Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Thực hiện chính sách với người có công tại TP.HCM: Lộ nhiều sai sót
Hồng Sơn - 07/05/2015 08:47
 
Nhiều trường hợp hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tại TP.HCM đã bị cắt giảm trợ cấp bất hợp lý từ hơn 1 năm nay khi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố thực hiện chính sách mới.
TIN LIÊN QUAN

Bức xúc người có công bị cắt giảm trợ cấp

Trong đơn thư gửi Báo Đầu tư, ông Trịnh Xuân Thịnh, thương binh hạng 4/4 và là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, hiện là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin phường 6, quận Gò Vấp, TP.HCM cho biết, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đã thực hiện không đúng chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tại TP.HCM.

Ông Trịnh Xuân Thịnh (bên trái) và ông Nguyễn Hùng Cường phản ánh với phóng viên Báo Đầu tư
Ông Trịnh Xuân Thịnh (bên trái) và ông Nguyễn Hùng Cường phản ánh với phóng viên Báo Đầu tư

 

“Các quy định khá rõ ràng, vậy mà không hiểu sao họ lại ra các quyết định không đúng, gây ảnh hưởng đến tâm lý và quyền lợi của người có công”, ông Thịnh nói và cho biết, ông đã bị cắt giảm trợ cấp hàng tháng từ tháng 1/2014 và gần 1 năm nay, ông đã khiếu nại nhiều lần, đến nhiều nơi để hỏi nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 “Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 “Hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân”.

Theo đó, cùng với các địa phương khác trong cả nước, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đã có Văn bản số 13500 ngày 21/10/2013 thông báo điều chỉnh trợ cấp hàng tháng của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học theo các mức độ suy giảm khả năng lao động (4 mức độ: từ 21 đến 40%, từ 41 đến 60%, từ 61 đến 80% và từ 81% trở lên).

Trở lại với trường hợp của ông Trịnh Xuân Thịnh, theo những căn cứ mà ông còn lưu giữ được, ông được Hội đồng Giám định y khoa TP.HCM (tại Biên bản số 1275 ngày 15/6/2010) kết luận ông bị đái tháo đường type 2, tăng huyết áp giai đoạn 2 và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật là 61%. Sau đó, ngày 8/11/2011, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM đã cấp Giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cho ông, trong đó xác nhận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là 61%...

Với những căn cứ trên, chiếu theo quy định mới thì ông Thịnh ở nhóm có mức độ suy giảm khả năng lao động từ 61 đến 80% và số tiền trợ cấp sẽ được điều chỉnh tăng so với mức hiện hưởng là 1.840.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, tại Quyết định số 1829 ngày 25/12/2013 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, thì ông Thịnh chỉ có mức suy giảm khả năng lao động từ 41 đến 60% và số tiền trợ cấp là 1.549.000 đồng/tháng.

Theo ông Thịnh, tại phường 6, quận Gò Vấp có 21 trường hợp là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định mới. Theo đó, có những trường hợp được điều chỉnh tăng trợ cấp, có trường hợp giảm, nhưng đáng chú ý là, tất cả các trường hợp thương binh đồng thời là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đều bị điều chỉnh giảm xuống mức trợ cấp 1.549.000 đồng/người/tháng.

Có thể kể đến trường hợp của ông Nguyễn Hùng Cường, từng được giấy chứng nhận của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM xác định có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là 61%. Hay với ông Nguyễn Thế Mạnh và bà Nguyễn Thị Phù Dung, phần kết luận của giấy chứng nhận do Sở này cấp ghi rõ: không còn khả năng lao động. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp này đều bị đưa xuống mức suy giảm khả năng lao động từ 41 đến 60% và hẳn nhiên là bị cắt giảm trợ cấp hàng tháng so với trước.

Thừa nhận có sai sót

Làm việc với phóng viên Báo Đầu tư, trước những nội dung, tài liệu đưa ra, ông Trần Thanh Hoàng, Trưởng phòng Chính sách có công của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM thừa nhận có những sai sót trong việc giải quyết chế độ trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đồng thời là thương binh.

Cụ thể, với các trường hợp là thương binh mà Hội đồng Giám định y khoa Thành phố đã xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, ông Hoàng cho rằng, trước kia, theo quy định thì Hội đồng Giám định y khoa không cần xác định tỷ lệ suy giảm lao động, nhưng trong biên bản vẫn đưa tỷ lệ vào.

“Có thể là do khi lập hồ sơ, bên Sở hoặc Hội đồng giám định không xác định được là thương binh, nên đưa tỷ lệ vào biên bản, sơ sót là ở chỗ đó. Có thể do số lượng hồ sơ lớn, nên anh em của Sở đã có sơ sót không ghi rõ đối tượng là thương binh, chứ chưa chắc đã phải do Hội đồng”, ông Hoàng lý giải.

Cần phải nói thêm rằng, Hội đồng Giám định y khoa là cơ quan trực thuộc UBND TP.HCM và đại diện của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM là Phó chủ tịch phụ trách chính sách của hội đồng này. Hơn nữa, việc giới thiệu các đối tượng đi giám định, hoàn thiện hồ sơ, ra quyết định giải quyết chế độ, chi trả trợ cấp… đều là những phần việc do Sở phụ trách. Vì vậy, khó có thể chấp nhận lý giải rằng, việc biên bản của Hội đồng có ghi tỷ lệ hay không và ghi như thế nào thì Sở không hay biết.

Ngoài ra, nếu thấy kết luận của Hội đồng Giám định y khoa không đúng với quy định thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM có trách nhiệm trả lại biên bản và hướng dẫn các đối tượng đi giám định lại. Về việc này, ông Hoàng thừa nhận là có biết, nhưng lúc đó hồ sơ quá nhiều, nên các cán bộ của Sở cứ thế đưa vào để kịp giải quyết chế độ cho các đối tượng…

Giải thích về việc cứ là thương binh thì mặc định đưa vào diện có tỷ lệ suy giảm sức khỏe từ 41 đến 60%, ông Hoàng cho biết, đây là hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Bộ lập luận, là thương binh thì đã mất một số tỷ lệ phần trăm nhất định, do đó khám suy giảm khả năng lao động do chất độc hóa học thì có tỷ lệ riêng, nên hưởng 61% trở lên là không ổn, nên đưa vào mức 41-60%õ, nếu có yêu cầu thì đưa đi giám định lại.

Với các hồ sơ ghi là không còn khả năng lao động, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cũng thừa nhận, đây là một sai sót. “Đúng ra phải ghi là ‘không xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động’, ghi ‘không còn khả năng lao động’ là mơ hồ”, ông Hoàng nói và giải thích thêm, với những người bình thường khi đến tuổi hưu trí thì được coi là không còn khả năng lao động và tỷ lệ suy giảm khả năng lao động được xác định là từ  61% trở lên.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, sau khi nghiên cứu trường hợp của ông Trịnh Xuân Thịnh, Luật sư Ngô Nhùng (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương) cho rằng, việc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM ra quyết định chuyển hưởng trợ cấp hàng tháng theo hướng cắt giảm chế độ là không đúng, do đã áp dụng điểm c, khoản 6, Điều 42 Nghị định 31.

Trường hợp này trước đây đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM giới thiệu đến Hội đồng Giám định y khoa Thành phố giám định bệnh tật và đã có biên bản của Hội đồng xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là 61%, nên Sở phải vận dụng điểm b, khoản 6, Điều 42, Nghị định 31 mới đúng.

Nếu đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động dưới 81% và trong biên bản giám định y khoa đã xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động thì chuyển hưởng trợ cấp hàng tháng theo các mức quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 1 Điều này từ ngày 01 tháng 01 năm 2013”, LS. Nhùng nhắc lại quy định tại điểm b, khoản 6, Điều 42, Nghị định 31.

Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực: Người nghỉ hưu năm 2016, 2017 có bị thua thiệt?
Chỉ 7 tháng nữa, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 sẽ có hiệu lực. Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư