Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Tiền ngân hàng có thể đổ vào trái phiếu
Mạnh Bôn - 15/05/2013 07:04
 
Trả lời cho câu hỏi: tiền ngân hàng đi đâu, TS. Bùi Đình Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã đưa ra suy luận riêng.
TIN LIÊN QUAN

TS. Bùi Đình Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách
của Quốc hội

Tốc độ tăng huy động vốn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại. Theo ông, tiền ngân hàng đi đâu?

Tôi đã nhiều lần suy nghĩ về câu hỏi này khi so sánh, nghiên cứu về tốc độ tăng huy động vốn và tăng dư nợ tín dụng của các ngân hàng.

Năm 2012, huy động vốn tăng 22,7% so với năm 2011, trong đó huy động VND tăng 28,8% và huy động ngoại tệ giảm 4,5%, nhưng dư nợ tín dụng chỉ tăng 8,91%. Trong 4 tháng đầu năm nay, huy động vốn tăng khoảng 5% so với cuối năm, nhưng dư nợ cho vay chỉ tăng 1,41%. Vậy tiền huy động đi đâu, nếu không phải là vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng và được đầu tư vào kênh khác, chứ không trực tiếp vào nền kinh tế.

Các ngân hàng thương mại chắc chắn không để tiền nằm trong két, mà họ phải đầu tư vào kênh khác. Ông có nghĩ như vậy không?

Nhìn vào các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), thì thấy rất rõ điều này. Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 4 tháng đầu năm, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 67.924 tỷ đồng trái phiếu chính phủ qua hình thức đấu thầu tại HNX. Trong đó, riêng tháng 4 đã huy động được 15.066 tỷ đồng. Cũng trong 4 tháng đầu năm, Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được tổng cộng 3.610 tỷ đồng trái phiếu qua hình thức đấu thầu, còn Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) huy động được 10.345 tỷ đồng trái phiếu chính phủ cũng bằng hình thức này.

Những số liệu trên cho thấy, tiền huy động được các ngân hàng thương mại sử dụng một phần không nhỏ để tham gia đấu thầu mua trái phiếu chính phủ, mà không đầu tư trực tiếp cho nền kinh tế. Theo tôi, nếu nguồn vốn này mà ngân hàng cho doanh nghiệp (DN) vay, với lãi suất hợp lý, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2012 và 4 tháng đầu năm còn cao hơn nữa.

Theo ông, vì sao lại có tình trạng này?

Có thể do ngân hàng sợ nợ xấu tăng trở lại, hoặc là một số ngân hàng cam kết ngầm với nhau “thà sử dụng tiền huy động được để mua trái phiếu chính phủ còn hơn là cho vay, hay là hạ lãi suất cho vay”. Tại Kỳ họp Quốc hội thứ 5 tới đây, sẽ có không ít đại biểu Quốc hội yêu cầu Ngân hàng Nhà nước giải thích rõ tình trạng này.

Nhưng nếu chỉ xét riêng tháng 4 vừa qua, thì dấu hiệu vốn được đẩy ra nền kinh tế đã khả quan hơn?

Nếu như trong 3 tháng đầu năm, dư nợ cho vay hầu như không tăng (chỉ tăng 0,03%), thì đến cuối tháng 4 đã tăng 1,41% so với cuối năm 2012. Thực tế này cho thấy, tín dụng đã có dấu hiệu tăng. Qua theo dõi hoạt động ngân hàng tại Hà Nội và TP.HCM (chiếm 60% tổng dư nợ cho vay của cả nước), tôi thấy, lượng tiền cho vay sản xuất - kinh doanh đã có chiều hướng tăng rõ rệt. Như vậy, nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho nền kinh tế đã bắt đầu có dấu hiệu được khơi thông.

Tuy nhiên, ở đây cần phải phân tích thấu đáo xem có phải là do một phần vốn tín dụng được đảo nợ. Cụ thể, ngày 26/3/2013, Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động từ 8%/năm xuống 7,5%/năm, khiến lãi suất cho vay giảm còn 9-12% đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ; 11-15%/năm với lĩnh vực còn lại vay ngắn hạn và 14,6-17,5%/năm vay trung, dài hạn.

Tận dụng giảm lãi suất, DN thực hiện đảo nợ, họ vay mới để trả nợ cũ, nên dư nợ cho vay tăng, nhưng trên thực tế, tiền không đi vào sản xuất, kinh doanh để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tôi cho rằng, cũng cần làm rõ vấn đề này.

Giả sử hiện tượng đảo nợ có xảy ra, thì cũng là tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm được chi phí lãi vay, giúp hệ thống ngân hàng tăng được doanh số cho vay, thưa ông?

Ở khía cạnh nào đó, đảo nợ cũng có mặt tích cực của nó là giúp các DN đã phải vay vốn với lãi suất cao trước đây cơ cấu lại nguồn vốn, giúp bảng cân đối kế toán của hệ thống ngân hàng sạch sẽ hơn. Nhưng mục tiêu chính vẫn là, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng, đưa vốn trực tiếp vào hoạt động sản xuất- kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thu hút các nguồn lực bỏ vốn ra đầu tư, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn, việc làm...

Vì thế, nếu hiện tượng đảo nợ xảy ra, thì không những không đạt được những mục tiêu trên, mà còn làm méo mó thị trường tiền tệ, có thể tạo ra tiêu cực trong cho vay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư