Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Thuế giá trị gia tăng sẽ thay đổi thế nào?
Nguyễn Lê - 23/04/2024 14:27
 
Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sưả đổi) vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này.
.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Thu gọn đối tượng không chịu thuế, bổ sung quy định cụ thể 3 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế suất 0%, không áp dụng thuế suất 5% đối với các loại nước uống đóng chai, đóng bình và các loại nước giải khát khác… là những vấn đề đáng chú ý tại Dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Dự án luật này đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chiều 23/4.

Theo tờ trình dự án luật, Dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi (Dự thảo) gồm 4 chương, 16 điều, sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 10 Điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) hiện hành.

Về đối tượng không chịu thuế, một số sửa đổi đáng chú ý như sửa đổi quy định “hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống” thành “hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm dưới mức do Chính phủ quy định” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Việc này được cho là để đảm bảo linh hoạt, chủ động điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Chính phủ cũng đề xuất chuyển một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sang đối tượng chịu thuế GTGT để phù hợp thông lệ quốc tế và tránh hiệu ứng tăng giá thành, giảm phức tạp cho các doanh nghiệp khi vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ chịu thuế, vừa cung cấp hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế (phải kê khai, phân bổ thuế GTGT đầu vào sử dụng chung cho cả hoạt động chịu thuế và không chịu thuế). Ví dụ: phân bón; tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; dịch vụ bưu chính, viễn thông công ích và In-ter-net phổ cập;...

Dự thảo còn bổ sung một số nhóm hàng hóa, dịch vụ vào đối tượng không chịu thuế GTGT để luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại văn bản dưới Luật.

Như, tài sản của tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán ra; hàng dự trữ quốc gia do cơ quan dự trữ quốc gia bán ra; các khoản thu phí, lệ phí theo pháp luật về phí và lệ phí; vận chuyển hành khách công cộng bằng tàu điện, phương tiện thủy nội địa…

Tóm lại, dự thảo Luật vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT trong 26 nhóm này (bỏ 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ (Luật thủy sản đã thay tên gọi mới là tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển); lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ In-ter-net phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng).

Với giá tính thuế, một trong những nội dung đáng chú ý là bổ sung quy định việc xác định giá đất được trừ khi xác định giá tính thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, giá tính thuế đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh đặc thù (hoạt động sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; vận tải, bốc xếp; dịch vụ du lịch theo hình thức lữ hành; dịch vụ cầm đồ; sách chịu thuế GTGT bán theo đúng giá phát hành (giá bìa);...) theo quy định của Chính phủ để đảm bảo cơ sở pháp lý về thẩm quyền giao Chính phủ và luật hóa quy định đã thực hiện ổn định, phù hợp với tình hình hiện nay.

Quy định về đối tượng áp dụng thuế suất 0% cũng được bổ sung khá nhiều, trong đó có quy định cụ thể 3 nhóm hàng hóa không được áp dụng thuế suất 0% để luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật. Cụ thể là thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; xăng, dầu mua tại nội địa bán cho cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan; xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan.

Dự thảo cũng bổ sung quy định không được áp dụng thuế suất 0% đối với sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên các nền tảng số theo quy định của Chính phủ để đảm bảo tính linh hoạt cho việc xác định sản phẩm, dịch vụ này được tiêu dùng tại Việt Nam hay ở nước ngoài tại thời điểm cung cấp.

Đáng chú ý, Dự thảo đã thu hẹp các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5% từ 15 nhóm hàng hóa, dịch vụ xuống còn 12 nhóm hàng hóa, dịch vụ đồng thời bỏ 2 loại hàng hóa. Cụ thể bỏ 3 nhóm hàng hóa, dịch vụ (thực phẩm tươi sống, lâm sản chưa qua chế biến; đường, phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn; hoạt động văn hóa, hoạt động triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành và chiếu phim) và 2 loại hàng hóa (nhựa thông sơ chế; các loại thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho giảng dạy, nghiên cứu, thí nghiệm khoa học).

Theo nghị trình, Dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5 tới. 

Đề xuất quy định mới về giá tính thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản
Bộ Tài chính đề xuất, đối với giá tính thuế giá trị gia tăng (GTGT), bổ sung quy định giá tính thuế đối với các hoạt động sản xuất, kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư