Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - CHLB Đức
Thanh Huyền - 23/11/2015 20:17
 
Ngày mai (24/11), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Liên bang Đức từ ngày 24-26/11 theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Joachim Gauck.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cộng hòa Liên bang Đức từ tháng 9/1975, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện.

Từ nhiều năm nay, Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác.

Hai nước đã hợp tác tích cực trên các diễn đàn đa phương và quốc tế như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) và trong khuôn khổ hợp tác giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á-Liên minh châu Âu (ASEAN-EU).

Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng 10/2011, Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác. Từ đó đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức đang trên đà phát triển tích cực. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao, thành lập và triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương.

Đức là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm 19% xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 giữa hai nước đạt 7,9 tỷ USD, tăng nhẹ so với 7,7 tỷ USD vào năm 2013; 9 tháng năm 2015 đạt 6,66 tỷ USD.

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Đức là điện thoại và linh kiện máy tính, hàng dệt may, giày dép, cà phê, thủy sản… Việt Nam nhập từ Đức chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, phương tiện vận tải, ôtô, hóa chất, dược phẩm.

Về hợp tác đầu tư, tính đến tháng 9 năm 2015, Đức có 261 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,413 tỷ USD, đứng thứ 22/105 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.

Các dự án của Đức tập trung vào nhiều lĩnh vực như: công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất phân phối điện, khí nước; bán buôn, bán lẻ; nông, lâm nghiệp, thủy sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học công nghệ…

Về phía Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Đức với tổng vốn đầu tư đạt trên 92 triệu USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Đức trong các lĩnh vực gồm: tài chính-ngân hàng, dịch vụ ăn uống và lưu trú, kinh doanh bất động sản, tin học, kinh doanh thương mại…

Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, Đức là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp khoảng 2 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính…

Đức cũng là nước ủng hộ Liên minh châu Âu sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, có vai trò tích cực trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại hai nước.

Chuyến thăm Cộng hòa Liên bang Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức. Đây cũng là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tới nước Đức thống nhất (1990) và đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1975-2015).

Nguyên Phó Thủ tướng Đức gốc Việt: Hãy đầu tư cho thế hệ trẻ
() Ông Philipp Roesler, Giám đốc điều hành, Thành viên HĐQT Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho rằng, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam hiện nay là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư