Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiền vào ngân hàng chậm lại, thanh khoản chưa đáng lo
Hà Tâm - 31/03/2021 07:12
 
Dòng vốn chảy vào ngân hàng đang chậm lại, trong khi vốn đổ vào các kênh đầu cơ tăng lên. Tuy nhiên, vốn chảy vào ngân hàng chậm một phần do sự chủ động điều chỉnh của các ngân hàng.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tiền vào ngân hàng chậm lại là do sức nóng của các kênh đầu cơ, như chứng khoán, bất động sản, tiền ảo…

Dòng tiền bẻ lái

Nền kinh tế ấm lên khiến tín dụng dần phục hồi. Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tính đến thời điểm 19/3/2021, tín dụng của nền kinh tế tăng 1,47%, gấp 2,16 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 0,54%, tương đương mức tăng thời điểm này năm ngoái (tăng 0,51%). Còn nếu so với cùng thời điểm trước dịch bệnh, thì tốc độ tăng trưởng huy động vốn thấp đáng kể (tính dụng vào thời điểm 20/32019 tăng 1,72%).

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV cho hay, trong 2 tháng đầu năm, tín dụng của ngân hàng này giảm 0,87%, nhưng huy động vốn giảm tới 2,5%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Tú, là ảnh hưởng của Covid-19 và yếu tố chu kỳ.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tiền vào ngân hàng chậm lại là do sức nóng của các kênh đầu cơ, như chứng khoán, bất động sản, tiền ảo… “Lãi suất quá thấp, trong khi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản tăng mạnh, khiến dòng tiền có dấu hiệu chảy từ ngân hàng sang các kênh này”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định.

Trên thực tế, trong khi huy động vốn của các ngân hàng tăng chậm, thì dòng vốn đổ vào chứng khoán, bất động sản lại tăng mạnh. Tính từ đầu năm đến nay, tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước đạt 55.562 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Chưa có số liệu cập nhật, song tín dụng bất động sản quý I/2021 cũng tăng trên 1%, nếu cộng cả tín dụng tiêu dùng (chủ yếu là mua nhà), thì mức tăng tín dụng bất động sản chắc chắn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế. Cơn sốt đất lan rộng từ đầu năm đến nay khiến nhiều người ồ ạt vay tiền mua nhà, mua đất, với kỳ vọng nhân đôi, nhân ba tài sản.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, nhu cầu tín dụng tăng mạnh trở lại là có thật. Tại OCB, tín dụng quý I/2021 thậm chí còn tăng hơn cùng thời điểm năm 2019 - khi dịch bệnh chưa xảy ra.

Thanh khoản dư thừa, ngân hàng muốn tăng cho vay, giảm huy động

Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, tín dụng đang có sự phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu vay của khách hàng tăng mạnh, đặc biệt là nhóm khách hàng doanh nghiệp.

“Ở Việt Nam, kinh tế đã quay trở lại như lúc bình thường và chúng ta đang kỳ vọng tất cả những lò xo nén trước đây sẽ được bung ra. Chưa kể, nhiều nước đang bơm tiền để tăng trưởng trở lại, nên tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam. Kinh tế tăng trưởng tốt thì đương nhiên nhu cầu tín dụng sẽ tăng. Chỉ cần ngân hàng năng động một chút, tiếp cận nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp tốt thì tăng trưởng tín dụng có thể đạt thậm chí cao hơn những năm trước”, ông Tùng nói.

Với những lo ngại tín dụng sẽ chảy vào kênh đầu tư rủi ro, Tổng giám đốc OCB cho rằng, khi cấp hạn mức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng định hướng các ngân hàng rót vốn vào 5 lĩnh vực ưu tiên. Hơn nữa, năm nào Ngân hàng Nhà nước cũng hạn chế cho vay chứng khoán, bất động sản, bản thân các ngân hàng cũng hạn chế cho vay lĩnh vực này.

Mặc dù huy động vốn tăng chậm so với tín dụng, song lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho hay, thanh khoản hệ thống vẫn rất dồi dào. Biểu hiện là mặt bằng lãi suất liên ngân hàng vẫn ổn định ở mức thấp, lãi suất trên thị trường cũng chỉ có sự điều chỉnh nhẹ.

Tốc độ tăng trưởng huy động vốn thời gian qua sút giảm có một phần nguyên nhân từ sự chủ động của các ngân hàng, nhằm tránh nguồn vốn dư thừa quá lớn. Hiện tại, tỷ lệ huy động/cho vay của ngân hàng vẫn đứng ở mức thấp (khoảng trên 70%, trong khi trước dịch bệnh, tỷ lệ này là trên 87%).

Hiện nay, quy mô tín dụng/GDP nước ta ở mức rất cao (140%), chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dựa quá lớn vào vốn. Vì vậy, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, cần phải hãm dần tốc độ tăng trưởng tín dụng để tiệm cận tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa, tránh phát sinh rủi ro nợ xấu. Doanh nghiệp ngoài dựa vào vốn vay ngân hàng cần tăng huy động vốn trên thị trường trái phiếu, cổ phiếu. Đây cũng là xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Thông thường tín dụng tăng sẽ đẩy lãi suất tăng, nhưng hiện nay, thanh khoản dư thừa đang rất lớn, có thể thấy rõ trên thị trường liên ngân hàng. Mà thừa tiền, thì huy động cũng sẽ hạn chế. Chính vì vậy, năm nay, tiềm năng tăng tín dụng rất tốt, song lãi suất cho vay cũng không thể tăng cao, vì ngân hàng muốn đẩy tiền ra càng sớm càng tốt. Chúng tôi hy vọng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng tăng trưởng tín dụng tốt trong bối cảnh nhu cầu tín dụng phục hồi.

- Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB

Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ cao
Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 từ 10-12%, kịch bản thấp nhất là 7-8%. Nhưng không ít ngân hàng vẫn đặt ra mục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư