biệt trong tái cấu trúc nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), giống như tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), diễn ra cách đây 3 ngày, tiếp tục được đề cập xuyên suốt tại VDPF 2013.

“Đẩy nhanh tái cơ cấu DNNN và khu vực tài chính sẽ giúp khôi phục năng lực cạnh tranh và tăng trưởng lâu dài. Tạo sự minh bạch và tăng cường quản trị doanh nghiệp trong cả hai khu vực nói trên sẽ nhanh chóng mang lại kết quả thông qua thoái vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh không cốt lõi và thực hiện cổ phần hóa”, bà Kwakwa khuyến nghị.

Trong khi đó, theo ông Kimura, mặc dù thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản pháp luật liên quan đến cải cách DNNN, nhưng cũng cần phải làm sao để khu vực tư nhân được tham gia nhiều hơn vào quá trình cải cách. Cùng với đó, cần giám sát nhiều hơn tiến trình cải cách DNNN. “Các bộ, ngành phải thúc đẩy hợp tác trong tiến trình này. Hiện nay, việc tham gia sửa đổi các quy định về cải cách DNNN của các bộ ngành vẫn còn khá riêng lẻ, chưa có sự phối hợp liên ngành”, ông Kimura nói.

Đồng quan điểm, Đại sứ Canada tại Việt Nam David Devine nhấn mạnh: “Việt Nam phải đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách DNNN”.

“Trong hai năm 2014 - 2015, sẽ chấm dứt tình trạng đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chính. Gần 600 doanh nghiệp còn lại sẽ được cổ phần hóa tiếp trong giai đoạn đến năm 2020”, Thủ tướng nói và khẳng định, việc tái cơ cấu DNNN thời gian tới sẽ được thực hiện theo hướng tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh chính, nâng cao năng lực quản trị và cổ phần hóa.

“Chúng tôi muốn đẩy nhanh tiến trình cải cách DNNN, nhưng quá trình này không chỉ tính đến yếu tố kinh tế, mà phải tính đến cả yếu tố xã hội. Cải cách DNNN, nhưng cũng vẫn phải đảm bảo ổn định xã hội, do vậy, chúng tôi mong các đối tác phát triển chia sẻ rằng, đúng là cải cách DNNN phải được đẩy nhanh hơn, nhưng cũng cần có lộ trình thích hợp”, Thủ tướng nói.

Liên quan tới các cam kết cải cách, tại VDPF, Thủ tướng cũng đã khẳng định, từ những thành tựu đã đạt được, trong 2 năm 2014 - 2015, Việt Nam tiếp tục kiên trì đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, có cơ chế khuyến khích sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 3 trọng điểm của tái cơ cấu nền kinh tế vẫn là tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và hệ thống tài chính - ngân hàng.

“Chúng tôi đã kiềm chế được sự gia tăng nợ xấu và dự kiến hết năm 2013, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) xử lý được 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chỉ còn 3%”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hướng đến phát triển bền vững

Tại VDPF, rất nhiều đối tác phát triển đã khuyến nghị Việt Nam các vấn đề liên quan đến tăng trưởng và phát triển. Chẳng hạn, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Haike Manning cho rằng, Việt Nam nên giảm bớt các trợ cấp trong việc phát triển năng lượng từ nguyên liệu hóa thạch và cần có cơ chế, chính sách để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư vào năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Trong khi đó, Đại sứ Australia tại Việt Nam Michael Wilson lại bày tỏ mối quan tâm tới sự phát triển của khu vực nông nghiệp, nông thôn. “Việt Nam phải làm sao để khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư hơn nữa vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để có nông nghiệp chất lượng cao, cũng như đầu tư các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn”, Đại sứ Wilson nói.

Mối quan tâm của các Đại sứ Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc… lại là các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, chống tham nhũng, tạo thuận lợi cho đầu tư trực tiếp nước ngoài… Trả lời các vấn đề mà các đối tác phát triển quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để làm sao khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn vào phát triển kinh tế.

“Với vấn đề trợ cấp cho nguyên liệu hóa thạch, chúng tôi khẳng định, Việt Nam đã bán than theo giá thị trường, ngoại trừ than bán cho phát điện. Nếu không trợ cấp, giá điện có thể tăng vọt lên và nền kinh tế Việt Nam chưa chịu đựng được. Nhưng tới năm 2014 - 2015, ngay cả giá than cho ngành điện cũng sẽ không được trợ cấp nữa. Giá xăng dầu cũng đã được bán theo giá trị trường”, Thủ tướng nói.

Trong khi đó, liên quan vấn đề chống tham nhũng, Thủ tướng khẳng định, sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thể chế kinh tế thị trường. Và một khi mọi vấn đề được công khai, minh bạch, thì sẽ chống được tham nhũng.

Một cách thẳng thắn, Thủ tướng đã đối thoại với cộng đồng các đối tác phát triển cho Việt Nam và bày tỏ sự cảm ơn khi nhận được các khuyến nghị chính sách vô cùng quý báu. “Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ từ quý vị, bao gồm cả tư vấn chính sách và nguồn lực, để Việt Nam có thể phát triển bền vững hơn trong tương lai”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tạo sân chơi bình đẳng cho kinh tế tư nhân
Phát biểu tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) diễn ra sáng nay, bà Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư