Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Thủ tướng lên đường thăm chính thức Australia
Nguyễn Hoàng - 16/03/2015 17:00
 
Sáng nay (16/3), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn đại biểu Việt Nam rời Hà Nội lên đường thăm chính thức Australia (từ ngày 17-18/3) và thăm chính thức New Zealand (từ ngày 19-20/3) theo lời mời của Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng New Zealand John Key.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Cơ hội mở rộng hợp tác Việt Nam - Australia
Đón dòng vốn đầu tư từ Australia và New Zealand
Thủ tướng sắp thăm chính thức Australia và New Zealand

Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Australia Tony Abbott
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Australia Tony Abbott

Việt Nam và Australia thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 và đến năm 2009, hai bên đã nhất trí nâng tầm quan hệ lên Đối tác toàn diện. Trong năm 2013 vừa qua, hai bên đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thời gian qua, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Australia phát triển tốt đẹp, hai nước tiến hành nhiều cuộc trao đổi và tiếp xúc cấp cao.

Hợp tác kinh tế phát triển mạnh, Việt Nam là bạn hàng thứ 15 của Australia và Australia là bạn hàng thứ 8 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại 2 chiều giữa 2 nước luôn tăng đều và khá cao, từ mức 32,3 triệu USD năm 1990 lên 5,1 tỷ USD năm 2013 và đạt xấp xỉ 6 tỷ USD năm 2014 (tỷ lệ tăng 10% liên tục trong 10 năm qua, Việt Nam luôn xuất siêu). Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Australia là dầu thô, điện thoại và các linh kiện. Australia đã chính thức công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường vào tháng 3/2009.

Về đầu tư, tính đến nay, Australia có 320 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư trên 1,65 tỷ USD, đứng thứ 19/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Các dự án FDI của Australia được triển khai hiệu quả, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ, giáo dục, công nghiệp chế biến, nông lâm thủy sản... Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư trực tiếp vào Australia với tổng giá trị gần 140 triệu USD, nổi bật là các dự án về công nghiệp chế biến, dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Australia duy trì đều đặn viện trợ ODA cho Việt Nam, đạt trung bình trên 130 triệu AUD/năm. Trong năm tài khóa 2013-2014, ODA của Australia cam kết dành cho Việt Nam đạt mức trên 138,9 triệu AUD và kế hoạch 2014-2015 là trên 140 triệu AUD. Australia cũng viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 160 triệu AUD để xây cầu Cao Lãnh..

Hai bên đã hợp tác tốt trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng thông qua trao đổi đoàn, ký thỏa thuận hợp tác, hợp tác phòng chống tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, chống di cư bất hợp pháp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo tiếng Anh,…

Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Australia đã cung cấp cho Việt Nam 4.000 học bổng các loại trong vòng 40 năm qua; Việt Nam đứng thứ 7 trong số các nước nhận học bổng về kinh tế của Australia. Hiện có khoảng 30.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Australia.

Ngoài ra, hợp tác trong lĩnh vực lao động, nông nghiệp, du lịch, giao lưu nhân dân… giữa hai nươc thời gian qua cũng đạt được những kết quả tích cực.

Về quan hệ Việt Nam-New Zealand, năm 2015 là năm Việt Nam và New Zealand kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, dự kiến hai nước sẽ tiến hành nhiều hoạt động thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và giao lưu nhân dân.

Quan hệ Việt Nam-New Zealand có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua, đặc biệt từ khi hai nước nâng quan hệ lên tầm Đối tác toàn diện (năm 2009). Hai bên đã thường xuyên duy trì các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp.

Quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam- New Zealand tuy còn khiêm tốn song luôn tăng dần qua các năm (tăng bình quân 20%/năm), đạt trên 700 triệu USD năm 2013, gần 800 triệu năm 2014. Về đầu tư, tính đến cuối năm 2014, New Zealand có 25 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký gần 82 triệu USD, đứng thứ 42/101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, công nghiệp, chế biến, chế tạo, tài chính, ngân hàng. Việt Nam có 01 dự án liên doanh đầu tư tại New Zealand (của Công ty Sữa Vinamilk) với tổng số vốn là 87 triệu USD, trong đó vốn của Việt Nam là 8,4 triệu USD, tập trung vào thu mua và sản xuất sữa chất lượng cao.

Hợp tác về an ninh, quốc phòng tiếp tục có những bước phát triển mới; hợp tác lao động có nhiều chuyển biến tích cực với việc New Zealand tiếp nhận mỗi năm 100 công dân Việt Nam sang du lịch kết hợp với làm việc; hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, ODA, khoa học-công nghệ, nông nghiệp, giao thông vận tải… phát triển mạnh mẽ.

Về hợp tác tại các diễn đàn quốc tế, New Zealand đã sớm ủng hộ Việt Nam làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc 2008-2009. Hiện New Zealand đang tích cực ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP); đồng thời hai bên cam kết ủng hộ ứng cử của nhau vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (New Zealand nhiệm kỳ 2015-2016, Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2021).

Chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện với Australia và New Zealand trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động; tranh thủ nguồn viện trợ phát triển, đầu tư trực tiếp của hai nước, mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực Việt  Nam có nhu cầu như nông nghiệp, giáo dục, khai khoáng, xây dựng, công nghiệp chế biến, tài chính, ngân hàng, dịch vụ…

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư