Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tiền số liệu có thể trở thành khoản đầu tư an toàn hơn?
Tư Thuần - 06/01/2023 16:31
 
Kể từ khi thị trường tiền số xuất hiện cho tới nay, các quy định của nhà quản lý đang tập trung vào ngăn chặn hoạt động rửa tiền. Việc bảo vệ nhà đầu tư chưa phải là ưu tiên.

2022 là năm mà các thị trường tài sản số gần như “hấp hối”.

Tuy nhiên, tới tháng 12, việc một số quỹ ETF dành cho tiền số xuất hiện tại Hong Kong mang đến hy vọng mới cho cả nhà đầu tư cá nhân và chuyên nghiệp trên toàn cầu.

Các quỹ ETF với Bitcoin và Ether xuất hiện tại Hong Kong, trong đó có CSOP Bitcoin Futures ETF, trở thành quỹ ETF tiền số đầu tiên tại châu Á giúp các sáng kiến phát triển thị trường tài sản số thêm phần dày dặn. Tuy nhiên, diễn biến mới này không làm thay đổi cuộc khủng hoảng mà giới đầu tư phải đối mặt đối với thị trường tài sản số. Trong đó, vấn đề lớn nhất là sự an toàn đối với nắm giữ tiền số.

Vụ việc FTX phá sản, người sáng lập kiêm CEO Sam Bankman bị bắt giữ và đối diện án phạt 150 năm tù vì hàng loạt cáo buộc lừa đảo trở thành dòng nước lũ cuốn trôi niềm tin của giới đầu tư. Nhất là khi theo quy định của việc phá sản, các tài sản của FTX sẽ được ưu tiên trả trước cho các chủ nợ, thay vì nhà đầu tư.

Cùng với đó, vụ việc tại Celsius Network LLC – công ty cho vay tiền số càng khiến nhà đầu tư phẫn nộ. Cụ thể, 3 lãnh đạo của Celsius Network bị cáo buộc đã rút tổng cộng hơn 20 triệu USD tài sản ra khỏi Công ty, trong khi chặn khách hàng rút tiền và sau đó nộp đơn phá sản. Số phận của hàng tỷ USD mà nhà đầu tư nắm giữ dưới các tài khoản thuộc Celsius chưa có lời giải.

Celsius Network ghi nhận tài sản trị giá 11,8 tỷ USD, nhưng hiện chỉ có 167 triệu USD tiền mặt để hỗ trợ các hoạt động nhất định trong tình trạng phá sản. Các tài sản còn lại sẽ sớm được đưa ra đấu giá để thanh lý nghĩa vụ tài chính cho khách hàng. Câu hỏi đặt ra là: số tiền này thuộc về các chủ nợ của Công ty hay thuộc về khách hàng?

Những lo lắng này phần nào sẽ được giải toả, nếu hoạt động đầu tư tiền số dịch chuyển dần về hướng thị trường truyền thống với các quy định về an toàn, tương tự cổ phiếu và trái phiếu. Theo đó, tài sản của khách hàng sẽ được bảo vệ dưới các tiêu chuẩn, bao gồm việc cần thiết phải có tổ chức lưu ký và đơn vị bảo hộ cho rủi ro mất mát tài sản.

Ví dụ, theo quy định mới của CSOP Bitcoin Futures ETF, quỹ ETF tập trung vào thị trường tiền số sẽ giao phó tài sản của khách hàng cho đơn vị được cấp phép tại Hong Kong là HSBC Holdings Plc. Theo đó, tài sản của khách hàng sẽ được kiểm tra và giám sát dưới các quy định của ngành ngân hàng.

Đây chính là điều mà các nhà quản lý quỹ trông đợi từ lâu. Các “tay chơi” truyền thống tham gia vào thị trường tài sản số sẽ mang theo các quy định an toàn được thiết lập cụ thể, lâu đời. Các token có thể đóng góp quan trọng cho nền kinh tế trong tương lại, nhưng hiện tại, không ai dám chắc liệu các tài sản số có giá trị nào khác ngoài một phương tiện để đầu cơ. Thị trường tiền số cần thiết lập các hành lang an toàn để dòng vốn có thể tiếp tục chảy.

Các quỹ ETF tại Hong Kong chỉ là ví dụ gần nhất cho thấy ngành công nghiệp tài chính đang mở rộng hơn nữa, thâm nhập sâu hơn vào thị trường tài sản số cùng với các quy định bảo vệ nhà đầu tư. Bank of New York Mellon Corp, ngân hàng hiện đang trông coi 43 nghìn tỷ USD tài sản của khách hàng, gần đây đã mở dịch vụ nhận tài sản của khách hàng tổ chức là các loại tiền số. Trong khi đó, BlackRock Inc cũng bước chân vào lĩnh vực này với việc thêm tiền số vào nền tảng Aladdin, được sử dụng trong danh mục đầu tư của các quỹ lương hưu và các nhà đầu tư lớn khác.

Việc các nhà đầu tư tổ chức lớn tham gia thị trường và có các biện pháp giám sát tài sản của khách hàng là tin tốt, nhưng một số khoảng trống chỉ có thể lấp đầy bởi các quy định pháp luật.

“Yếu tố bảo vệ được các tổ chức như BNY Mellon, Fidelity hay HSBC cung cấp tới khách hàng có những đặc điểm nhất định: Chỉ dành cho khách hàng lớn; và cũng chỉ những tổ chức lớn như vậy mới có đủ năng lực để đảm bảo rủi ro. Nếu muốn tạo một thị trường tài sản số an toàn hơn, cần những điều luật mới được ban hành để lấp đầy khoảng trống”, Olivier Fines – đơn vị tư vấn cho khu vực châu Âu, Trung đông và châu Phi tại CFA Institute cho biết.

Một trong những khoảng trống pháp lý hiện nay chính là tách bạch khoản tiền của nhà đầu tư và của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Chẳng hạn, theo quy định của Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC), các nhà môi giới cần tách bạch tiền mặt và cổ phiếu của khách hàng khỏi tài khoản của công ty. Đây là biện pháp quan trọng để bảo hiểm cho tài sản của nhà đầu tư. Tuy nhiên, tại các sàn giao dịch tiền số như FTX hay Binance, câu chuyện về tách bạch tài sản, minh bạch số liệu… vẫn còn rất xa vời.

Kể từ khi thị trường tiền số xuất hiện cho tới nay, các quy định của nhà quản lý đang tập trung vào ngăn chặn hoạt động rửa tiền. Việc bảo vệ nhà đầu tư chưa phải là ưu tiên.

“Cho dù có tạo nên cuộc cách mạng hay không, các công ty công nghệ không thể cung cấp biện pháp bảo vệ nhà đầu tư. Hệ sinh thái tài sản số cần một hành lang pháp lý mạnh mẽ và rõ ràng”, báo cáo của CFA Institute đánh giá.

Ít nhất 1 tỷ USD "bốc hơi" khỏi sàn tiền ảo FTX
Ít nhất 1 tỷ USD tiền của khách hàng đã biến mất khỏi sàn giao dịch tiền ảo đang chờ phá sản FTX, Reuters dẫn hai nguồn thạo tin cho hay.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư