Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Thủ tướng: “Không có hội chứng xây nhà máy lọc dầu”
Mạnh Bôn - 21/11/2013 18:02
 
Chăm chú ghi chép tất cả các câu chất vấn của 14 vị đại biểu Quốc hội, vì vậy, mặc dù chỉ có khoảng một tiếng đồng hồ, nhưng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trả lời hầu hết các vấn đề mà đại biệu Quốc hội đặt ra, trong đó có những vấn đề được dư luận rất quan tâm như quy hoạch các nhà máy lọc dầu. >>> Thủ tướng: Năm 2015 xử lý toàn bộ nợ xấu >>> Rosneft quan tâm tới dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội >>> Chính thức khởi công dự án lọc hóa dầu 9 tỷ USD >>> Lọc dầu Vũng Rô ký hợp đồng thiết kế tổng thể

Trả lời chất vấn của Đại biểu Hà Sỹ Đồng liên quan đến quy hoạch nhà máy lọc hóa dầu mà như cách nói của vị đại biểu này là xây dựng nhà máy lọc hóa dầu đã trở thành “hội chứng”, Thủ tướng khẳng định không hề có hội chứng, ngoại trừ một dự án lọc hóa dầu ở Bình Định nằm ngoài quy hoạch.

“Dự án này do một công ty dầu mỏ lớn của Thái Lan đầu tư, hiện mới ở giai đoạn khảo sát tiền khả thi, sau khi khảo sát nếu có hiệu quả kể cả về mặt kinh tế lẫn xã hội thì mới đưa vào quy hoạch”, Thủ tướng thông tin thêm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định không có  “hội chứng xây dựng nhà máy lọc dầu”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định không có “hội chứng xây dựng nhà máy lọc dầu” như nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại

Hiện tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã phát huy hết công suất 6 triệu tấn/năm và đã đem lại hiệu quả rõ rệt. “Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga V.L Putin mới đây, lãnh đạo Tập đoàn Gazprom và PVN đã ký cam kết hợp tác để nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm. Về cơ bản chúng ta không phải bỏ thêm vốn để nâng công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vì bán cổ phần cho Gazprom”, Thủ tướng cho biết.

Đối với Dự án Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (vừa mới khởi công) với công suất 10 triệu tấn/năm, do PVN đóng góp 25%, một doanh nghiệp của Kuweit đóng góp 35% và một doanh nghiệp của Nhật Bản đóng góp 40%. Dự án này, theo Thủ tướng là cũng rất hiệu quả vì Chính phủ Kuweit đã cam kết cung cấp 100% nguyên liệu đầu vào cho cả đời dự án.

“Ngoài ra, chúng ta chỉ còn Dự án Lọc dầu 100% vốn đầu tư nước ngoài (Liên bang Nga) với công suất 8 triệu tấn tại Phú Yên; Dự án Lọc dầu tại Khánh Hòa, Dự án Lọc dầu tại Vũng Tàu đang kêu gọi đầu tư và Dự án Lọc dầu tại Cần Thơ có công suất 2 triệu tấn/năm, nhưng do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính, chậm trễ triển khai nên nhiều khả năng sẽ bị rút giấy phép”, Thủ tướng chứng minh không có chuyện “hội chứng xây dựng nhà máy lọc dầu” như nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại.

Trăn trở của Đại biểu Nguyễn Thị Phúc và Trương Thị Dung về thủy điện cũng là trăn trở của đồng bảo miền Trung đang bị lũ lụt với người đứng đầu Chính phủ. Chính vì vậy, một lần nữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, tiếp tục khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quy hoạch, lập dự án, thi công, vận hành các nhà máy thủy điện.

“Với 128 nhà máy thủy điện đang vận hành sẽ rà soát lại, cái nào không bảo đảm an toàn cho người dân dứt khoát đóng cửa”, Thủ tướng khẳng định.

Với 128 nhà máy này, Thủ tướng cho biết sẽ phải rà soát lại quy trình vận hành cho phù hợp với thực tế; công khai cho người dân biết về quy trình vận hành; UBND cấp tỉnh nơi có dự án thủy điện phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát; yêu cầu chủ đầu tư trồng lại rừng đã bị mất do xây dựng nhà máy thủy điện.

Đối với 205 dự án thủy điện đang khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tiếp tục chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá lại thiết kế kỹ thuật; bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ tái định cư; rà soát lại quy trình vận hành hồ chứa nước và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các cam kết và các quy định của pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị)
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị)

Liên quan đến tình trạng nợ văn bản hướng dẫn luật, Thủ tướng nhận khuyết điểm nhưng cho biết, năm 2012, Chính phủ chỉ nợ có 27 nghị định - là mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

“Năm 2013, Chính phủ phải bải hành 129 nghị định, gấp 2 lần năm 2012, nhưng đến thời điểm này chỉ còn nợ 19 nghị định, kết thúc năm 2013 sẽ cơ bản ban hành xong”, Thủ tướng cam kết.

Là người chất vấn đầu tiên, Đại biểu Trần Thị Hiền băn khoăn về an toàn tài chính quốc gia, lạm phát, bảo đảm kinh tế vĩ mô trước việc nâng bội chi lên 5,3% và phát hành thêm 170 ngàn tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong giai đoạn 2014-2016.

“Băn khoăn, lo lắng của Đại biểu Hiền cũng như nhiều đại biểu khác liên quan đến tăng bội chi và phát hành trái phiếu chính phủ hoàn toàn xác đáng”, Thủ tướng nói và cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách để bảo đảm an ninh tài chính, kiềm chế lạm phát, bảo đảm kinh tế vĩ mô trước khi đề nghị Quốc hội nâng bội chi và phát hành 170 ngàn tỷ đồng trái phiếu chính phủ.

“Nếu thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp đã đặt ra - Thủ tướng nói tiếp - Năm 2014 và 2015 tốc độ tăng trưởng GDP đạt tương ứng 5,8% và 6%, kiềm chế được lạm phát ở mức 7%, bảo đảm an toàn được nợ công ở mức an toàn theo khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế và vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư