Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Thủy điện miền Trung khát mưa
Thanh Hương - 21/12/2018 09:46
 
Tình hình cung cấp điện và chống hạn trong mùa khô 2019 tại khu vực Quảng Nam và Tây Nguyên trở nên căng thẳng khi nhiều hồ thủy điện trên địa bàn đang trong tình trạng không tích đủ nước.

Thiếu nước, thủy điện phải chào giá 5.700 đồng/kWh

Đúng thời điểm TP. Đà Nẵng và Quảng Nam đang ngập trong mưa lũ, nhưng mực nước trong hồ hồ thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My, Quảng Nam) chỉ vào khoảng 150 m, cao hơn mực nước chết 9,7 m do gần như không có mưa. Đây cũng là mức nước thấp nhất trong chuỗi thủy văn được theo dõi 45 năm qua tại khu vực này. 

.
Lượng nước tại các hồ thuỷ điện miền Trung đang ở mức rất thấp

Ông Nguyễn Văn Lân, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh cho hay, những tháng đầu năm 2018, tình hình vẫn ổn định và nước về năm 2017 tích được tốt. Tuy nhiên, đến chính vụ mưa lũ tình hình lại diễn biến rất cực đoan. Nước trong hồ hiện đang bị thiếu hụt 418 triệu m3. Bởi vậy, việc phát điện của nhà máy phải cầm chừng. 

“Trung bình hàng năm, lượng nước về hồ Sông Tranh 2 đạt 3,6 tỷ m3. Năm 2017, nước tốt nên tổng lượng nước về lên tới 5 tỷ m3, còn sang năm 2018, cho tới thời điểm này mới đạt 1,6 tỷ m3 nước”, ông Lân nói và cho biết, để giữ nước cho vùng hạ du trong mùa khô năm 2019 và không bị huy động phát điện bởi đang là thành viên của thị trường điện cạnh tranh, Nhà máy Thủy điện Sông Tranh 2 buộc phải chào giá bán ở mức cao nhất khi chạy bằng dầu DO, tức là lên tới mức 5.700 đồng/kWh. 

Tại Nhà máy Thủy điện A Vương (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), mực nước trong hồ thủy điện lớn nhất tỉnh Quảng Nam này (ngày 11/12) chỉ là 341,14 m, cao hơn chút ít so với mức nước chết (340 m). 

Ông Tô Xuân Thế, Phó tổng giám đốc Công ty Thủy điện A Vương cho hay, năm nay, đặc biệt nhất trong chuỗi thủy văn được theo dõi trong 42 năm qua. Tuy là mùa mưa lũ, nhưng lưu lượng nước về hồ chỉ khoảng 11,3 m3/giây, trong khi trung bình hàng năm dịp này là 80 - 100 m3/giây. 

Theo tính toán, lượng mưa từ đầu năm trên lưu vực đạt 1.478 mm, trong khi trung bình hàng năm là 2.400 - 2.600 mm. Như vậy, mức nước trong hồ đang thiếu so với mức nước dâng bình thường hơn 30 m. 

Cũng để không bị huy động phát điện, Nhà máy Thủy điện A Vương đã chào giá bán điện là 5.700 đồng/kWh như mức Thủy điện Sông Tranh 2 đề xuất. 

Phát điện là thứ yếu

Với thực tế tài nguyên nước ngày càng trở nên quan trọng, nhiều nhà máy thủy điện đã chuyển mục tiêu chính từ cấp điện sang cấp nước. 

Đơn cử Thủy điện Sông Tranh 2 có vùng hạ du là 3 huyện và TP. Hội An của Quảng Nam, với khoảng 7 vạn dân, đồng thời với việc tham gia đẩy mặn ở Hội An, việc giữ nước để cấp cho hạ du trong mùa khô năm 2019 đã buộc Nhà máy phải hy sinh phần phát điện.

Còn với trường hợp A Vương, ông Thế cũng cho biết, năm 2018, mưa ít, lưu lượng nước về hồ giảm thấp, dẫn tới nguy cơ xâm nhập mặn ở hạ du. Thực tế cũng đã xảy ra xâm nhập mặn rất cao ở Túy Loan và Câu Lâu, trong khi dung tích hữu ích nước trong hồ đã ở mức cạn kiệt. 

Trước tình hình cấp bách xảy ra do xâm nhập mặn, Công ty Thủy điện A Vương đã chủ động phối hợp cấp thêm nước cho hạ du bằng cách vận hành máy dưới mực nước chết trong những thời điểm quan trọng, góp phần giảm độ mặn tại hạ du, phần nào giúp giảm thiệt hại do thiên tai gây nên. “Tuy nhiên, việc vận hành máy trong điều kiện dưới mực nước chết cũng không thể kéo dài, bởi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tuổi thọ của hệ thống, khi toàn bộ thiết bị phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt”, ông Thế nhận xét. 

Tại Công ty Thủy điện Ialy, mặc dù không gặp phải thách thức đảm bảo nước tưới cho vùng hạ du bởi dòng Sê San chảy ngược lại Campuchia, nhưng việc khai thác nước hồ chứa hợp lý để đảo bảo lưu lượng xả về hạ du trong cuối mùa khô 2019 cũng là câu chuyện đang được đặt ra một cách nghiêm túc. 

Ông Đinh Viết Thiện, Phó giám đốc Công ty Thủy điện Ialy cho hay, khi hồ chứa Đăk Bla 2 (thượng nguồn hồ Ialy, nhánh sông Đăk Bla) tích nước, đề nghị sửa lại bảng 2, khoản 2, Điều 7 Quyết định 215/2018/QĐ - TTg về Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San, bao gồm các hồ: Thượng Kon Tum, Đăk Bla 1, PleiKrông, Ialy, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4 và Sê San 4A nhằm giảm dung tích phòng lũ cho hồ Ialy vì hồ Đăk Bla 2 đã có dung tích phòng lũ tương ứng 0,6 m nước của hồ Ialy.  

Ngoài ra, từ thực tế vận hành, Công ty cũng mong muốn hiệu chỉnh khoản 1, Điều 15 cho phép hồ Ialy tích nước cuối mùa lũ bắt đầu từ ngày 1/10 đến ngày 30/11 hàng năm, nếu không sẽ xuất hiện tình thế thời tiết có khả năng gây mưa lũ trên khu vực, để đảm bảo hồ chứa Ialy đủ nước phục vụ phát điện cho mùa khô năm sau.

Thủy điện Sông Bung 2 tích nước trở lại sau sự cố vỡ hầm dẫn dòng
Tỉnh Quảng Nam vừa có công văn cho phép chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Bung 2 tích nước hồ chứa trở lại sau 2 năm xảy ra sự cố vỡ hầm dẫn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư