Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số là vấn đề toàn cầu, toàn diện, toàn dân
Hoàng Anh - 31/08/2024 10:43
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chinh khẳng định chuyển đổi số là vấn đề toàn cầu, toàn diện và toàn dân; cần có cơ chế khai thác nguồn lực để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Sáng 31/8, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế số. Đây cũng là xu hướng toàn cầu.

Theo Thủ tướng Chính phủ, chuyển đổi số không phải vấn đề của một quốc gia, cơ quan hay một đơn vị cụ thể nào mà là vấn đề toàn cầu, toàn diện, toàn dân. Vì vậy phải có cách tiếp cận toàn diện, toàn cầu.

Tuy nhiên, không có nghĩa là chuyển đổi số không có trọng tâm, trọng điểm. Chuyển đổi số trong cải cách nền hành chính Việt Nam lấy người dân làm trung tâm, trọng tâm.

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt nhiều thành quả quan trọng. Chuyển đổi số đã thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả về khu vực công đến khu vực tư, từ trung ương đến địa phương. Nói cách khác, chuyển đổi số đã đến từng ngõ, gõ từng nhà và từng người.

Tư duy hành động, thói quen của các cơ quan hành chính các cấp, người dân, doanh nghiệp dần chuyển từ giấy tờ truyền thống sang môi trường mạng, nâng cao hiệu quả và tăng năng suất hoạt động về kinh tế xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Tuy vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ những hạn chế, bất cập về chuyển đổi số. Như nhận thực chung của các cấp lãnh đạo ở một số nơi chưa thay đổi

“Nhận thức không thay đổi, tư duy không thay đổi thì không thay đổi được hành động. Hành động không thay đổi thì không thể thay đổi kết quả”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Ngoài ra, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số chưa đồng bộ, còn khó khăn, nhất là vùng sâu vùng xa biên giới hải đảo. Hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng.

Nhấn mạnh đến yêu cầu khai thác các nguồn lực trong chuyển đổi số, khi nguồn lực của Nhà nước có hạn, Thủ tướng Chính phủ khẳng định nguồn lực phải bắt nguồn từ tư duy và nhận thức.

“Nhân dân Việt Nam rất thông minh, doanh nghiệp Việt Nam rất giỏi, vấn đề là làm thế nào để phát huy được những nguồn lực này. Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, nhận thức; động lực thì bắt nguồn từ sự đổi mới và sáng tạo; còn sức mạnh thì bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp. Làm sao kết hợp được 3 yếu tố này. Trong tổng kết của Đảng ta đã nêu rất rõ: Nhân dân làm lên lịch sử. Sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân và doanh nghiệp. Sức mạnh từ đây thì phải tìm cơ chế để khai thác. Còn nguồn lực nhà nước chỉ mang tính dẫn dắt”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tập trung thảo luận, đánh giá đúng những kết quả đã đạt được trong chuyển đổi số quốc gia nói chung, đặc biệt về triển khai dịch vụ công trực tuyến, những lợi ích mang lại cho người dân và doanh nghiệp

Cùng với đó, phải nhìn thẳng vào sự thật trong tư duy, nhận thức, trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành còn gì chưa thông thoáng, thể chế có vấn đề gì cần tháo gỡ… để từ đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới để thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến… 

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến tính từ năm 2011 đến nay.

Giai đoạn 1 là giai đoạn khởi động khi số lượng dịch vụ công trực tuyến mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước. Giai đoạn 2 là giai đoạn phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số lượng dịch vụ công trực tuyến.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ ngành, địa phương. Một số địa phương đạt tỷ lệ rất cao lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ lệ rất thấp dưới 5%, trung bình khối địa phương mới chỉ đạt 17,9%.

Để bước vào giai đoạn 3 - Phát triển theo chiều sâu, cần tập trung vào phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%.

Thành phố Đà Nẵng là địa phương có nhiều kết quả nổi bật trong chuyển đổi số.

Việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình sẽ đưa mọi hoạt động của công chức, viên chức phục vụ người dân và doanh nghiệp lên môi trường mạng. Khi đó, các cơ quan nhà nước có đầy đủ dữ liệu số để chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Hoàn thành phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn.

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mục tiêu đến năm hết năm 2024, đối với các bộ, ngành tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 70%; đối với các địa phương: đạt tối thiểu 30%.

Đến hết năm 2025, đối với các bộ, ngành thì tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85%. Đối với các địa phương đạt tối thiểu 70%.

Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Khung này sẽ hướng dẫn để các cơ quan nhà nước tối ưu hóa các bước, quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua rà soát, hoàn thiện thể chế; Phát triển các công cụ, nền tảng, ứng dụng số cung cấp dịch vụ công trực tuyến dựa trên hạ tầng số, dữ liệu số, có thể đo lường, giám sát trực tuyến và đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng;

Ngoài ra phát triển nhân lực số; các yêu cầu, tiêu chuẩn cần đáp ứng trong triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

Chỉ thị của Thủ tướng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư