Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia
Hà Nguyễn - 05/10/2019 09:59
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen đã thống nhất sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đầu tư và thương mại song phương.
TIN LIÊN QUAN
.
.

Chiều 4/10, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã cùng Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia.

Phát biểu tại Hội nghị, cả hai Thủ tướng đều thống nhất sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đầu tư và thương mại song phương.

Thông tin từ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, quan hệ hợp tác đầu tư Việt Nam - Campuchia thời gian qua đã không ngừng phát triển, nhưng vẫn chưa xứng với tiềm năng và kỳ vọng của hai bên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thanh

Cụ thể, tính đến tháng 9/2019, Việt Nam đã có 178 dự án đang đầu tư sang Campuchia, với tổng vốn đăng ký là khoảng 2,8 tỷ USD. Campuchia hiện đứng thứ ba trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. 

Riêng 9 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư của Việt Nam vào Campuchia đạt khoảng 50,4 triệu USD, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Ở chiều ngược lại, tính đến nay, Campuchia có 21 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 63,7 triệu USD. Riêng 9 tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư của Campuchia vào Việt Nam đạt 3,2 triệu USD.

Về thương mại, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kim ngạch thương mại hai nước duy trì ở mức tăng cao liên tục trong những năm gần đây. Năm 2018 đạt 4,7 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ. Riêng 8 tháng đầu năm 2019, đạt 4 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018. 

“Với đà tăng trưởng như hiện này, nhiều khả năng kim ngạch thương mại song phương sẽ sớm đạt 5 tỷ USD vào cuối năm 2019 (mục tiêu đề ra là năm 2020), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động thương mại, đầu tư Việt Nam - Campuchia trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bên cạnh tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển lĩnh vực đã đạt được như nông lâm nghiệp, viễn thông, ngân hàng…, hai bên cần thúc đẩy hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực đem lại hiệu quả bền vững như sản xuất, chế biến các sản phẩm nông, lâm sản sạch, đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân hai nước và xuất khẩu, mở rộng ra một số lĩnh vực dịch vụ có chất lượng cao như du lịch, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác đem lại giá trị gia tăng cao hơn.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thanh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thanh

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước của hai bên cần tiếp tục triển khai thực hiện các hiệp định, thỏa thuận đã ký giữa hai bên nhằm tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm an toàn cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh và khai thông các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Việc triển khai “Khung thỏa thuận chung về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam và Campuchia đến năm 2030” cũng đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh. 

“Hai bên cần sớm ký kết Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia, đồng thời tăng cường hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh và đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã “nhiệt liệt kính mời” các nhà đầu tư Việt Nam sang đầu tư nhiều hơn nữa tại Campuchia trên lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, vận tải và logistic, giáo dục, xây dựng và vật liệu xây dựng… Đây là những lĩnh vực đầy tiềm năng tại Campuchia.

Theo Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen, Chính phủ Hoàng gia Campuchia gần đây đã đề ra một số biện pháp chủ chốt mới nhằm cắt giảm chi phí kinh doanh của nhà đầu tư, tổng cộng khoảng 400 triệu USD/năm, để góp phần làm tốt hơn nữa môi trường thương mại và đầu tư.

Trong số các biện pháp này, đáng chú ý có việc bãi bỏ nhiệm vụ của Tổng cục Kiểm tra (Camcontrol), chỉ duy trì cơ quan hải quan để kiểm tra hàng hóa tại dọc cửa khẩu quốc tế, đặc khu kinh tế và những địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập cảnh khác; bãi bỏ cơ quan quản lý vận tải đường thủy; bắt đầu giảm giá điện, nước đầu là 2 UScent/kWh; cắt giảm ngày nghỉ lễ và một số ngày kỷ niệm…

“Tôi xin đảm bảo với mọi nhà đầu tư về môi trường đầu tư đầy sức hấp dẫn, tiện ích, đặc biệt là hòa bình, an ninh và ổn định chính trị cũng như ổn định kinh tế vĩ mô, khuôn khổ luật pháp và cơ chế một cách hiệu quả, minh bạch, trách nhiệm cao và có thể dự báo được”, Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen nhấn mạnh.

Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “chúng ta có quyền ca ngợi thành quả hợp tác thương mại và đầu tư Việt Nam - Campuchia” và cho rằng, vẫn còn còn “tiềm năng vô cùng lớn” để nâng tầm hợp tác hai nước, đặc biệt là về thương mại.

“Năm 2019, kim ngạch thương mại song phương sẽ vượt con số 5 tỷ USD. Chúng tôi đã nhất trí sẽ đưa kim ngạch vượt con số 10 tỷ USD trong thời gian sớm nhất. Điều đó hoàn toàn có khả năng làm được”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Theo khẳng định của Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam và Campuchia sẽ tiếp tục thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia. 

Thủ tướng cũng cho biết, dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài - Bavet sẽ sớm được khởi công vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020.

Bên cạnh đó, Chính phủ, các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp nhà đầu tư, các hiệp hội có liên quan cùng nhân dân hai nước hãy cùng tạo dựng và củng cố lòng tin, hãy làm cho mối quan hệ trở nên thân thuộc, gắn bó như keo với sơn…

“Hãy cùng mang đến hạnh phúc và chia sẻ khát vọng thịnh vượng giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhắn gửi đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp hãy tuân thủ quy định của pháp luật Campuchia, thực hành các quy tắc và chuẩn mực đạo đức kinh doanh tiến bộ, phát huy niềm tự hào dân tộc và giữ gìn uy tín, bảo vệ hình ảnh của đất nước; không chỉ tìm kiếm lợi nhuận thuần túy mà còn phải có ý thức đóng góp cho cộng đồng xã hội, bảo vệ môi trường, cần xem quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia như môi với răng, môi hở thì răng lạnh. 

“Mỗi doanh nghiệp đầu tư sang Campuchia phải là một đại sứ trong mối quan hệ hợp tác láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện bền vững lâu dài”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư