Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Thực hành nghi lễ “Tống cựu nghinh Tân” tại Hoàng thành Thăng Long
Thanh Nga - 17/01/2020 22:25
 
Ngày 17/1, tại Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức buổi thực hành nghi lễ “Tống cựu nghinh Tân” - tiễn cái cũ đi để đón năm mới về với các nghi thức như Lễ ban sóc, phất thức; Lễ cúng ông Công ông Táo, thả cá chép hay Lễ thướng tiêu...

Nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” được tái hiện vài năm trở lại đây, nhằm bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. Nghi lễ bao gồm việc thực hiện lần lượt các tục lệ cổ, gồm có: Lễ ban sóc, phất thức; lễ cúng ông Công, ông Táo, thả cá chép và lễ dựng cây nêu. Đây là các nghi thức được nhiều đời vua tại Hoàng thành Thăng Long thực hiện mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Nghi lễ dựng cây nêu tại khu vực sân Đoan môn
Nghi lễ dựng cây nêu tại khu vực sân Đoan môn

Tại điện Kính Thiên, các đại biểu đã thực hiện nghi lễ dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế, tham dự lễ dựng cây nêu tại sân Đoan Môn, thả cá chép trên dòng sông cổ thuộc khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu.

Việc thực hành nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” mở ra một loạt hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân Canh Tý 2020, với chủ đề “Nét bút ngày Xuân”, tái hiện những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp có từ ngàn đời của dân tộc. Đó là không gian trình diễn nghệ thuật thư pháp, không gian xin và cho chữ; không gian trải nghiệm trò chơi dân gian… 

Nghi lễ thả cá chép trên dòng sông cổ
Nghi lễ thả cá chép trên dòng sông cổ

Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội còn tổ chức trưng bày hai chuyên đề: “Vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc trong lịch sử trị vì tại Hoàng thành Thăng Long” và “Rồng - vương triều, uy quyền” nhằm hệ thống những tư liệu lịch sử, diễn giải khái quát về các vị vua anh minh, những triều đại nối tiếp nhau tạo nên kinh thành Thăng Long kỳ vĩ, một trung tâm quyền lực tồn tại lâu dài trong lịch sử.

Chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật mừng Đảng, mừng Xuân Canh Tý 2020 với chủ đề “Nét bút ngày Xuân” sẽ kéo dài đến hết ngày 02/02 (tức mùng 9 tháng Giêng, năm Canh Tý).

“Tống cựu nghinh tân” vốn nghĩa là đưa cái cũ đi, đón cái mới đến, thường được chuẩn bị từ sau khi tiễn ông Táo về trời. Đó là lúc mọi người, mọi nhà thu dọn thật sạch sẽ từ trong nhà ra ngoài ngõ, sơn sửa nhà cửa, lau chùi bàn ghế, sửa soạn thức ăn; vứt bỏ mọi thứ xui xẻo, tống tiễn những khó khăn vất vả năm cũ và dành chỗ cho những may mắn tốt đẹp sắp đến trong năm mới.
Thưởng thức Tết Việt "Nét bút ngày Xuân" tại Hoàng thành Thăng Long
Từ ngày 17/1 (tức ngày 23 tháng chạp Kỷ Hợi), tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, chương trình "Tết Việt 2020" với chủ đề "Nét bút ngày Xuân"...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư