Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Thừa Thiên Huế thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt
Ngọc Tân - 21/04/2020 21:30
 
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có quyết định phê duyệt đề án thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, nhằm giảm dần tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thiên Định cho biết, mục tiêu cụ thể của đề án sẽ là nâng cao chất lượng và tối ưu hóa mạng lưới ATM và thiết bị chấp nhận thẻ, giảm dần tỷ trọng tiền mặt trên phương tiện thanh toán; nâng tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng tại trung tâm thành phố, thị trấn các huyện đạt ít nhất 70% vào cuối năm 2025 và tăng số lượng người dân được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Từ đó góp phần xây dựng “đô thị thông minh” theo đề án đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt trước đó.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng mới hiện nay.
Thanh toán không dùng tiền mặt đang là xu hướng mới hiện nay.

Để triển khai đề án, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu các sở, ban, ngành triển khai áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế; giao dịch thương mại điện tử; thu phí, lệ phí, thủ tục hành chính; thanh toán cước, phí cho các dịch vụ thường xuyên, định kỳ như: Điện, nước, điện thoại, Internet, truyền hình cáp; triển khai ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử mới; khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử và hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử trong quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Xây dựng các cơ chế, chính sách về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; quy định mức phí thanh toán chuyển khoản và mức phí nộp, rút tiền mặt tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài theo hướng tăng mức phí giao dịch tiền mặt và giảm phí thanh toán di động; giảm mức phí áp dụng cho các giao dịch thanh toán liên ngân hàng; quy định về cách thức tính phí, cơ cấu phân bổ phí của các tổ chức vận hành các hệ thống thanh toán, đảm bảo mức phí hợp lý, tạo lập thị trường cạnh tranh bình đẳng, tránh độc quyền. 

Phát triển các hệ thống và dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại điểm bán lẻ trên địa bàn tỉnh và trong khu vực dịch vụ hành chính công. Tăng tỷ lệ chi trả trợ cấp xã hội, lương hưu thông qua các phương tiện thanh toán điện tử. Đưa vào Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 9 Trung tâm Hành chính công cấp huyện và thí điểm tại một số bộ phận hiện đại một cửa cấp xã thu phí, lệ phí không sử dụng tiền mặt bằng 3 giải pháp sử dụng máy POS, giải pháp QR code, giải pháp iPay…

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại có chính sách về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thông tin thanh toán qua POS, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc và các phương thức thanh toán sử dụng công nghệ cao; tăng cường cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán điện tử quan trọng, các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung nguồn lực tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, phát triển mạnh các phương thức thanh toán điện tử. Đồng thời, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thừa Thiên Huế tăng cường kiểm tra hoạt động thanh toán tại các ngân hàng thương mại, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường kiểm soát giao dịch, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc đảm bảo an ninh an toàn hoạt động ngân hàng, phòng chống tội phạm ngân hàng, tạo niềm tin đối với người dân khi sử dụng phương thức thanh toán qua ngân hàng.

Thừa Thiên Huế: Buộc cách ly, giám sát tại nhà trường hợp từ địa phương khác đến
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ vừa chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư