Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thương mại điện tử sôi động khiến chống hàng giả khó khăn hơn
Vũ Anh - 10/11/2021 21:34
 
Trên môi trường thương mại điện tử, hàng giả xuất hiện "nhanh như chớp".

Hàng giả phức tạp

Tại tọa đàm “Hàng giả, hàng nhập lậu và gian lận thương mại: Thực trạng và giải pháp” mới đây, thông tin từ Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy nhiều điều đang lo.

Theo bà Đỗ Thị Minh Thủy, đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh, giãn cách xã hội ở một số địa phương và sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng nên số lượng vụ việc giảm. Tuy nhiên, tính phức tạp tăng hơn khi thị trường thương mại điện tử trở nên sôi động.

Bà Thủy dẫn chứng, khi thuốc điều trị Covid-19 vừa chính thức đưa ra thị trường thì có ngay hàng giả, cùng với đó là các mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang, găng tay y tế…, đặc biệt phức tạp ở Hà Nội và TP.HCM.

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều đối tượng làm giả, nhập lậu thuốc điều trị Covid-19, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM xuất hiện nhiều đối tượng làm giả, nhập lậu thuốc điều trị Covid-19, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Công ty cổ phần nhựa Tiền Phong là doanh nghiệp bị nhái sản phẩm trên thị trường. Đại diện công ty này cho biết, các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả hiện nay rất tinh vi, nắm bắt công nghệ cũng rất nhanh, khi doanh nghiệp thay đổi công nghệ họ dễ dàng sao chép chỉ trong một thời gian ngắn.

Theo đó, các hình thức vi phạm thường diễn ra theo phương thức sản xuất trực tiếp trong nội địa hoặc được đặt hàng từ bên kia biên giới chuyển về qua đường tiểu ngạch.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, 9 tháng năm 2021, các đơn vị trên cả nước đã phát hiện, xử lý 100.290, trong đó khởi tố 1.615 vụ việc với 2.148 đối tượng, thu ngân sách Nhà nước hơn 7.500 tỷ đồng…

Đại diện công ty này khẳng định, hàng giả trong nội địa chất lượng kém, dễ dàng phát hiện. Trong khi sản phẩm được đặt hàng sản xuất chuyển về dù chất lượng vẫn kém nhưng từ kiểu dáng, mẫu mã được sao chép tinh vi, gây khó cho công tác đấu tranh và phòng chống.

Trong khi đó, quy định hiện nay của luật và chế tài xử lý hàng giả còn chưa đủ mạnh, chưa đảm bảo tính răn đe. Khi vướng phải tình trạng đó, doanh nghiệp lại rất vướng trong xác định xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Minh chứng, đối tượng chỉ cần thêm 1 chữ nào đó trước chữ nhựa Tiền Phong hoặc phía sau thì lại không còn là hàng giả nữa, mà lại quy ra là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng để xác định được xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì rất nhiêu khê, nhiều thủ tục, doanh nghiệp muốn theo các vụ kiện thì rất tốn kém rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Cần khung sườn pháp lý

Giới chuyên môn cho rằng, để chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, việc đầu tiên nằm ở hoàn thiện pháp lý cho phù hợp với thực tiễn.

Theo đó, một trong những vấn đề quan trọng là các quy định về xuất xứ hàng hóa (Made in Vietnam). Trong thời gian qua giới làm luật vẫn còn lúng túng, chưa đưa ra được hướng dẫn chi tiết thế nào là hàng hóa Made in Vietnam, khiến một số vụ việc chưa xử lý được triệt để.

Hiện các phương thức bất hợp pháp của các đối tượng vi phạm như: nhập hàng về Việt Nam rồi gắn mác Việt Nam để xuất đi nước ngoài; hàng đặt sẵn ghi nhãn mác Việt Nam rồi xuất đi nước ngoài; một số doanh nghiệp khai thác, nhập khẩu nguyên liệu để gia công nhưng thực chất là sản phẩm hoàn chỉnh, sau đó xuất đi nước ngoài…

Để khắc phục hạn chế này, Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã làm việc với các cơ quan liên quan để sớm hoàn thiện các văn bản pháp lý nhằm tạo ra khung, sườn để các lực lượng chức năng bám vào đó thực hiện.

Ngược lại doanh nghiệp cũng phải tự chủ trong bảo vệ quyền lợi của mình. Doanh nghiệp cần biết tới các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích của mình: tự bảo vệ bằng các biện pháp công nghệ; khởi kiện dân sự những vụ việc qua đó yêu cầu bồi thường thiệt hại; phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, hải quan, thanh tra chuyên ngành…

Ngoài việc hoàn thiện chính sách, ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho rằng, các lực lượng chức năng cần “bắt tay” thực chất hơn với doanh nghiệp.

Theo ông, doanh nghiệp tự thay đổi công nghệ để đối tượng làm giả khó khăn hơn. Tuy nhiên các đối tượng làm giả cũng nắm bắt công nghệ rất nhanh. Luật và chế tài xử lý còn nhẹ, nên các đối tượng sản xuất hàng giả bám theo đó để lách luật.

“Hàng giả, hàng nhái”: Bài toán khó của thị trường thương mại điện tử
Thời gian gần đây, tình trạng hàng giả hàng nhái xuất hiện trên các trang thương mại điện tử (TMĐT) đã gây nên tâm lý hoang mang cho nhiều người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư