Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Tiền Giang - “bến đỗ” của nhà đầu tư
Huy Tự - 21/12/2019 11:20
 
Sự quan tâm và hiện diện của hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn với những dự án trên nhiều lĩnh vực đã cho thấy quyết tâm của tỉnh Tiền Giang trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và sự gắn bó, đồng hành với doanh nghiệp.
Nằm bên sông Tiền, TP. Mỹ Tho đang trên đà phát triển, là một trong những trọng điểm thu hút đầu tư của tỉnh Tiền Giang.
Nằm bên sông Tiền, TP. Mỹ Tho đang trên đà phát triển, là một trong những trọng điểm thu hút đầu tư của tỉnh Tiền Giang.

Sự lựa chọn của nhiều tên tuổi lớn

Giai đoạn 2016 - 2019, Tiền Giang đã đạt được những kết quả khả quan trong công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư. Đặc biệt, kể từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018, làn sóng nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh ngày càng tăng.

Cụ thể, trong năm 2019, trên 200 lượt nhà đầu tư đã đến khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh, tăng 54% so với năm 2018. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang phối hợp với các sở, ngành và các địa phương tổ chức 115 buổi họp chính thức để tiếp các nhà đầu tư; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ cho 85 lượt nhà đầu tư về quy trình thủ tục đầu tư, cung cấp thông tin dự án và khảo sát trực tiếp các dự án đầu tư, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Vingroup, FLC, Thaco, TNG, T&T, Thành Thành Công...

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh như Công ty cổ phần Cảng Mỹ Tho, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tiền Giang, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng chợ Thiên Phú Đức, Công ty TNHH Thuận Phú, Hợp tác xã Rạch Gầm, Công ty TNHH Sản xuất - thương mại Phú Đạt, Công ty TNHH Bác Ba, Công ty TNHH Sản xuất, chế biến nông sản Cát Tường, Công ty TNHH chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức, Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Tuấn Hiền... đang tham gia đấu thầu thực hiện các dự án cảng du thuyền, khu nhà ở thương mại, chợ, khu dân cư và các dự án sản xuất, chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao...

Ngoài ra, còn có 19 dự án đang được các ngành, địa phương hướng dẫn nhà đầu tư triển khai công tác nghiên cứu phương án đầu tư. Các dự án này đã hoàn thiện phương án đầu tư, được UBND tỉnh Tiền Giang xem xét, bổ sung vào quy hoạch và danh mục mời gọi đầu tư của tỉnh.

Nhờ hiệu quả từ công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư công, đến hết tháng 11/2019, tỉnh Tiền Giang đã giải ngân trên 2.541 tỷ đồng, đạt trên 95% kế hoạch. Công tác cải cách môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh theo Nghị quyết số 02/2019 của Chính phủ đã được các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc.

Các ngành, các cấp đã tập trung rà soát, cải cách thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, thuế, bảo hiểm xã hội... để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Công tác tiếp xúc, hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư tập trung vào hai đầu mối (dự án trong khu, cụm công nghiệp tập trung đầu mối tại Ban Quản lý các khu công nghiệp Tiền Giang; dự án ngoài khu, cụm công nghiệp tập trung đầu mối tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang), kết hợp các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giám sát quản lý đầu tư ngày càng thực chất và hiệu quả hơn

Các giải pháp trên được Tiền Giang quyết tâm thực hiện đồng bộ, từng bước tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư tin tưởng, an tâm đầu tư phát triển kinh doanh và triển khai dự án. Kết quả, trong năm 2019, Tiền Giang đã thu hút được 25 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký mới 13.320,9 tỷ đồng, tuy ít hơn 3 dự án, nhưng vốn đầu tư đăng ký gấp 3,36 lần so với cùng kỳ năm 2018; bình quân vốn đầu tư của một dự án mới là 532,8 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với mức bình quân 141,5 tỷ đồng/dự án của năm 2018. Bên cạnh đó, có 3 dự án đăng ký tăng vốn với 494,5 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư thu hút được năm 2019 đạt 13.823,96 tỷ đồng, tăng 85,6% so với năm 2018.

Không để các dự án đã ký kết nằm trên giấy

Quyết tâm thực hiện lời nhắn gửi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018 là không để các dự án đã ký kết với tỉnh chỉ nằm trên văn bản, giấy tờ, hạn chế thấp nhất các dự án chỉ nhằm “xí chỗ”..., tỉnh Tiền Giang chủ động đôn đốc, tạo điều kiện để nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án được ký kết, cấp chứng nhận đầu tư, mạnh dạn thu hồi các dự án mà nhà đầu tư không triển khai đúng như cam kết.

Đối với các dự án đã trao chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, đến nay, có 10/18 dự án với tổng vốn đầu tư 3.436 tỷ đồng đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động hoặc đang thi công (trong đó, 7/10 dự án đã hoàn thành xây dựng và đi vào hoạt động); 3/18 dự án đã và đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; 5/18 dự án đang hoàn thiện thủ tục xây dựng, môi trường.

Đối với các dự án được trao chủ trương nghiên cứu, đến nay, có 9/12 dự án với tổng vốn đầu tư 5.251 tỷ đồng đã có báo cáo kết quả nghiên cứu; 3/12 dự án đã hết thời gian nghiên cứu nhưng các nhà đầu tư không tổ chức hoạt động nghiên cứu và báo cáo kết quả cho tỉnh. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo cho các nhà đầu tư về việc chấm dứt chủ trương nghiên cứu các dự án này.

Trong 9 dự án đã báo cáo kết quả nghiên cứu, UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt kết quả đấu giá, kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư 3 dự án gồm: Tổ hợp Trung tâm thương mại dịch vụ TP. Mỹ Tho, Cảng du thuyền, Nhà máy Chế biến trái cây của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thanh Bình. Hiện nay, chủ đầu tư các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để triển khai thi công trong thời gian sớm nhất… Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thấy, môi trường đầu tư của Tiền Giang thực sự hấp dẫn nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Tăng tốc thu hút đầu tư

Năm 2020, tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu thu hút 29 dự án với tổng vốn đầu đăng ký đạt 19.000 tỷ đồng (tăng 4 dự án và tăng 14% so với năm 2019). Trong đó, tỉnh chủ trương tập trung thu hút đầu tư các dự án thứ cấp vào các khu công nghiệp Long Giang, Gò Công; các cụm công nghiệp Gia Thuận 1, Thạnh Tân, An Thạnh II; tổ chức xúc tiến, mời gọi đầu tư phát triển các cụm công nghiệp Tân Lý Đông, Mỹ Phước Tây và Long Bình.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hoàn thiện công tác quy hoạch và phát triển các dự án điện gió Gò Công Đông và Tân Phú Đông; các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản, thủy sản; các dự án phát triển đô thị, trung tâm thương mại, nhà ở thương mại và nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp; ưu tiên tạo lập quỹ đất để thu hút đầu tư phát triển các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể thao, môi trường.

Để tạo đà cho mục tiêu tăng tốc thu hút đầu tư trong năm 2020 và những năm tiếp theo, Tiền Giang sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư; chú trọng tăng trưởng chất lượng, bền vững, hiệu quả và sáng tạo; nâng cao năng suất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và các ngành kinh tế.

Để có cơ sở xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư và thực hiện đầu tư, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất...; đồng thời tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của nhà đầu tư và doanh nghiệp trong các khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

Phát huy những kết quả đạt được trong công tác xúc tiến đầu tư thời gian qua, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn; nâng cao chất lượng đối thoại, tiếp xúc, làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư, hộ kinh doanh và tổ chức hội nghị gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư triển khai xây dựng dự án; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án; tạo niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh về sự đồng hành, gần gũi giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Tiền Giang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn

Thời gian qua, nhiều tập đoàn lớn đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh Tiền Giang.

Cụ thể, Tập đoàn Vingroup đã tham gia đấu giá thực hiện Dự án Tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ Mỹ Tho; Tập đoàn FLC nghiên cứu Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ Tiền Giang; Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) đang tham gia đấu giá thực hiện Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ Lương Phú; Tập đoàn TNG đang tham gia đấu thầu thực hiện các dự án khu nhà ở thương mại tại Gò Công, Cai Lậy và TP. Mỹ Tho; Tập đoàn T&T đang nghiên cứu, đề xuất quy hoạch phát triển khu đô thị mới tại TP. Mỹ Tho; Tập đoàn Thiên Minh Đức đang nghiên cứu thực hiện Dự án Tổng kho xăng dầu, khí hóa lỏng tại Gò Công Đông; Tập đoàn Thành Thành Công đang nghiên cứu thực hiện Dự án Phát triển điện gió tại Gò Công Đông và Tân Phú Đông...

Tiền Giang cam kết không thay đổi quy hoạch gây ảnh hưởng lưu lượng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Lần đầu tiên trong lịch sử BOT giao thông, một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã đưa ra cam kết với các ngân hàng không thay đổi quy hoạch làm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư