Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thương vụ Masan - Vingroup: Các "ông lớn" chia lại thị trường
Anh Hoa - 08/12/2019 08:50
 
Màn “song kiếm hợp bích” của Masan và Vingroup được dự báo sẽ khiến thị trường bán lẻ khuynh đảo và không ngoại trừ sẽ có một cuộc đại thương chiến nổ ra giữa các nhà phân phối.
.
VinCommerce, VinEco và Masan Consumer sẽ sáp nhập thành tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ, do Masan Group nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Cộng hưởng nguồn lực

Vingroup vừa thỏa thuận việc sáp nhập 2 công ty thành viên là VinCommerce và VinEco vào Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - thành viên của Tập đoàn Masan. Theo đó, VinCommerce, VinEco và Masan Consumer sẽ sáp nhập thành tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ, do Masan Group nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Nhiều đồn đoán được đưa ra, nhưng một cách chính thức, khi thương vụ được công bố, hai bên đều thừa nhận sẽ có nguồn lực để tập trung vào mảng kinh doanh chiến lược. Trong khi Masan có được mảnh ghép quan trọng để xây dựng đế chế hàng tiêu dùng, bán lẻ, thì Vingroup sẽ dồn toàn lực cho công nghiệp - công nghệ.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Vingroup khẳng định, tình hình kinh doanh của VinCommerce và VinEco đang phát triển tốt. Quý III/2019, doanh thu từ mảng bán lẻ đạt 7.870 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ, chiếm tới 25% tổng doanh thu của Tập đoàn.

Vingroup tham gia thị trường bán lẻ từ cuối năm 2014 với việc mua lại hệ thống Ocean Mart. 5 năm qua, Vincommerce đã kết hợp cả việc tự mở mới hệ thống và mua lại một loạt doanh nghiệp trong ngành như Maximark, Fivimart, Zakka, Queenland Mart, Shop & Go để trở thành nhà bán lẻ đứng đầu về quy mô. Trong khi đó, VinEco đã phát triển 14 nông trường công nghệ cao và xác lập được vị thế.

Theo ông Quang, nguyên nhân thực sự dẫn đến quyết định gây sốc này là Vingroup thay đổi chiến lược phát triển với định hướng tập trung vào mảng công nghệ, công nghiệp. “Chúng tôi đã khởi tạo hai doanh nghiệp quy mô lớn là VinFast và VinSmart với khát vọng toàn cầu, nên phải tối ưu hoá mọi nguồn lực nhằm đưa 2 tên tuổi đó thành các doanh nghiệp mạnh, có tầm vóc quốc tế”, ông Quang nói.

Đối với Masan, quyết định nhảy vào mảng phân phối, bán lẻ đã được công khai từ Đại hội đồng cổ đông cuối tháng 4/2019. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2022, Masan dự kiến mở 11.000 cửa hàng Masan Shop tới từng xã trên cả nước, phát triển 5.000 điểm bán các sản phẩm thịt MEATDeli. Trong năm 2019, Masan tự phát triển trên 25 cửa hàng MEATDeli, bao phủ 100% kênh bán lẻ hiện đại và 250 đại lý của chuỗi điểm bán thịt này.

Đây không phải lần đầu tiên “đế chế” hàng tiêu dùng này bước chân vào ngành bán lẻ. Năm 2001, Masan mở 25 cửa hàng Masan Mart, nhưng nhanh chóng đóng cửa toàn bộ hệ thống này 2 năm sau đó, do người tiêu dùng chưa có thói quen mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi và sự cạnh tranh mạnh mẽ của các cửa hàng tạp hóa.

Quay lại thị trường bán lẻ lần này, Masan đặt mục tiêu phát triển cả 3 kênh: truyền thống (cửa hàng tạp hóa), hiện đại (chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi...), thương mại điện tử.

Cuộc chiến giữa các kênh phân phối

Nhận chuyển nhượng và nắm quyền kiểm soát sau thương vụ này, Masan ngay lập tức có trong tay 2.600 siêu thị, cửa hàng VinMart, VinMart+ tại 50 tỉnh, thành phố với hàng triệu khách hàng; 14 nông trường công nghệ cao VinEco.

Theo giới phân tích, hai tên tuổi này liên thủ với nhau sẽ có nhiều lợi ích. Giá trị thương hiệu của cả Vingroup và Masan lập tức tăng cao, bất chấp kết quả kinh doanh hiện tại. Không những thế, cả hai tập đoàn đều đạt được thứ mình muốn: Vingroup sở hữu vốn trong ngành bán lẻ, nhưng không phải điều hành; Masan sở hữu kênh phân phối bán lẻ và có thể có thêm phần lợi ích trong ngành bất động sản, công nghệ của Vingroup.

Tuy nhiên, không loại trừ cục diện ngành phân phối, bán lẻ sẽ xảy ra một cuộc chiến khác. Trước mắt, các đối thủ của Masan sẽ không thể vào chuỗi Vinmart, Vinmart+.

“Nói Masan độc quyền cũng đúng. Từ cà phê, nước chấm, thịt, bia, mỳ tôm…, và biết đâu sẽ đến cả dầu ăn, gạo và toàn bộ ngành tiêu dùng khác mà Masan muốn. Khi đó, các đối thủ của Masan nếu muốn có cửa tồn tại, chỉ còn cách liên kết với các chuỗi phân phối đối thủ của Vinmart, Vinmart+ như Co.opmart, Lottemart, Emart hoặc Bách hóa Xanh”, một chuyên gia kinh tế phân tích.

Điều này hàm ý, sẽ có một cuộc đại thương chiến nổ ra giữa các bên sở hữu kênh phân phối, còn các nhà sản xuất cũng không tránh khỏi bị kéo vào cuộc chơi, thậm chí là nguy cơ phải bán hết cho nhà phân phối, bán lẻ, khi chiến lược làm nhãn hàng riêng đang được đẩy lên cao. Hiện tại là mùa bán hàng cuối năm, nên nhiều nhà cung cấp không tránh khỏi hoang mang, khách hàng cũng mơ hồ… Có thể thấy, cuộc chơi vẫn nằm trong tay Masan và Vingroup.

Tuy nhiên, ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan khẳng định, sẽ đảm bảo sân chơi bán lẻ công bằng cho các nhà sản xuất Việt.

Như vậy, sau cú chuyển giao lịch sử trị giá tỷ USD này, thị phần của nhà phân phối Việt ngày càng áp đảo nhờ tận dụng tối đa hệ thống phân phối. Vingroup đã bàn giao mảng bán lẻ cho một thương hiệu Việt xứng tầm và có tâm huyết muốn phát triển ngành phân phối, bán lẻ Việt Nam.

Điều đáng mừng nhất là, thay vì đua nhau phát triển chồng chéo và cạnh tranh xuống đáy, các ông lớn đã ngồi với nhau để chia lại thị trường, chống làn sóng thương mại điện tử đang bùng nổ ở Việt Nam với những tên tuổi như Amazon, Alibaba…

Ngành bán lẻ Việt Nam đạt quy mô trên 3,3 triệu tỷ đồng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ngành bán lẻ Việt Nam tăng trưởng liên tục trong gần 30 năm qua, ước đạt quy mô trên 3,3 triệu tỷ đồng trong năm 2018. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bán lẻ năm 2018 cao hơn mức tăng năm 2017, đạt 12,4%

Tuy nhiên, thị trường này còn phân mảnh với hơn 1,5 triệu tiệm tạp hóa nhỏ lẻ, chiếm 90% doanh số toàn ngành bán lẻ. Người tiêu dùng cũng phải chi trả thêm 20 - 25% cho các nhu cầu cơ bản, do sản phẩm đi qua tay nhà phân phối và các điểm bán lẻ.
Vingroup dồn tổng lực cho VinFast
Chịu lỗ cho mỗi chiếc xe bán ra, VinFast đang dồn tổng lực để tạo độ phủ trên thị trường.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư