Thứ Ba, Ngày 08 tháng 04 năm 2025,
Thủ tướng: Hợp tác cân bằng, bền vững với Hoa Kỳ, vì lợi ích của hai bên
PV (TTXVN) - 07/04/2025 22:37
 
Trước việc Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan mới, Thủ tướng yêu cầu có giải pháp thích ứng, trong đó tính đến tổng thể chung của kinh tế đối ngoại Việt Nam và không ảnh hưởng tới các thị trường khác.

Tối 7/4, kết luận hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tăng cường kết nối kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam với các nước để thích ứng tốt hơn với tình hình, chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế, triển khai Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị và bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá tình hình thương mại, diễn biến thị trường quốc tế và phản ứng, biện pháp của các nước sau khi Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới.

Các đại biểu cũng nêu tình hình hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước; cơ hội, thách thức đối với hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam để tận dụng thị trường của nước sở tại trong bối cảnh hiện nay; một số kiến nghị, giải pháp cụ thể về mở rộng thị trường thương mại, đầu tư của Việt Nam hiện nay và lâu dài.

Các đại biểu cho rằng cùng với tiếp tục đàm phán với phía Hoa Kỳ để thúc đẩy hợp tác thương mại bền vững, Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng; nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nữa với nhiều thị trường, tránh phụ thuộc vào một số thị trường cụ thể; khai thác hiệu quả hơn nữa 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và tiếp tục đàm phán, ký kết thêm FTA với đối tác mới, trong đó có Hoa Kỳ.

Cùng với đó là việc khuyến khích và đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, phân phối, tiêu thụ hiệu quả hơn hàng Việt Nam trên sân nhà.

Cơ quan đại diện Việt Nam tại nhiều nước cho biết các nước có rất nhiều tiềm năng, nhu cầu nhập khẩu thêm nhiều mặt hàng của Việt Nam.

Các doanh nghiệp đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường và vượt qua khó khăn, thách thức khi thị trường có biến động.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội, doanh nghiệp về thương mại quốc tế. Ảnh: TTXVN

Kết luận hội nghị, quán triệt nội dung Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị, Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 59 và bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về hội nhập quốc tế trong tình hình mới thể hiện tinh thần đột phá, hội nhập quốc tế để vươn lên.

Nghị quyết và bài viết cũng khẳng định đường lối xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; xác định hội nhập quốc tế là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; trong hội nhập quốc tế phải vừa hợp tác vừa đấu tranh, tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; hội nhập để Việt Nam bắt kịp, tiến cùng, vượt lên.

Theo Thủ tướng, hiện nay cả nước đang triển khai “bộ tứ chiến lược” cùng với Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới là thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số; cải cách, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính địa phương; phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, lấy kinh tế tư nhân làm động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng.

Để thực hiện “bộ tứ chiến lược” này, Chính phủ đã và đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược là đột phá về hoàn thiện thể chế, pháp luật; đột phá về phát triển hạ tầng và đột phá về cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, với phương châm “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực thông minh”.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nắm chắc tình hình và thị trường sở tại, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp của Việt Nam với các nước; đặc biệt phải kết nối kinh tế Việt Nam với các nước, khu vực và kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước; hỗ trợ doanh nghiệp trong hợp tác, làm ăn; thường xuyên trao đổi với các bộ, ngành, ngành hàng, doanh nghiệp các nước.

Các bộ, ngành, địa phương phải cùng với Chính phủ thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp về mở rộng thị trường, quy hoạch, định hướng, cơ chế, chính sách, pháp luật, hỗ trợ vốn, đất đai, bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ, phòng vệ thương mại…, giúp doanh nghiệp phát triển.

Các doanh nghiệp đoàn kết, phối hợp với bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới bao bì, mẫu mã sản phẩm; thực hiện tái cơ cấu sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng để mở rộng thị trường, tránh phụ thuộc một số thị trường nhất định, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Trước việc Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan mới, Thủ tướng yêu cầu phải bình tĩnh, kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy của tất cả các nước; bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Nhấn mạnh phải hợp tác cân bằng, bền vững với Hoa Kỳ, vì lợi ích của cả 2 bên, Thủ tướng yêu cầu có giải pháp thích ứng vừa trước mắt, vừa lâu dài; vừa trực tiếp, vừa gián tiếp; vừa tổng thể, chiến lược, vừa cụ thể; vừa trọng điểm, toàn diện bằng chính sách thuế quan và phi thuế quan; qua tất cả các kênh, bằng các giải pháp chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại; tính đến tổng thể chung của kinh tế đối ngoại Việt Nam và không ảnh hưởng tới các thị trường khác.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam nhưng không phải là thị trường duy nhất, còn nhiều thị trường quan trọng khác.

Thủ tướng lưu ý phải khai thác hiệu quả hơn nữa 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và tiếp tục đàm phán, ký kết thêm các FTA với các đối tác mới, trong đó có Hoa Kỳ.

Thủ tướng chỉ đạo cùng với xuất khẩu phải làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống khác như đầu tư và tiêu dùng; thúc đẩy động lực tăng trưởng mới như khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Thủ tướng yêu cầu các bên liên quan tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, kịp thời, linh hoạt, hài hòa, hiệu quả; kiểm soát tốt lạm phát; đảm bảo các cân đối lớn; tăng cường chống gian lận thương mại, nhất là chống nhập khẩu hàng hóa từ nước thứ 3 để xuất khẩu sang Hoa Kỳ; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các mặt hàng, doanh nghiệp ảnh hưởng lớn thông qua giảm thuế, phí, lệ phí, các gói tín dụng.

Nhấn mạnh, phải đảm bảo 3 mục tiêu chiến lược là “ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và an dân; phát triển nhanh, bền vững; cuộc sống nhân dân ngày càng được hạnh phúc, ấm no”, Thủ tướng chỉ rõ “Đảng đã lãnh đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ; chỉ bàn làm không bàn lùi”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bộ, ngành, doanh nghiệp đoàn kết, “coi trọng thời gian, phát huy trí tuệ”, “nghĩ sâu, làm lớn”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện có hiệu quả thực tế”, góp phần cùng cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.

Từ đó tạo đà, tạo lực, tạo thế để đất nước đạt mức tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới, hướng tới 2 mục tiêu 100 năm, đưa nước ta bước vào thời kỳ vươn mình giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

VCCI và AmCham kêu gọi Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng với Việt Nam
VCCI và AmCham cho rằng, nếu các mức thuế mới của Mỹ được áp lên hàng Việt sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư