Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thuế thu nhập cá nhân lạc hậu; thu thuế VAT phức tạp, tốn kém
Nguyễn Lê - 02/11/2023 10:26
 
Thuế VAT thu rồi khấu trừ; thu rồi lại phải hoàn, chi phí cho thu, rồi lại chi phí cho hoàn, kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu.
.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) tham gia thảo luận. 

Nhiều chính sách thuế biểu hiện sự lạc hậu, bất cập, nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách Trần Văn Lâm.

Sáng 2/11, tiếp tục Kỳ họp thứ sáu (khóa XV), Quốc hội thảo luận tại hội trường về ngân sách, đầu tư công.

Nhận xét điều hành chính sách tài khoá thời gian qua vừa góp phần quan trọng đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, song đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cũng cho rằng, nhiều chính sách thu biểu hiện sự lạc hậu, bất cập, nhưng chậm được xem xét, điều chỉnh.

Ví dụ, thuế thu nhập cá nhân hiện hành, với các qui định về khởi điểm thu nhập chịu thuế; phân chia bậc lũy tiến; mức chiết trừ gia cảnh..., không được cập nhật theo biến động của mức lương tối thiểu, giá cả, lạm phát... có nội dung đã lạc hậu cả chục năm. Đây là bất cập lớn, ông Lâm nhấn mạnh.

Thuế giá trị gia tăng (VAT), theo đại biểu, được coi là sắc thuế tiên tiến, hiện đại, song cũng có không ít vấn đề. Mặc dù số thu lớn, nhưng số hoàn cũng lớn: Năm 2022 thu 390.000 tỷ đồng, hoàn 150.000 tỷ đồng (38%); năm 2023 ước thu 365.000, hoàn 160.000 (44%); năm 2024 dự toán thu 390.000, hoàn 171.000 (43%).

Điều đáng nói là quy trình tiến hành thu phức tạp, tốn kém, diễn ra ở rất nhiều khâu trung gian; thu rồi khấu trừ; thu rồi lại phải hoàn; chi phí cho thu, rồi lại chi phí cho hoàn, kết cục ngân sách chẳng được bao nhiêu. Quá trình này còn làm tăng nguy cơ, rủi ro sai phạm, gian lận, thất thu ngân sách. Đây là vấn đề cần xem xét, giải quyết căn cơ - ông Lâm phát biểu.

Một hạn chế khác, theo ông Lâm là vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương (NSTW). Vai trò này là yêu cầu của Luật Ngân sách, nhưng thực tế thời gian qua liên tục suy giảm, thể hiện qua tỷ lệ số thu mà NSTW được hưởng, đến nay chưa có giải pháp khắc phục. Hiện tại, nhiều khoản chi thuộc trách nhiệm của NSTW phải trông chờ vào sự đóng góp của ngân sách các địa phương, ông Lâm nhận xét.

Liên quan đến bội chi, đại biểu Lâm dẫn báo cáo của Chính phủ, bội chi ngân sách tính trên GDP luôn được duy trì trong giới hạn an toàn, thực tế bội chi thực hiện luôn thấp hơn dự toán.

Kết quả này, theo đại biểu có yếu tố tích cực về tăng hệ số an toàn nợ quốc gia. Song ở khía cạnh khác, khi vốn đầu tư không thể giải ngân nên không thực hiện vay, nhất là nguồn ODA, làm giảm bội chi. Đây lại là yếu tố không tích cực, vì không hoàn thành kế hoạch đầu tư, sẽ ảnh hưởng tới tiềm năng tăng trưởng cả ở hiện tại và giai đoạn sau.

“Đề nghị Chính phủ lưu ý vấn đề này để quyết liệt điều hành, thực hiện các kế hoạch kinh tế, tài chính đảm bảo hiệu quả thời gian tới”, ông Lâm nói.

Nhận xét về về sử dụng các công cụ tài khoá vĩ mô, ông Lâm cho rằng các chính sách đề ra để ứng phó bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, khi thế giới và trong nước xáo trộn nhiều bề, nay dịch bệnh đã qua, tình hình trở lại quỹ đạo bình thường, thì cũng cần phải thay đổi phù hợp.

“Cơ thể khi có bệnh, cần dùng thuốc, nhưng thuốc bổ mà dùng nhiều quá có khi còn sinh bệnh khác, chứ nói chi thuốc bệnh, dùng phải có liều”, đại biểu so sánh.

Đại biểu lấy ví dụ, việc giảm thuế môi trường với xăng dầu, với nhiên liệu bay là cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh gay gắt, nhưng việc kéo dài chính sách này đến nay, và còn có ý kiến đề nghị tiếp tục kéo dài hơn nữa, liệu có hợp lý.

“Việc bất đắc dĩ, dùng công cụ môi trường để ổn định kinh tế khi dịch bệnh phức tạp còn chấp nhận được. Nay tình thế mới, nếu tiếp tục kéo dài thì có phải là “đánh đổi môi trường cho mục tiêu tăng trưởng”? Trong khi chúng ta đang hô hào chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, thực hiện mục tiêu COP 26...”, ông Lâm băn khoăn.

Câu hỏi tiếp theo của đại biểu là việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước để hỗ trợ ngành sản xuất ô tô, nếu tiếp tục liệu có phù hợp? Vì đây vẫn là mặt hàng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt chưa khuyến khích tiêu dùng, nhất là trong điều kiện ùn tắc giao thông và ô nhiễm khí thải ngày càng trầm trọng hiện nay.

Bình luận bài viết này
  • Thơm Nguyễn 16:25 | 02-11-2023
    Thuế TNCN đã trở nên quá lạc hậu và đang dần mất đi ý nghĩa của nó là công cụ để đánh thuế đối với những cá nhân có thu nhập cao mà đang trở thành công cụ để tận thu. Thiết nghĩ, Quốc hội nên xem xét 3 yếu tố căn bản sau để có thể cải thiện chính sách: 1. Tăng mức giảm trừ cho người phụ thuộc. Mức giảm trừ cho người phụ thuộc phải bằng 80-100% mức giảm trừ bản thân. Để công bằng và áp dụng chính xác mức giảm trừ gia cảnh theo từng khu vực (thành thị hay nông thôn), có thể quy định mức giảm trừ gia cảnh bằng bao nhiêu lần mức lương tối thiểu vùng. Khi đó chỉ cần mức lương tối thiểu vùng thay đổi, thì mức giảm trừ gia cảnh cũng sẽ thay đổi theo, không phải sửa luật nhiều lần. 2. Thay đổi khoảng giá trị tính của biểu thuế lũy tiến từng phần. Ở các mức thuế suất thấp (5%, 10%, 15%) nên nới rộng khoảng giá trị như một công cụ khuyến khích đóng thuế hơn là tận thu thuế thu nhập cá nhân. 3. Cơ quan thuế nên tìm phương pháp để thu thuế của các đối tượng khác ngoài đối tượng cán bộ, công nhân viên do hiện tại còn rất nhiều giao dịch cá nhân không khai thuế/không quyết toán thuế.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư