Chủ Nhật, Ngày 06 tháng 07 năm 2025,
Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số nửa đầu năm 2025 đạt 135,6 triệu USD
Duy Bắc - 06/07/2025 10:07
 
Kinh doanh thuận lợi nửa đầu năm 2025, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã FMC – sàn HoSE) vẫn đối diện với nhiều biến cố khó lường nửa cuối năm liên quan tới thuế.

Ước tính trong nửa đầu năm 2025, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số đạt 135,6 triệu USD, tăng 43% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 11.452 tấn, tăng 37% so với cùng kỳ và sản lượng nông sản thành phẩm đạt 481 tấn, giảm 23% so với nửa đầu năm 2024.

Thực phẩm Sao Ta cho biết thêm, Công ty đang thu hoạch tôm ở các vùng nuôi.

Được biết, đối với ngành xuất khẩu tôm, bên cạnh mối lo ngại mức thuế đối ứng mà hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, ngành đang còn chịu áp lực hai vụ kiện chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD).

Đối với thuế chống bán phá giá (AD) theo kỳ xem xét hành chánh thứ 19 (POR19), dự kiến tháng 8 tới, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sẽ cử người qua thẩm tra hồ sơ các doanh nghiệp là bị đơn bắt buộc. Qua đó doanh nghiệp bị đơn bắt buộc có cơ hội giải trình tường tận hơn để hy vọng ở phán quyết thuế cuối cùng cho POR19 diễn ra trong tháng 12 tới sẽ có mức thuế thấp nhất.

Tương tự, cũng trong tháng 12/2025, đối với vụ kiện thuế chống trợ cấp (CVD), Thực phẩm Sao ta sẽ là một trong hai bị đơn bắt buộc trong vụ kiện.

Theo tìm hiểu, trong những năm gần đây, khi Ecuador đẩy mạnh thực hiện nuôi tôm quy mô lớn với mật độ thấp và ít sử dụng kháng sinh, vì vậy giá thành của tôm thấp, kích thước đồng đều, vỏ sáng, thịt chắc đã giúp tôm của Ecuador liên tục mở rộng thị trường xuất khẩu tại thị trường trọng điểm Mỹ và Trung Quốc với lợi thế giá vốn thấp.

Thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong nhiều năm qua, tại các Đại hội đồng cổ đông hàng năm cùng nêu quan điểm áp lực cạnh tranh của tôm giá rẻ Ecuador nên phải dịch chuyển thị trường, tham gia các thị trường mà Ecuador không quá tập trung, đồng thời hướng tới chế biến sâu để tăng lợi thế cạnh tranh, tập trung dịch chuyển sang thị trường châu Á.

Đơn cử, tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (mã MPC), nếu như năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Canada lên tới 308,74 triệu USD, chiếm 47,96% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, tới năm 2024, tổng giá thị xuất khẩu hai thị trường này chỉ còn 150,56 triệu USD, giảm 51,2% so với năm 2019 và chỉ còn chiếm 26,7% tổng giá trị xuất khẩu. Trong đó, Công ty đang tập trung mở rộng tại các thị trường Úc, Newzeland, châu Âu, Nga, Hàn Quốc…

Tương tự như vậy, tại Thực phẩm Sao Ta, trong những năm qua đã dịch chuyển từ thị trường truyền thống Mỹ sang Nhật Bản, đồng thời đẩy mạnh chế biến sâu trước áp lực tôm giá rẻ tại Ecuador.

Hiện tại, Thực phẩm Sao Ta cho biết thị trường Mỹ đang chiếm 33% tổng giá trị xuất khẩu, Nhật Bản chiếm 28%, thị trường Anh chiếm 17%, thị trường châu Âu chiếm 4% và các thị trường khác. Trong đó, theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thực phẩm Sao Ta chia sẻ kịch bản có thể chuyển hướng xuất khẩu nếu gặp khó khăn tại thị trường Mỹ với cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025: “Nếu không thể tiếp tục xuất sang Mỹ, chúng tôi sẽ tăng cường thâm nhập các thị trường khác – như Canada, Úc, Hàn Quốc – và đặc biệt là Nhật Bản, nơi Thực phẩm Sao ta có thế mạnh sẵn có. Trong đó, Trung Quốc cũng là một thị trường rất tiềm năng mà chúng tôi đang theo dõi để sẵn sàng bước vào khi đủ điều kiện”.

Về diễn biến cổ phiếu, gần đây cổ phiếu FMC có xu hướng phục hồi sau nhịp bán mạnh đầu tháng 4, tính từ ngày 22/4 đến ngày 4/7, cổ phiếu FMC đã tăng 21,2%, từ 31.550 đồng, lên 38.250 đồng/cổ phiếu.

Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số tăng 48,5% trong tháng 9/2024, lên 30,16 triệu USD
Mở rộng doanh số trong nửa đầu năm 2024, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC - sàn HoSE) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng doanh số trong tháng 7, 8 và tháng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư