Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thủ tướng phát động kêu gọi toàn dân thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam nhân Ngày thấy thuốc Việt Nam
Phương Anh - 27/02/2019 14:15
 
Sáng nay ngày 27/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát động kêu gọi toàn dân thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam tại Bộ Y tế.
.
Sự kiện được kết nối trực tuyến với điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố và hơn 700 điểm cầu quận, huyện, thị xã trên cả nước.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây cũng là dịp để chúng ta tiếp tục tôn vinh, tri ân những người được giao trọng trách chăm sóc bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Nhân dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Thủ tướng gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động ngành y tế lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất.

Thủ tướng nhấn mạnh, sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người dân cũng như của toàn xã hội. Bác Hồ kính yêu đã nói: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe. Dân cường thì nước thịnh”. Muốn giữ gìn, nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc thì phải đồng thời thực hiện tốt cả 3 yêu cầu cốt lõi là: Vệ sinh phòng bệnh, ăn uống điều độ, bảo đảm dinh dưỡng và rèn luyện thể lực thường xuyên. Việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe phải là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình, cả hệ thống chính trị.


Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều tổ chức quốc tế khác, các chỉ số về chăm sóc sức khỏe của Việt Nam như tuổi thọ, tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh, kiểm soát bệnh tật, hiệu quả khám chữa bệnh cao hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế. Một số chỉ số đạt mức các nước phát triển có thu nhập khá.


Thủ tướng cho rằng, sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân không ngừng tiến bộ, đạt nhiều kết quả nhưng vẫn còn không ít bất cập và phải đối mặt nhiều khó khăn thách thức mới. Mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự già hóa dân số và biến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đó là ô nhiễm môi trường sống, các yếu tố về hành vi lối sống đã làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tàn phế và tử vong sớm do bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh hô hấp mãn tính, những căn bệnh này đang chiếm tới hơn 70% số tử vong hằng năm.

Trong khi đó, việc phòng chống các yếu tố gây bệnh, việc phát hiện sớm và quản lý, chăm sóc người bệnh ở tuyến y tế cơ sở vẫn chưa được chú trọng. Mặc dù người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nhưng trung bình có tới gần 10 năm phải sống với bệnh tật, vì thế làm giảm rất nhiều chất lượng cuộc sống. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam cũng chưa được cải thiện nhiều trong những năm qua. Chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 164 cm ở nam và 153 cm ở nữ, sau hơn 25 năm mới tăng được 3 cm.

Để thực hiện chương trình sức khỏe Việt Nam, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, trước hết là phải nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và toàn dân đối với công tác chăm sóc sức khỏe. Tuyên truyền các hành vi, lối sống có lợi cho sức khỏe nhằm tạo ra phong trào có sức lan tỏa sâu rộng, bền vững, trở thành thói quen, nếp sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.


Cùng với làm tốt công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, cần cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân, đặc biệt là tại tuyến cơ sở để mọi người dân được kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật, được tư vấn, hướng dẫn, chăm sóc, điều trị, quản lý liên tục tại nơi sinh sống, nhất là đối với những người mắc các bệnh mãn tính và người cao tuổi. Mọi người phải được chăm sóc, quản lý sức khỏe ngay từ khi trong bụng mẹ.


Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ có hại cho sức khỏe, trong đó chú trọng giảm tiêu thụ thuốc lá, đồ uống có cồn, nước ngọt có đường, thực phẩm chế biến sẵn và các sản phẩm có nguy cơ gây bệnh. Cải thiện và bảo vệ môi trường sống như đất, nước, không khí , rác thải, tiếng ồn, nhà vệ sinh, sóng điện tử… Phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đuối nước ở trẻ em…

[Infographic] 10 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu trong năm 2019
Dưới đây là 10 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu trong năm 2019, theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư