Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 22 tháng 06 năm 2024,
Thương mại điện tử trước mối đe dọa ngoài biên giới
Tú Ân - 09/06/2024 08:59
 
Hàng ngoại và nhà bán hàng ngoại đang áp đảo, chi phối các sàn thương mại điện tử Việt Nam.

Tăng trưởng chưa bền vững

Báo cáo mới nhất của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, quy mô thị trường thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ Việt Nam năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD, tăng 4 tỷ USD (tăng 25%) so với năm 2022.

Tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12/2023, theo Statista), với khoảng 61 triệu người dân tham gia mua sắm qua TMĐT, đưa giá trị mua sắm trung bình đạt 300 USD/người/năm.

Theo báo cáo Nền kinh tế số Đông Nam Á lần thứ 8 của Google, Công ty Temasek và Công ty Bain & Company, TMĐT ở Việt Nam tăng 11%/năm từ năm 2022 đến 2023 và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) kỳ vọng đạt 22%/năm đến năm 2025.

Còn theo báo cáo mới nhất của Metric, trong quý I/2024, doanh số bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) cán mốc 71.200 tỷ đồng, tăng 78,69% so với quý I/2023. Metric đã ghi nhận hơn 766 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra, gần 511.000 gian hàng phát sinh đơn đặt hàng (tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái).

90% thương hiệu có doanh thu đứng đầu trên các sàn hiện nay thuộc sở hữu của thương hiệu nổi tiếng đến từ nước ngoài, như Apple, Samsung, Ensure, Honda... Top 10 thương hiệu có doanh số cao nhất chiếm 7,27% tổng doanh số toàn thị trường, chủ yếu đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Hà Nội và TP.HCM vẫn là 2 địa phương có doanh số và sản lượng bán lớn nhất, chiếm trên 70% toàn thị trường. Doanh số TMĐT của Hà Nội tại 5 sàn TMĐT  nêu trên đạt hơn 20.000 tỷ đồng (tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái), của TP.HCM đạt trên 14.000 tỷ đồng (tăng 65% so với so với cùng kỳ năm trước). Hai địa phương này vẫn được xem là những thị trường phát triển mạnh trong thời gian tới.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhận định, dù tăng trưởng nhanh và liên tục, nhưng có thể nói, TMĐT của Việt Nam còn hạn chế, như doanh thu mới chiếm 8% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước, trong khi mức trung bình của thế giới là 90,4%. Hơn nữa, hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng trong TMĐT còn khá phổ biến, ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng. Đồng thời, TMĐT nói chung cũng bộc lộ một số yếu tố chưa bền vững.

Bên cạnh đó, TMĐT Việt Nam mới phát triển tập trung ở một số thành phố lớn.

Mối đe dọa tồn vong

Ở một góc độ nào đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ của TMĐT những tháng đầu năm 2024 cho thấy sự hồi phục tích cực của thị trường tiêu dùng, đồng thời khẳng định sự “lên ngôi” của kênh bán hàng TMĐT. Nhưng, cùng với đó là sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, đặc biệt là sự áp đảo của các mặt hàng tiêu dùng giá rẻ, vận chuyển nhanh từ nước ngoài.

Số liệu đáng chú ý nhất là, có tới 90% thương hiệu có doanh thu đứng đầu trên các sàn hiện nay thuộc sở hữu của thương hiệu nổi tiếng đến từ nước ngoài như Apple,

Samsung, Ensure, Honda... Top 10 thương hiệu có doanh số cao nhất chiếm 7,27% tổng doanh số toàn thị trường, chủ yếu đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong khi đó, những ngành hàng có doanh số cao trên sàn TMĐT đều vắng bóng thương hiệu Việt.

“Mua bán xuyên biên giới là xu hướng tất yếu của thị trường, đặc biệt là các gian hàng chính hãng từ Trung Quốc và Hàn Quốc ngày càng được quan tâm trên các sàn bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam. Đây là nguy cơ mà bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực TMĐT cũng nhận thấy. Hiện nay, người tiêu dùng có thể mua hàng từ các nhà bán Trung Quốc, với thời gian rất ngắn, nhiều khi còn nhanh hơn so với đặt hàng trong nước, với mức giá hợp lý và sản phẩm nhiều tính năng hơn”, ông Nguyễn Tất Hữu, Giám đốc chiến lược Metric cho biết.

Liên quan vấn đề này, bà Lý Thu Yến, Giám đốc nghiệp vụ BEST Cross-border chia sẻ, nhu cầu bán hàng xuyên biên giới của doanh nghiệp thông qua sàn TMĐT đang bùng nổ. “Phương thức mua bán hàng xuyên biên giới thông qua TMĐT tại Việt Nam còn mới mẻ, nhưng đây là xu hướng tất yếu của thị trường và sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới”, bà Yến chia sẻ.

Còn theo ông Tín Lê, CEO AdTek, thách thức từ bên ngoài đến từ việc xuất hiện nhiều nhà bán hàng từ Trung Quốc với giá rẻ và thời gian giao hàng nhanh chóng. Sự gia nhập của nhiều “tay chơi” mới khiến cuộc đua kinh doanh trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết, khi các đơn vị trong nước không chỉ phải cạnh tranh về chất lượng, giá cả, mà còn về tính đa dạng và sáng tạo của sản phẩm.

Trên thực tế, sự áp đảo của hàng hóa nước ngoài trên sàn TMĐT cho thấy xu hướng bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng đang lan rộng. Theo đó, thay vì sử dụng các nhà phân phối, doanh nghiệp sản xuất bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng trên các sàn. Điều này cho phép nhà sản xuất kiểm soát toàn diện quy trình hoạt động, đồng thời giảm thiểu chi phí trung gian, giúp tăng hiệu quả hoạt động.

Việc các nhà sản xuất mở rộng thị trường kinh doanh sang sàn TMĐT càng làm cạnh tranh khốc liệt hơn. Hiện tại, hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất trên hệ thống TMĐT vẫn là các mặt hàng sản xuất hàng loạt, giá rẻ, chi phí vận chuyển giá thấp. Trong khi đó, 4 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam hiện thuộc sở hữu nước ngoài hoặc cổ phần nước ngoài chi phối. Các sàn nước ngoài đang tích cực xây dựng kho bãi tại Việt Nam và tổ chức đào tạo bán hàng online… Do vậy, doanh nghiệp sản xuất, nhà bán hàng và phân phối Việt Nam sẽ rất chật vật trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Công thương: Khó quản lý livestream bán hàng trên thương mại điện tử
Bộ trưởng Bộ Công thương thừa nhận khó quản lý livestream bán hàng trên thương mại điện tử, việc quản lý này muốn hiệu quả phải có sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư