Thứ Tư, Ngày 21 tháng 05 năm 2025,
Thúc đẩy báo cáo phát triển bền vững ngành ngân hàng nhờ AI
Thanh Thủy - 21/05/2025 15:48
 
Cùng với xu hướng tăng tốc công bố Báo cáo phát triển bền vững của ngành ngân hàng các năm gần đây, trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình báo cáo phát triển bền vững trong ngành tài chính - ngân hàng.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI” do Thời báo Ngân hàng phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức sáng 21/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà nêu ra một con số đáng chú ý, khi mới đây đã có thêm 6 ngân hàng thương mại chính thức công bố Báo cáo phát triển bền vững của mình.

Năm 2024 số lượng doanh nghiệp lập Báo cáo Phát triển bền vững riêng biệt tăng kỷ lục là 33 tổ chức. Hầu hết các tổ chức tín dụng đã báo cáo và tích hợp nội dung phát triển bền vững trong Báo cáo thường niên cho thấy sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của ngành Ngân hàng đối với các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Trong đó, có khoảng 13-15 ngân hàng thương mại đã công bố được Báo cáo phát triển bền vững độc lập của mình.

“Xu hướng công bố Báo cáo phát triển bền vững tăng mạnh trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025. Tuy đạt được những kết quả tích cực, việc thực hành và công bố Báo cáo Phát triển bền vững tại Việt Nam, đặc biệt là trong ngành Ngân hàng vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, còn nhiều thách thức trong quá trình triển khai phát triển bền vững và quản trị ESG như khung pháp lý, nguồn lực, năng lực phân tích dữ liệu và đặc biệt là cách thức thu thập, xử lý thông tin một cách hiệu quả và minh bạch”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng nhấn mạnh. Do đó, theo Phó thống đốc, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ số hiện đại được xem là giải pháp then chốt, giúp nâng cao hiệu quả quản trị dữ liệu, tăng cường năng lực phân tích, giám sát và hỗ trợ quá trình ra quyết định một cách kịp thời, minh bạch.

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà phát biểu khai mạc Tọa đàm

Theo ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN, một trong những khó khăn của các tổ chức tín dụng khi thực hành Báo cáo phát triển bền vững nằm ở chi phí đầu tư, thuê tư vấn xây dựng báo cáo còn cao, bên cạnh các nguyên nhân khác như thiếu khung pháp lý để xây dựng danh mục đầu tư xanh hay lực lượng cán bộ có trình độ cao, chuyên sâu còn hạn chế.

AI được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ then chốt hỗ trợ ngành ngân hàng nâng cao hiệu quả báo cáo ESG và quản trị rủi ro khí hậu. Thực tế, tại nhiều quốc gia, AI đã trở thành trợ thủ giám sát rủi ro khí hậu và KPI ESG thay cho các tổ chức tài chính toàn cầu cũng như khai thông vốn xanh cho SME thông qua tự động hoá đánh giá báo cáo ESG. Chia sẻ tại Toạ đàm, TS. Lê Hùng Cường - Phó Tổng Giám đốc FPT Digital, Tập đoàn FPT cho biết Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) hiện sử dụng AI để chấm điểm báo cáo ESG của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Điều này không chỉ giúp thời gian xét duyệt khoản vay giảm đáng kể và tăng khả năng tiếp cận vốn xanh cho các SME, bản thân các ngân hàng cũng có thể tuân thủ các yêu cầu về báo cáo ESG một cách hiệu quả hơn. Hay như Dự án Gaia do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha và Ngân hàng Trung ương Đức hợp tác triển khai nhằm ứng dụng AI phát triển công cụ giám sát rủi ro khí hậu và KPI ESG cho các tổ chức tài chính. Hơn 2.300 tài liệu, bao gồm báo cáo tài chính, báo cáo ESG và các tài liệu công khai khác đã được xử lý với độ chính xác đạt 98% trong việc xác định các tài liệu không chứa thông tin rủi ro khí hậu và 80% trong việc phân loại rủi ro khí hậu từ các tài liệu có liên quan.

Với kinh nghiệm điều hành nhóm chuyên gia nghiên cứu toàn cầu tại ACCA, ông Mike Suffield – Giám đốc Chính sách và Nghiên cứu Chuyên sâu, ACCA toàn cầu đánh giá AI và phát triển bền vững không còn là hai chủ đề tách rời, mà đang dần hợp nhất thành trục chiến lược mới cho ngành kế toán, tài chính. Dù vậy, ông Mike Suffield cũng lưu ý AI có thể hỗ trợ việc công bố thông tin phát triển bền vững một cách hiệu quả, ý nghĩa và chặt chẽ hơn nhưng phải được sử dụng một cách có đạo đức, minh bạch và phù hợp với các khuôn khổ quốc tế.

Ông Mike Suffield trình bày tham luận tại Tọa đàm

Vị chuyên gia này cảnh báo có nhiều tổ chức chưa có sẵn luồng dữ liệu hoặc hạ tầng phù hợp để khai thác tối đa công nghệ này. Cùng đó là những thách thức như dữ liệu rời rạc, thiếu tiêu chuẩn hoặc không có sự phối hợp nội bộ sẽ làm giảm đáng kể hiệu quả triển khai AI cùng các rủi ro như thiên lệch dữ liệu, hạn chế trong tính minh bạch của thuật toán và hiện tượng “greenwashing” (tẩy xanh). Do vậy, đại diện từ ACCA cho rằng các tổ chức cần tiếp cận từng bước, từ cải thiện quản trị nội bộ đến xây dựng kết nối xuyên suốt giữa các bộ phận tài chính, dữ liệu và công nghệ.

“AI có thể hỗ trợ việc công bố thông tin phát triển bền vững một cách hiệu quả, ý nghĩa và chặt chẽ hơn, nhưng nó phải được sử dụng một cách có đạo đức, minh bạch và phù hợp với các khuôn khổ quốc tế”, ông Mike Suffield cho hay.

Đối với ngành ngân hàng, ứng dụng AI và dữ liệu lớn vào quy trình xây dựng Báo cáo phát triển bền vững sẽ là nền tảng quan trọng để ngành tiệm cận các chuẩn mực phát triển bền vững quốc tế, đồng thời góp phần xây dựng một nền kinh tế hiện đại, minh bạch và thích ứng hiệu quả với kỷ nguyên số. Phát biểu tại Toạ đàm, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng Lê Thị Thúy Sen nhấn mạnh ngành Ngân hàng được xác định là một trong những lực lượng đi đầu trong việc thúc đẩy tài chính bền vững, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, nhất là trong bối cảnh nhiều chủ trương lớn đã được ban hành, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng với Nghị quyết số 66-NQ/TW về phát triển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc tích hợp các tiêu chí ESG vào chiến lược kinh doanh không chỉ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của từng tổ chức tín dụng, mà sẽ còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho nền kinh tế.

Trình Quốc hội luật hóa quyền thu giữ tài sản đảm bảo, Ngân hàng Nhà nước được “quyết” cho vay đặc biệt
Sáng nay (20/5), Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Chính sách được trông đợi nhất trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư