Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thực phẩm, đồ uống châu Âu sẽ vào Việt Nam
Thế Hoàng - 02/11/2016 08:34
 
Thị trường thực phẩm và đồ uống Việt Nam, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của 93 triệu dân đang thực sự là hấp lực lớn với các nhà cung ứng nước ngoài.

Một đoàn 41 doanh nghiệp châu Âu sẽ có mặt tại Hà Nội, TP.HCM với chuỗi hoạt động dày đặc, để tìm đường đưa thực phẩm, đồ uống vào thị trường Việt Nam.

Bà Viên Ngọc Bích, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho hay, đích thân ngài Cao ủy phụ trách Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Liên minh châu Âu (EU),  Phil Hogan dẫn đầu  đoàn thương mại cấp cao tới Đông Nam Á và Việt Nam là điểm dừng chân đầu tiên, nhằm tìm kiếm các cơ hội kinh doanh.

Nếu DN Việt Nam không nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, sản phẩm nhập khẩu sẽ có cơ hội thế chân. Ảnh: Đức Thanh
Nếu doanh nghiệp Việt Nam không nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, sản phẩm nhập khẩu sẽ có cơ hội thế chân. Ảnh: Đức Thanh

Nhận thấy Việt Nam đang có sức tiêu thụ lớn với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, 41 doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia khác nhau thuộc Liên minh châu Âu như: Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Đức, Hungary, Ireland, Italia, Hà Lan, Ba Lan, Vương quốc Anh... Đoàn doanh nghiệp sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm thực phẩm và đồ uống đa dạng, từ rau quả tươi cho tới thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm chế biến, sữa, các sản phẩm từ sữa, các loại rượu vang và rượu mạnh.

Trong bối cảnh người tiêu dùng Việt Nam lo ngại với các loại thực phẩm kém an toàn, thì nhiều doanh nghiệp nước ngoài coi đây là cơ hội đầu tư, kinh doanh đầy tiềm năng trong việc sản xuất, phân phối các loại thực phẩm sạch tại Việt Nam và đoàn doanh nghiệp châu Âu đến Việt Nam dịp này không ngoại lệ. Các doanh nghiệp EU mong muốn tìm kiếm được các cơ hội kinh doanh mới tại thị trường Việt Nam và ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam cũng sẽ sớm có nhiều cơ hội trải nghiệm thực phẩm và đồ uống châu Âu với chất lượng vượt trội, thơm ngon và an toàn. 

Theo Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam,  triển vọng tăng trưởng ngành đồ uống Việt Nam khá khả quan, dự kiến sẽ đạt 8,2% năm 2016, tạo ra một tương lai sáng cho ngành công nghiệp này trong tương lai. Hiện nay, 50% thị phần đồ uống Việt Nam đang rơi vào tay các doanh nghiệp ngoại và các nhà cung ứng châu Âu cũng muốn gia tăng thêm sự hiện diện của hàng hóa mình sản xuất, thông qua hệ thống bán lẻ nội địa. Sức hấp dẫn của thị trường đồ uống Việt Nam đang khiến các nhà đầu tư nước ngoài chen nhau “so găng” trên thị trường và lấn át các doanh nghiệp nội. Hàng năm, Việt Nam vẫn phải chi gần 1 tỷ USD để nhập khẩu sữa, các sản phẩm từ sữa và cũng nhập khẩu một lượng lớn thịt từ EU.

Đến nay, đã có khoảng 100 nhà xuất khẩu thuộc các nước EU đã được cấp phép xuất khẩu thịt vào Việt Nam, trong đó 40% đến từ Ba Lan. Sản lượng thịt lợn, bò và các loại thực phẩm thịt có xuất xứ châu Âu đến Việt Nam đã tăng hơn 7 lần từ năm 2012 đến năm 2015. Như vậy, nếu các doanh nghiệp Việt Nam không nhanh chóng đầu tư chiếm lĩnh thị trường, thì các sản phẩm nhập khẩu sẽ có nhiều cơ hội thế chân.

Với ưu điểm sản xuất quy mô lớn, công nghệ hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ nước sở tại, thực phẩm, đồ uống châu Âu dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam. Đặc biệt, với Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – EU (EVFTA) đã ký kết vào cuối năm 2015, dự kiến có hiệu lực vào năm 2018, khi đó, Việt Nam sẽ gỡ  bỏ hầu hết các loại thuế cho hàng hóa của EU vào Việt Nam trong đó có thực phẩm, đồ uống và phi thực phẩm. Cụ thể, sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế xuất của các sản phẩm thịt về 0%, thịt từ châu Âu sẽ có giá rất cạnh tranh với các sản phẩm thịt cùng loại trên thị trường.

Các nhà sản xuất, cung ứng thịt châu Âu cũng rất nhanh nhạy chuẩn bị đưa sản phẩm đến thị trường Việt Nam. Bà Justyna Niemczuk, chuyên gia thị trường thịt châu Âu cho biết, trước khi xuất khẩu sang Việt Nam, thịt heo, bò của Ba Lan phải trải qua một quy trình kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, thú y và vệ sinh, nhằm bảo đảm được chất lượng thịt cao.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, ông Nguyễn Vũ Lộc, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (TP. Cần Thơ) cho rằng, trong khi Việt Nam đang tràn ngập thực phẩm chất lượng kém, thì nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài đã và đang chớp cơ hội này đưa thực phẩm của họ vào Việt Nam.

Nhà đầu tư châu Âu tin tưởng đổ vốn vào Việt Nam
Theo kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh quý III/2016 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa thực hiện đối với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư