Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiến tới bầu cử Quốc hội khóa XV: Cơ chế nào bảo vệ người dám nghĩ, dám làm
Nguyễn Lê - 20/05/2021 08:41
 
Cơ chế khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm đã không còn là câu chuyện mới. Song, những chính sách này vẫn đang ở giai đoạn tiếp tục hoàn thiện.

Được nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trong nghị quyết phiên họp đầu tiên của Chính phủ sau kiện toàn, cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá sáng tạo vì lợi ích chung càng trở nên thời sự hơn khi cử tri cả nước chuẩn bị bầu ra 500 đại biểu Quốc hội khoá XV, những người có vai trò quan trọng trong hoàn thiện thể chế, trong đó có trọng dụng và bảo vệ người dám dấn thân vì sự phát triển đất nước. 

Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi với tội danh "cố  ý làm trái" đã được cụ thể hoá ở các điều luật mới.

Thúc đẩy cơ chế bảo vệ cán bộ dám “vượt rào”

Ở nghị trường, luật về trọng dụng nhân tài, cơ chế khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm đã không còn là câu chuyện mới. Song, khi những chính sách này vẫn đang ở giai đoạn tiếp tục hoàn thiện, thì có một thực tế không thể phủ nhận là, trong bối cảnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng rất quyết liệt, không có vùng cấm, một bộ phận cán bộ có tâm lý e dè, ngại ngần, sợ sai trong thực thi công vụ, chỉ làm việc cầm chừng để “giữ mình”.

Nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ vào giữa năm 2019 từng nêu tình trạng nhiều cán bộ, công chức ở một số sở, ngành có tâm lý e ngại, làm gì cũng sợ sai, nhất là liên quan đến các dự án có yếu tố “lịch sử để lại”.

Đầu năm 2021, tham luận tại Đại hội XIII của Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị Trung ương sớm triển khai thực hiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Khi đó, một số vị đại biểu dự Đại hội, cũng là đại biểu Quốc hội đương nhiệm, đã bày tỏ sự đồng tình cao với cơ chế bảo vệ cán bộ “6 dám”: “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách” được nêu tại báo cáo chính trị của Đại hội.

“Chúng ta thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy trách nhiệm cá nhân, thì cũng phải thúc đẩy một cơ chế để bảo vệ cán bộ sẵn sàng đi tiên phong, sẵn sàng “vượt rào” đột phá vì lợi ích của Đảng, của đất nước và của nhân dân”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.

Trao đổi sâu hơn vấn đề này khi các cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đang diễn ra ở khắp các địa phương trong cả nước, ông Lộc nói, trên cơ sở chủ trương của Đảng, cần có quy định cụ thể hơn để bảo vệ cán bộ “6 dám”.

Theo ông Lộc, phải thể chế hóa chủ trương đó trong hệ thống pháp luật, nhất là ở những điều khoản quy định về những vấn đề mới, nhạy cảm, dễ rủi ro.

Thừa nhận thiết kế cơ chế để bảo vệ những người dám “vượt rào” vì lợi ích chung là rất khó, nhưng Chủ tịch VCCI cho rằng, trước hết, phải thay đổi tư duy trong quản lý, đánh giá cán bộ, sau đó thiết kế cơ chế cụ thể trong hệ thống pháp luật.

Đã là đổi mới sáng tạo thì có thất bại, có thành công, nếu cứ thất bại mà quy về thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì “căng” rồi, phải tránh việc lợi dụng quy định này, vị đại biểu có thâm niên 4 khóa tham gia Quốc hội phân tích.

Quy định tội phạm trong pháp luật chuyên ngành

Vừa tham gia giảng dạy chuyên ngành luật, vừa có thực tiễn xét xử, từng tham gia Quốc hội khóa XIII, PGS-TS, Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Chánh án Toà án Quân sự Trung ương cho rằng, nhìn từ góc độ bảo vệ người dám dấn thân vì công việc, thì một số quy định trong hệ thống pháp luật hiện nay vẫn rất mong manh.

Theo chuyên gia này, cần phải quy định tội phạm trong pháp luật chuyên ngành, bởi ở Bộ luật Hình sự hiện hành, tội danh “cố ý làm trái” đã được cụ thể hóa ở các điều luật mới trong Chương Các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Nhưng trong nền kinh tế thị trường, kinh tế số, công nghệ thay đổi liên tục, mà không có văn bản, nghị quyết hướng dẫn kịp thời, thì nguy cơ lạm dụng luật hình sự vẫn có thể xảy ra.

Ông Độ nêu quan điểm, pháp luật trong lĩnh vực kinh tế phải có tính minh bạch cao, phải có quy định tội phạm trong pháp luật chuyên ngành, chẳng hạn với Luật Kế toán, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước..., thì hành vi nào là tội phạm bị xử lý hình sự cần nói rõ.

“Với những vấn đề mới, nếu vận dụng với mục đích tốt, có thể gây hậu quả, thì tại sao lại xử lý hình sự. Cùng lắm là thiệt hại thì cá nhân đó bồi thường về dân sự, nếu có lỗi, chứ bỏ tù thì ai còn dám sáng tạo”, ông Trần Văn Độ phân tích.

Với nghiên cứu của mình, ông Độ cũng khẳng định về mặt kỹ thuật lập pháp, việc quy định tội phạm trong luật chuyên ngành chẳng có khó khăn, “vì thế giới quy định như thế từ lâu rồi”.

“Cách làm luật lâu nay của ta là luật nào cũng có hành vi bị cấm, tùy mức độ vi phạm mà xử lý hành chính hoặc bị xử lý hình sự, sau đó viện dẫn sang Bộ luật Hình sự, mà bộ luật này thì không thay đổi kịp với thực tế cuộc sống. Nên trong luật chuyên ngành, ví dụ có 20 khoản phải cấm thì quy định luôn vi phạm cái gì thành tội phạm và không thành tội phạm, để người ta mạnh dạn làm. Thời đại công nghệ số này mà cứ bắt người ta phải theo luật cũ thì sẽ kìm hãm sự phát triển”, ông Độ nói về sự cần thiết pháp luật phải theo kịp cuộc sống.

Về vai trò của đại biểu Quốc hội trong hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo vệ người dám đổi mới, sáng tạo, ông Độ chia sẻ: “Những người tài, có tâm huyết thì mới kiến nghị những vấn đề mới chưa ai nghĩ đến. Khi còn tham gia Quốc hội, tôi cũng đã từng đề nghị khi thảo luận các dự án luật phải chú ý đến ý kiến thiểu số, vì người mạnh dạn mới nói quan điểm riêng, mà nhiều khi, quan điểm đó không giống số đông. Khi đã biểu quyết thông qua thì phải theo ý kiến đa số, còn khi thảo luận thì cần quan tâm ý kiến thiểu số”.

Nhấn mạnh quan điểm thực hiện chính sách hình sự hướng thiện, coi trọng phòng ngừa, ông Độ tâm tư: phải coi tư pháp là nghề cứu người, người ta bước một chân vào vũng bùn rồi thì đừng đẩy chân thứ hai xuống bùn luôn. Vì thế, với những vấn đề quy định chưa rõ ràng mà công dân và doanh nghiệp làm thì phải hết sức cân nhắc khi xét xử.

“Thực tế vẫn có tình trạng xử nặng thì không bị nghi ngờ, mà xử nhẹ thì bị nghi ngờ là có tiêu cực, nên cuối cùng là, hệ thống hình phạt đã khốc liệt rồi, áp dụng lại khốc liệt thêm nữa, nên chẳng ai dám sáng tạo, phát minh vì nguy cơ cao phải vào tù”, ông Độ nói.

Khẳng định việc tôn trọng, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm chính là động lực cho cho xã hội phát triển, song Trung tướng Trần Văn Độ cho rằng, việc này còn cần đến vai trò của nhân dân và ý thức xã hội nữa. “Đốt lò” chống tham nhũng là rất cần, nhưng không nên hả hê khi thấy nhiều “củi” bị cho vào lò, mà lò vẫn nhóm nhưng không có “củi” thì mới đáng hả hê, ông Độ bày tỏ.

Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ (có hiệu lực từ ngày 15/2/2021) của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao nêu nguyên tắc, xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59, Bộ luật Hình sự đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm, nhưng có vai trò không đáng kể thuộc trường hợp người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Ứng viên đại biểu Quốc hội cam kết thúc đẩy phát triển doanh nghiệp
Nhiều ứng viên đại biểu Quốc hội khóa XV cam kết tiếp tục tham mưu cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hợp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư