Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tiệc muộn ở London
Tường Vi - 09/07/2019 21:20
 
Bữa tiệc trưa trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tại London (Anh quốc) sáng 4/7 đã chậm 1 tiếng. Khán phòng buổi chiều dành cho các cuộc tiếp xúc “one - one” cũng phải đóng cửa muộn do các bên đều muốn tìm được người đồng hành xứng đáng.
Nhiều tên tuổi lớn đã tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tại London (Anh quốc). Ảnh: Tường Vi
Nhiều tên tuổi lớn đã tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tại London (Anh quốc). Ảnh: Tường Vi

Hội trường Haberdashers’ Hall do Nữ hoàng Anh khai trương năm 2002 được Bộ Tài chính chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Việt Nam hôm 4/7/2019. Nhiều hàng ghế được kê thêm để đáp ứng nhu cầu đến dự và lắng nghe thông điệp từ Việt Nam của các nhà đầu tư Anh quốc và châu Âu. Câu chuyện từ Việt Nam mang đến sự hứng thú đặc biệt đến mức người Anh vốn nổi tiếng lịch thiệp và đúng giờ, nhưng sẵn sàng lùi 1 tiếng cho bữa tiệc trưa vì có quá nhiều nhà đầu tư muốn… đặt câu hỏi. Thị trường 100 triệu dân, với ngày càng nhiều người biết tiếng Anh cùng những chính sách cởi mở trong thu hút vốn quốc tế là những điểm hấp dẫn nổi bật từ Việt Nam.

Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Việt Nam.

Câu chuyện tháng 9

Thành viên Hội đồng Khu tài chính London, ông Alderman William Russell chia sẻ, ông mong chờ thời điểm được dẫn đoàn doanh nghiệp Anh quốc sang Việt Nam, bởi câu chuyện từ Việt Nam, với tăng trưởng kinh tế ổn định, dân số lớn và giao thương ngày càng cải thiện, đang trở thành tâm điểm thu hút nhiều nhà đầu tư Anh quốc. Thời điểm mà ông Alderman William Russell đề cập dự kiến là tháng 9 tới, khi Việt Nam và Anh tổ chức một cuộc thảo luận thương mại song phương tại Hạ Long (Quảng Ninh), nhằm kết nối mạnh hơn quan hệ hợp tác, đầu tư giữa 2 nước.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Ngài Đại sứ Anh tại Việt Nam chụp anh cùng các thành viên đoàn tại Sở GDCK London.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Ngài Đại sứ Anh tại Việt Nam chụp anh cùng các thành viên đoàn tại Sở Giao dịch Chứng khoán London.

Ông Gareth Ward, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Anh tại Việt Nam thậm chí còn mạnh mẽ “thúc giục” nhà đầu tư nước mình rằng: “Ai chưa đến Việt Nam thì nên đến, vì nơi đây vừa là nơi du lịch tuyệt vời và là một quốc gia năng động để hợp tác”. Ông cũng chia sẻ, Việt Nam có nhiều cảnh quan độc đáo và món ăn rất ngon, vì thế sẽ thật tiếc nếu chỉ ngắm đất nước này qua ảnh, mà thiếu đi những trải nghiệm thực tế.

Trên cương vị Đại sứ, ông kể rằng, ông đã đến thăm nhiều doanh nghiệp Việt Nam, trường học, bệnh viện, hiểu mong muốn của Việt Nam cùng sự cởi mở trong thu hút đầu tư của Chính phủ và đây là điểm các doanh nghiệp Anh quốc đáng quan tâm. Ông nhắc tới những doanh nghiệp, những con người mở lối dòng đầu tư từ Anh sang Việt Nam như HSBC, Standard Chartered, Prudential, Aviva, Dragon Capital… sau 20 năm  nhìn lại, hầu hết đều có kết quả tích cực.

Lãnh đạo HOSE và một số doanh nghiệp Việt - Anh đối thoại với nhà đầu tư tại sự kiện.
Lãnh đạo HOSE và một số doanh nghiệp Việt - Anh đối thoại với nhà đầu tư tại sự kiện.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trên xuất hiện tại Hội nghị với vai trò “một phần của Việt Nam”, kể câu chuyện về thành công và chia sẻ kinh nghiệm để những ứng viên tiếp theo mạnh dạn hơn trong việc chọn Việt Nam là điểm đến.

Với quy mô tài sản quản lý khoảng 3 tỷ USD, Dragon Capital đến Việt Nam từ năm 1995 và gắn bó gần 25 năm cùng những thăng trầm trên thị trường vốn. Ông Dominic Scriven chia sẻ, khi đã hiểu về Việt Nam, ông dành mọi nỗ lực tìm cách kết nối các dòng vốn quốc tế vào doanh nghiệp Việt, đồng thời đưa các cơ hội đầu tư tốt từ Việt Nam đến với nhà đầu tư quốc tế. Tại thị trường Anh - nơi ông sinh ra, Dragon Capital đưa lên sàn chứng khoán London Quỹ đầu tư VEIL vào năm 2016 và điều hạnh phúc là VEIL thu hút thêm được rất nhiều nhà đầu tư quốc tế rót vốn vào Quỹ.

“Nếu trước đây, VEIL chỉ có 20 nhà đầu tư tổ chức, thì sau khi niêm yết trên sàn London, chúng tôi thu hút được trên 80 nhà đầu tư tổ chức với lượng vốn đầu tư tăng dần”, ông Dominic nói và cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam hãy mạnh dạn bước chân ra thị trường quốc tế, chia sẻ câu chuyện về nhu cầu vốn và khát vọng tăng trưởng, đó là thị trường rộng lớn có thể mang đến cho doanh nghiệp Việt cơ hội “cùng lớn” khi các bên có niềm tin và sự hiểu biết rõ ràng hơn.

Đại diện lãnh đạo Sở GDCK London trao quà lưu niệm tặng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.
Đại diện lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán London trao quà lưu niệm tặng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.

Tại sao là Việt Nam?

Trong khi Anh là một trong 5 quốc gia có đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới, khoảng 300 tỷ USD, thì tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư trực tiếp từ Anh mới đạt gần 4 tỷ USD và đầu tư gián tiếp mới đạt chưa tới 1 tỷ USD. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, đây là những con số quá khiêm tốn so với tiềm lực đầu tư từ Anh và cơ hội từ Việt Nam, nhất là trên thị trường tài chính.

“Việt Nam còn nhiều doanh nghiệp nhà nước cần cổ phần hóa, doanh nghiệp đã cổ phần hóa cần bán vốn với mong muốn mời gọi các nhà đầu tư châu Âu nói chung, Anh quốc nói riêng tham gia tiến trình này”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Tiếp theo thông điệp của tư lệnh ngành tài chính, hàng loạt doanh nghiệp lớn Việt Nam đã lên tiếng “kể” câu chuyện của mình với nhà đầu tư châu Âu. Hội trường không còn một chỗ trống như “nóng” lên khi ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)  chia sẻ, Việt Nam sắp bước vào giai đoạn cổ phần hóa thứ hai với nhiều doanh nghiệp lớn cần bán vốn, cần tìm nhà đầu tư chiến lược. Riêng tại SCIC, danh mục cần tìm nhà đầu tư có trên 140 doanh nghiệp với quy mô giá trị thị trường chào bán khoảng 5 tỷ USD.

Đáp lại sự quan tâm của nhà đầu tư Anh quốc, Chủ  tịch SCIC nói rằng, từ sự quan tâm này, ông mong sẽ thực hiện được KPI (chỉ số hiệu quả) công việc bán vốn mà Bộ trưởng giao Tổng công ty thực hiện, đó là “chuyển sở hữu nhà nước thành sở hữu của nhiều nhà đầu tư”.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Nguyễn Xuân Hòa cho biết, ông nhận được đề nghị làm việc song phương của một số nhà đầu tư lớn tại Anh và hy vọng họ sẽ tìm thấy cơ hội khi PVN có nhiều thành viên, cần tiếp tục cơ cấu lại vốn.

Trên sàn chứng khoán Việt Nam, PVN có nhiều công ty thành viên niêm yết với vốn hóa khoảng 12 tỷ USD, chiếm khoảng 7% vốn hóa toàn thị trường. Năm 2018, Tập đoàn đã cổ phần hóa thành công 3 công ty lớn là PV Poiwer, PV Oil và Lọc hóa dầu Bình Sơn và theo ông Hòa, bước đi tiếp theo sẽ là những câu chuyện thú vị khi các doanh nghiệp muốn viết nên câu chuyện tăng trưởng bằng việc mở rộng sự hợp tác, mở rộng cơ hội kết nối vốn.

Điểm đặc biệt là người Anh rất quan tâm đến việc phát triển nguồn năng lượng sạch, khi từ lâu họ đã không sử dụng đến than, mà sử dụng nguồn nhiên liệu khác tạo ra năng lượng. Việt Nam cũng đang trong quá trình tìm cách dùng năng lượng khác, như nhiệt năng (năng lượng mặt trời) hay phong năng (năng lượng gió), nên ông Gareth Ward tin rằng, doanh nghiệp hai nước, sau cuộc xúc tiến này, sẽ sớm tìm được điểm phù hợp của nhau.

Những lĩnh vực đang là tâm điểm quan tâm của Việt Nam như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, dịch vụ chăm sóc sức khỏe (chuẩn bị cho tương lai già hóa của 100 triệu dân Việt Nam)… đều là thế mạnh của nền kinh tế Anh. Sự kết nối chặt chẽ hơn của 2 nền kinh tế, chỉ cần thêm chất xúc tác là có thể làm thay đổi mạnh mẽ con số gần 5 tỷ USD dòng đầu tư hiện tại. Thực tế câu chuyện của doanh nghiệp 2 nước hiện nay có thể mô tả một cách dân dã là “một bên có nhu cầu, một bên có điều kiện”, gặp nhau là dễ “nên duyên” đồng hành.

Đã có gần 30 cuộc tiếp xúc song phương giữa các nhà đầu tư Anh quốc và châu Âu với “tệp” doanh nghiệp từ Việt Nam đang có nhu cầu tìm người đồng hành như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam, PVN, Ngân hàng Công thương  Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, MobiFone, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty cổ phần Công nghệ viễn thông Sài Gòn…

Các định chế tài chính trung gian như SSI, BSC, Eastspring Investments cũng bận rộn không kém khi tổ chức nào cũng nhận được ít nhất 2-3 lời đề nghị đối thoại trực tiếp của các nhà đầu tư muốn tìm đến Việt Nam. Bữa tiệc trưa trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Việt Nam sáng 4/7 đã chậm 1 tiếng. Khán phòng buổi chiều dành cho các cuộc tiếp xúc “one - one” cũng phải đóng cửa muộn do các bên đều muốn tìm được người đồng hành xứng đáng.

Vương quốc Anh là một trong 5 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất toàn cầu với thu nhập bình quân trên 40.000 USD/người/năm. Người Anh vốn được đánh giá không dễ gần khi họ coi trọng sự trung thực và những mối quan hệ dài hạn. Điểm cộng cho Việt Nam trong đánh giá của nhiều nhà đầu tư “xứ sở sương mù” là sức tăng trưởng cao và ổn định của nền kinh tế, cùng với vị thế chính trị ngày càng được cải thiện trên trường quốc tế.

Năm tới, Việt Nam sẽ giữ vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tạo nên vị thế mới, niềm tin mới vào Việt Nam. Tuy nhiên, điểm khiến nhà đầu tư Anh hạnh phúc và hứng thú thực sự là việc Việt Nam đang thúc đẩy tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ phổ thông, phù hợp với câu chuyện hội nhập và bước chân ra toàn cầu. Bộ trưởng Viện trợ phát triển Anh mới đây đã nói rằng, nếu 90% dân Việt Nam nói tiếng Anh thì Việt Nam trong tương lai sẽ có 90 triệu người nói tiếng Anh, tức là hơn dân số của Anh, Canada và New Zealand cộng lại. “Đó là một thị trường rất lớn mà chúng tôi không muốn bỏ qua”.

Nhiều hy vọng cho việc thị trường chứng khoán được nâng hạng

Liên quan đến thị trường tài chính, tháng 9 tới cũng là thời điểm đáng chờ đợi của tất cả các chủ thể, khi đây là tháng Tổ chức xếp hạng FTSE Russell (Anh quốc) sẽ công bố đánh giá “hạng” của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trên vai trò điều phối cuộc trao đổi kết nối đầu tư vào Việt Nam, ông Lê Hải Trà, người điều hành HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM chia sẻ một tin vui rằng, tháng 9 có nhiều hy vọng cho việc thị trường chứng khoán được nâng hạng.

Hy vọng này đến từ việc, ngày 3/7/2019, Đoàn công tác của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có cuộc làm việc với các chuyên gia của FTSE Russell để lắng nghe và giải đáp những “điểm trừ” khi tổ chức này đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết quả là, nhiều vấn đề đã sáng tỏ, FTSE Russell có thêm niềm tin vào thị trường chứng khoán Việt Nam, với dự kiến tháng 8, các bên sẽ cùng rà soát lần cuối 21 tiêu chí xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam để tháng 9, hy vọng sẽ có tin vui từ tổ chức này.

Thị trường chứng khoán: Việt Nam vẫn trong danh sách theo dõi nâng hạng
Theo bản cập nhật nâng hạng thị trường chứng khoán các quốc gia của FTSE Russell vừa công bố, thị trường Việt Nam vẫn được giữ trong danh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư