Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Thủ tướng: Ngành ngân hàng phải phấn đấu giảm thêm lãi suất và có giải pháp giãn nợ cho doanh nghiệp
T.L - 31/03/2023 14:22
 
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động của Vietcombank sáng nay (31/3), Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra các chỉ đạo quan trọng với ngành ngân hàng.

f
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập và đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động của Vietcombank, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và những thành tích xuất sắc mà ngân hàng đã đạt được trong suốt thời gian qua. 

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức trong thời gian tới, nhất là trước bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức như đã nêu trên; tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và nhiều chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm.

Thứ nhất, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá mở rộng phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ hai, tăng cường phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; trong thiết kế, xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan, cần lưu ý tìm giải pháp bảo đảm sự cân bằng hài hòa, hợp lý về 4 vấn đề quan trọng: Giữa lãi suất và tỷ giá; giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; giữa tình hình bên trong và tình hình bên ngoài.

Thứ ba, rà soát, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất, chi phí cho vay; đồng thời rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận tín dụng kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân.

Thứ tư, bảo đảm tăng trưởng tín dụng kịp thời, hợp lý, hiệu quả gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), góp phần tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội (nhất là lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân).

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ…; nâng cao năng lực tài chính, quản trị và chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, bảo đảm tuyệt đối an toàn hệ thống và an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Thứ sáu, tiếp tục đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội.

Vietcombank phải giữ vững vị thế ngân hàng số 1

Riêng với Vietcombank, Thủ tướng đề nghị tiếp tục giữ vững vị trí ngân hàng số 1 Việt Nam, đứng trong số 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới, 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam, Thủ tướng đề nghị tập trung quán triệt, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Theo đó, phát huy hơn nữa vai trò là ngân hàng chủ lực, chủ đạo, dẫn dắt thị trường của hệ thống các tổ chức tín dụng, Vietcombank tiếp tục tiên phong thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vừa thực hiện tốt chức năng tín dụng ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, vừa góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.

Trong đó, đặc biệt lưu ý tiếp tục tiên phong trong việc hiện đại hóa quản trị, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp, quản trị nguồn vốn và sử dụng vốn hiệu quả để điều hòa và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ thiết thực cho phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Chủ động, tích cực tham gia các chương trình tín dụng chính sách, nhất là Chương trình tín dụng nhà ở xã hội, thúc đẩy phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội theo tinh thần Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ.

Với tiềm lực tài chính vững mạnh, hệ thống quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu quả và mạng lưới khách hàng sâu rộng, Vietcombank cần tích cực tham gia, phát huy vai trò thúc đẩy phát triển các công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là theo hình thức đối tác công-tư (PPP), góp phần tạo nền tảng cho phát triển nhanh, bền vững….

Tích cực hưởng ứng, tiên phong trong thực hiện các chủ trương, chính sách và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển các thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản lành mạnh, an toàn, hiệu quả, bền vững.

Cùng với việc thực hiện các mục tiêu trước mắt, Vietcombank cần xác định rõ mục tiêu, định hướng và các nhiệm vụ, giải pháp phát triển trung, dài hạn phù hợp với chiến lược phát triển ngành ngân hàng. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ các tổ chức tín dụng khác; tích cực tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém…

Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đã xác định mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2 đến 3 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và từ 3 đến 5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Thủ tướng yêu cầu Vietcombank cần là ngân hàng tiên phong nhận nhiệm vụ này; tập trung nguồn lực đầu tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đi đầu trong đột phá công nghệ và chuyển đổi số, phấn đấu đạt mức độ trưởng thành về chuyển đổi số thuộc nhóm các ngân hàng dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

Trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cam kết thời gian tới sẽ tiếp tục tinh thần tiên phong, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, vừa tích cực giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng phát triển đất nước hùng cường. Đồng thời, sớm hoàn thành mục tiêu chiến lược 100 ngân hàng lớn nhất châu Á, 300 ngân hàng lớn nhất thế giới và 1.000 doanh nghiệp lớn nhất toàn cầu.

Vietcombank nhận danh hiệu Anh hùng Lao động dịp 60 năm thành lập, phấn đấu niêm yết tại thị trường quốc tế
Hôm nay (31/3), Vietcombank tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (01/4/1963 – 01/4/2023) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động do Đảng, Nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư